Ba du khách khỏa thân, phóng xe máy trên đường phố Campuchia |
Lindsey Adams (22 tuổi) và em gái Lesli (20 tuổi) thú nhận, họ chưa hiểu hết ý nghĩa của vùng đất thiêng liêng này nên mới có hành vi không phù hợp. Trước đó, ngày 31/1, chính quyền Campuchia cũng bắt giữ ba nam du khách người Pháp do chụp hình khỏa thân tại đền Banteay Kdei, thuộc khu di tích Angkor. Họ bị kết án sáu tháng tù treo và bị cấm nhập cảnh vào Campuchia trong bốn năm.
Thời điểm trên, cơ quan APSARA (quản lý khu di tích Angkor) đã lên án mạnh mẽ hành động đăng tải trên mạng xã hội facebook các bức ảnh bán khỏa thân của một phụ nữ chụp tại đây. APSARA tuyên bố, họ kiên quyết đưa trường hợp này ra trước pháp luật.
Cũng trong tháng trước, cảnh sát Campuchia đã tống giam ba du khách người Anh, Ý, Phần Lan sau khi phát hiện họ chẳng có một mảnh vải che thân mà cứ vô tư phóng xe máy tới tỉnh Kandal (gần thủ đô Phnom Penh). Cho đến khi bị tống giam và trục xuất về nước, cả ba mới vỡ lẽ việc mình làm là hành vi bị lên án ở Campuchia.
Bức tường bị du khách người Nga vẽ chữ K |
Chỉ vì thỏa mãn ý thích nhất thời kỳ lạ mà nhiều du khách nước ngoài bất chấp phong tục, quy định của quốc gia mình đang đến, thản nhiên thực hiện những hành vi phản cảm, thậm chí là phá hoại. Tháng 11/2014, một du khách Nga 42 tuổi đã bị bắt và bị xử tù bốn tháng, đồng thời phải nộp phạt 20.000 EUR vì viết chữ lên một bức tường tại di tích đấu trường La Mã cổ Colosseum, biểu tượng của nước Ý.
Du khách vô tư chụp ảnh trước hiện trường vụ bắt cóc con tin ở Sydney |
Từng có nhiều trường hợp du khách bị phạt nặng vì hành vi thiếu ý thức. Thế nhưng, bài học ngay trước mắt như thế này dường như chỉ là câu chuyện thoáng qua mà ít ai để tâm. Bởi nhiều người suy nghĩ chủ quan rằng, chẳng dính dáng đến mình, cho đến khi chính họ là người vi phạm.
Áp dụng luật du lịch là biện pháp mà nhiều quốc gia đang hướng đến để cụ thể hóa các quy định, kèm theo đó là hình thức xử lý để công dân bản xứ phải thận trọng khi đến một quốc gia nào đó. Trung Quốc đã ban hành Luật du lịch trong đó có phần áp dụng cho người Trung Quốc khi du lịch nước ngoài (có hiệu lực từ tháng 10/2013). Luật quy định rõ ràng về các hành vi bị cấm như khạc nhổ, lớn tiếng nơi công cộng, cấm nhờ người bản địa chụp hình giùm, cấm xả rác…
Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này đến nay vẫn chưa hiệu quả. Những tháng gần đây, nhiều vụ du khách Trung Quốc có thái độ và ứng xử “bậy” đã bị dư luận thế giới lên án. Điển hình như vụ tạt nước sôi vào người tiếp viên, đánh nhau trên máy bay, mở cửa thoát hiểm để xuống cho nhanh…
“Nóng” nhất là vụ một nữ du khách hồn nhiên phơi phóng “nội y” ngay tại sân bay Thái Lan khiến nhiều người phải đỏ mặt. Tuy nữ du khách này không bị phạt tiền nhưng cách ứng xử “ao làng” của cô đã bị nhiều người chỉ trích thậm tệ: “Chẳng ai dạy cô ta thái độ lịch sự tối thiểu khi du lịch nước ngoài sao?”.
Một hành khách Trung Quốc hất nước sôi vào mặt tiếp viên |
Không có trong các điều cấm nhưng đôi khi, một số hành vi thể hiện không đúng thời điểm, không hợp hoàn cảnh cũng khiến dư luận phẫn nộ. Trong đó phải kể đến chuyện du khách hồn nhiên cười nói và chụp ảnh “tự sướng” ngay tại hiện trường vụ bắt cóc con tin ở quán cà phê Lindt (Sydney, Úc) hồi tháng 12/2014, trong khi mọi người hồi hộp lo lắng cho tính mạng của các con tin.
Khi đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu du lịch tăng nhanh, khách du lịch không chỉ thỏa mãn nhu cầu chu du khắp nơi mà còn đại diện cho hình ảnh quốc gia. Vì thế, chỉ thái độ không đúng mực, hành vi khiếm nhã (khoan nói đến việc vi phạm pháp luật) cũng đủ để bôi nhọ hoặc làm nhục quốc thể.
Theo PNO