Trước khi đi, mình chỉ biết Quan Lạn là một hòn đảo nhỏ xinh xắn thuộc tỉnh Quảng Ninh, dịch vụ du lịch mới được khai thác và đang phát triển nên vẫn còn hoang sơ và có nhiều điều để khám phá. Sau khi đặt chân đến xứ sở chan hòa nắng gió này, mình thật sự tin Quan Lạn là một thiên đường đúng nghĩa.
Chúng mình khởi hành từ Hà Nội đi Quảng Ninh sau khi hết giờ làm việc chiều thứ 6. Phương tiện là xe khách bắt từ bến Mỹ Đình. Xe khách đi Hà Nội – Quảng Ninh rất nhiều xe, chạy liên tục, nổi bật nhất có Kumho Việt Thanh và xe Đức Phúc.
Mình khuyên mọi người nên đi Kumho Việt Thanh nếu dư giả thời gian vì xe chất lượng cao, dịch vụ tốt, không nhồi nhét, đủ người là đi, không bắt khách dọc đường. Đợt mình đi Bãi Cháy đã từng đi xe Việt Thanh thấy rất thích. Tuy nhiên, đi Việt Thanh hợp với lịch trình đi Yên Tử, Bãi Cháy, Hạ Long hơn vì xe Việt Thanh chỉ dừng ở Cẩm Phả là điểm cuối mà muốn đi Quan Lạn, nếu xe đến tận Cửa Ông thì tiện hơn vì từ Cửa Ông ra cảng Cái Rồng – nơi có bến tàu ra đảo Quan Lạn hoặc đảo Cô Tô khá gần.
Chính vì lý do này nên mình chọn đi xe Đức Phúc vì xe Đức Phúc chạy xuống tận Cửa Ông, thậm chí nếu bạn trả thêm cho nhà xe 30.000 đồng, xe sẽ đưa bạn đến tận cảng Cái Rồng. Giá vé đi từ Mỹ Đình – Cửa Ông xe Đức Phúc là 130.000 đồng.
Còn xe Đức Phúc chạy khá chậm vì bắt khách dọc đường, đi từ Mỹ Đình lúc 5h10 mà 7h mới ra đến Melinh Plaza và 10h tối về đến Cửa Ông. Xe cũng nhồi nhét, khách lên sau phải ngồi ghế nhựa chứ không chất lượng như xe Kumho Việt Thanh.
Về Cửa Ông lúc 10h, bọn mình vào nhà nghỉ Thiên Lý 443 phố Chính – Cửa Ông nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi ra đảo. Nhà nghỉ mặt đường phố chính nên ô tô đỗ tận cửa luôn, nhà nghỉ có sân vườn café khá đẹp, bên cạnh là hàng ăn đêm mặc dù ven đường nhưng vẫn có ti vi xem World Cup. Giá nghỉ 1 đêm là 250.000 đồng/phòng 3 giường mà 1 giường 2 người nằm thoải mái. Ti vi K+, điều hòa, tắm nóng lạnh, tủ lạnh đầy đủ. Trước cửa nhà nghỉ còn có 2 cây ATM rút tiền của Sacombank và BIDV khá tiện và càng tiện hơn khi mà có rất nhiều xe bus, xe khách chạy qua đây sáng hôm sau để mình có thể bắt đi cảng Cái Rồng.
Tàu ra đảo Quan Lạn (ngày thứ 7)
Tàu ra đảo Quan Lạn |
Điều quan trọng nhất cần lưu ý khi đi Quan Lạn là phải mua được vé tàu ra đảo.
Vì mình có kế hoạch đi Quan Lạn từ lâu và đã nghiên cứu kỹ thông tin nên đã gọi điện cho hãng tàu Hào Thịnh (098 279 4298) đặt vé và chuyển khoản tiền vé trước ngày đi 1 tuần nên đến đây mình không gặp khó khăn gì trong việc mua vé tàu cao tốc ra đảo. Trong khi có khá nhiều người đến nơi mới mua vé nhưng hết vé bị lỡ tàu.
Có 2 loại tàu đi từ cảng Cái Rồng ra đảo. Một là đi tàu gỗ tốc độ khá chậm (3 tiếng), dễ gây say sóng, một ngày chỉ có 2 chuyến ra đảo. Hai là đi tàu cao tốc, buổi sáng có 3 chuyến liên tục 7h-7h30-8h, thời gian di chuyển bằng tàu cao tốc ra đảo chỉ mất 1 tiếng nên tiết kiệm được tối đa thời gian.
Tốt nhất khi mua vé tàu ra đảo bạn nên mua luôn vé lượt về ngày hôm sau để yên tâm có thể về đất liền theo đúng kế hoạch.
