18:27 22/12/2024

Du lịch làng cổ Đường Lâm 1 ngày

13:50 26/04/2018

Khách du lịch ở quanh Hà Nội thường đến làng cổ Đường Lâm trong ngày vì đường gần, dễ đi lại. Nhưng gần đây để đáp ứng nhu cầu cho những người muốn ở lại cùng chậm rãi thưởng thức không khí làng quê ở nơi đây thì cũng có nhiều gia đình mở dịch vụ homestay.

Đặt ăn trưa và homestay ở Đường Lâm

Du khách ở Hà Nội thường đến thăm quan Đường Lâm trong 1 ngày vì gần, dễ dàng đi lại. Nhưng gần đây để đáp ứng nhu cầu cho những người muốn ở lại cùng chậm rãi thưởng thức không khí làng quê ở nơi đây thì cũng có nhiều gia đình mở dịch vụ homestay.

Nhà bà Hải Lợi: 0168 511 136

Homestay Đường Lâm: đây không phải nhà cổ mà là nhà xây kiểu giả cổ, cũng làm từ đá ong và các