Bọn mình đi tàu cao tốc chuyến 7h30, đúng 7h35 phút tàu chạy nên mọi người chú ý ra cảng đúng giờ kẻo lỡ tàu. Thời gian di chuyển là 1 tiếng nhé, bọn mình không ngồi trong khoang tàu mà ra boong phía sau, vừa lộng gió mát mẻ lại được ngắm cảnh biển đảo rất đẹp. Và tàu cao tốc chạy nhanh nên không hề có cảm giác bồng bềnh say sóng gì hết.
Nhà nghỉ ở Quan Lạn
Sau khi tham khảo thông tin trên mạng, kết hợp với sở thích du lịch bụi, chúng mình chọn nhà nghỉ chú Mùi (098 457 3725) vì nhà chú là nhà sàn có thể ở chung nhóm đông. Nhà chú lại ngay sát bãi Quan Lạn nên đi ra bãi tắm rất tiện. Ngoài nhà sàn tập thể nhà chú Mùi cũng có khu nhà gạch bê tông như các nhà nghỉ bình dân khác trên đảo để mọi người thoải mái lựa chọn phù hợp với nhu cầu.
Ngay khi tàu cập bến, chú Mùi đã chờ đón bọn mình bằng xe tuk tuk.
Lúc lên nhà sàn, bọn mình thấy quyết định ở nhà sàn vô cùng đúng đắn khi mà ở Quan Lạn vẫn chưa có điện, người dân phải chạy máy phát, vì thế điện rất hạn chế, chỉ vài tiếng buổi tối, đến 12h đêm là mất điện nên là nếu ở nhà gạch vs bê tông buổi trưa thì khá nóng nhưng bọn mình ở nhà sàn rất thoáng mát. Nếu các bạn ở những nhà nghỉ to hoặc khách sạn thì điện sẽ có cả ban ngày vì họ chạy máy phát.
Điểm cộng lớn nhất của nhà chú Mùi là rất gần bãi tắm Quan Lạn, đi bộ 7 phút là đến nên rất tiện cho việc ra biển. Chi phí cũng rất hợp lý 50.000 đồng/người/đêm ở nhà sàn.
Nhà sàn có 2 phòng vệ sinh nhưng không có tắm nóng lạnh và buổi đêm ngủ thì nhất định phải mắc màn tránh muỗi với côn trùng cắn.
Nhận phòng xong, bọn mình được chú Mùi đưa ra chỗ thuê xe đạp đi chơi, chúng mình thuê xe đạp đôi rồi phi lên đồi thông ngược hướng đi về những bãi tắm để chụp ảnh. Khu vực này cũng dọc đường bờ biển nhưng không phải là bãi tắm nên rất hoang sơ, hữu tình.
Bọn mình đặt ăn trưa thứ 7 và trưa chủ nhật ở nhà chú Mùi luôn, chỉ 100.000 đồng/người/bữa mà cũng được ăn đầy đủ mực, tôm, nghêu, canh hến hoặc canh cua….tiền đồ uống và mồi nhắm tính riêng. Mồi nhắm ở đây là đặc sản sá sùng tươi 300.000 đồng/cân. Bọn mình 8 người ăn hết 1.2 kg sá sùng + 50.000 đồng tiền thuê lột sá sùng. Ăn trưa nghỉ ngơi xong 4h chiều bọn mình ra bãi tắm.
Ở Quan Lạn có 3 bãi tắm là Quan Lạn (gần sát nhà nghỉ của mình), Sơn Hào (cách 3km, mình không đi bãi này) và bãi xa nhất, nổi tiếng nhất mà nhiều người hay đến chụp ảnh cưới là bãi Minh Châu (cách nhà nghỉ tầm 9km, đi bằng tuk tuk).
Bãi tắm đầu tiên bọn mình đi chiều hôm thứ 7 là bãi xa nhất Minh Châu, đi tuk tuk mát rượi và tay lái các anh đi tuk tuk ở đây rất lụa, thế nên là dù đường khá sóc (vì đang làm lưới điện) nhưng xe vẫn đi băng băng. Đường đi có đi qua mấy cái hồ và cồn cát mọi người có thể bảo tài xế tuk tuk dừng để chụp ảnh.
Bãi Minh Châu nổi tiếng nhất trong 3 bãi, mọi người hay chụp ảnh cưới ở đây nhưng cá nhân mình không thích bãi Minh Châu lắm vì bãi này nước khá đục, hơn nữa tàn tro của lửa trại đốt trôi xuống biển khá bẩn, tuy nhiên ở 1 góc ven biển có 1 cái xích đu chơi cũng vui. Dọc bờ biển các dịch vụ ghế nằm, nước dừa, trông giữ đồ, tắm sau khi bơi ở biển xong, karaoke và ăn uống đều phát triển nên có thể chơi từ chiều đến tối ở đây. Mình khuyên mọi người không nên ăn tối ở mấy hàng ven bãi tắm trông giữ đồ vì hải sản không tươi, làm bẩn mà giá hơi cao. Hãy lùi ra phía ngoài trên đường đi vào bãi để ăn.
Lúc ra ngoài, bọn mình ăn ở một nhà hàng to nhất bên ngoài, mải chọn đồ ăn nên quên mất chụp ảnh quán để review, ở đây không tính theo món mà ăn kiểu combo, mỗi người 1 suất 100.000 đồng, 150.000 đồng, 200.000 đồng,300.000 đồng… tùy chọn. Mình chọn suất 150.000 đồng có 10 món đầy đủ từ những món chính như hàu nướng mỡ hành, tôm hấp, mực chiên bơ, cá sốt,…cho đến tráng miệng hoa quả. Mua thêm mỗi người 1 con ghẹ ngoài suất + đồ uống. Lúc thanh toán chia ra mỗi người mất 250.000 đồng mà ăn uống thoải mái, no nê.
Ăn uống xong, bọn mình về nhà nghỉ cất đồ rồi đi bộ ra bãi biển Quan Lạn gần nhà nghỉ. Ở bãi này buổi tối cũng khá đông vui, đốt lửa trại, dịch vụ karaoke trên bãi cát dọc bờ biển san sát nhau, giá karaoke 150.000 đồng/giờ. Nhưng bọn mình không hát ở đây vì nhà nghỉ bọn mình cũng có nên đi chơi hóng gió biển 1 lúc rồi về nhà nghỉ hát hò đến đêm thì đi ngủ.
Quan Lạn ngày chủ nhật
Sáng dậy sớm đón bình minh chụp ảnh ở bãi Quan Lạn ngay gần nhà nghỉ, các bạn nhớ dậy sớm không thì nắng lên rất nhanh. Ra bãi này buổi sáng mới biết là bãi rất xanh trong, tắm vô cùng sướng, chụp ảnh cũng đẹp, ngoài biển xanh, cát trắng nắng vàng thì có cả bãi đá hoang sơ nữa.
Dạo biển buổi sáng xong thì mọi người có thể đi tuk tuk vào trung tâm xã Quan Lạn ăn sáng, xem bóng đá, thăm thú cuộc sống của người dân địa phương rồi về nhà nghỉ ăn trưa bữa cuối rồi chuẩn bị ra bến tàu về đất liền chuyến cuối lúc 1h chiều. Về đất liền bọn mình đi chợ cái rồng mua hải sản về làm quà rồi bắt taxi (150.000 đồng/xe) về lại ngã ba Cửa Ông để đón xe Đức Phúc về lại Hà Nội. 3h lên xe, 8h30 tối có mặt ở bến xe Mỹ Đình.
Lưu ý khi đi du lịch Quan Lạn
Để có thể đến với Quan Lạn, quan trọng nhất là các bạn phải mua được vé tàu ra đảo. Dù là tàu gỗ hay tàu cao tốc thì trong mùa cao điểm du lịch này cũng không thể chủ quan. Tốt nhất các bạn nên liên hệ đặt chỗ, chuyển tiền mua vé trước với các hãng tàu ngay từ khi chưa đến Quảng Ninh để đảm bảo không bị vỡ kế hoạch. Khi đến nơi các bạn nhớ mua luôn vé lượt về nữa nhé.
Giá phương tiện di chuyển trên đảo
Giá thuê xe đạp đôi: 100.000 đồng/ngày hoặc 10.000 đồng/giờ
Giá tuk tuk: 50.000 đồng/lượt ngắn (từ bến tàu vào trung tâm Quan Lạn), 100.000 đồng/lượt dài (từ Quan Lạn sang Minh Châu). Có thể thuê dịch vụ di chuyển trọn gói bằng tuk tuk từ 500.000 đồng.
Về các bãi tắm ở Quan Lạn: Cá nhân mình thích bãi Quan Lạn nhất trong 3 bãi ở đây vì hoang sơ, nước trong, có bãi đá đẹp và không quá đông đúc như bên Minh Châu.
Nên đi Quan Lạn thời điểm nào?
Biển xanh, nắng vàng thì chắc chắn là hợp nhất cho một kỳ nghỉ hè rực rỡ rồi. Tuy nhiên các bạn cũng nên chú ý xem dự báo thời tiết trước khi đi kẻo gặp mưa bão. Tuần mình đi trời nắng đẹp nhưng chỉ 1 tuần sau, bạn mình lên đúng ngày mưa gió, mọi hoạt động chủ yếu diễn ra trong nhà nghỉ nhưng Quan Lạn trong mưa theo lời bạn mình kể cũng có vẻ đẹp rất lãng mạn.
Nên mang theo những gì đến Quan Lạn
Giống như những chuyến du lịch biển khác, các bạn nhớ mang đồ bơi, quần áo, giày dép thoáng mát đến Quan Lạn. Đừng quên kem chống nắng và kem chống côn trùng cũng như thuốc chống dị ứng nếu các bạn dị ứng với đồ hải sản nhé.
Chúc các bạn sẽ có một kỳ nghỉ tuyệt vời ở thiên đường Quan Lạn.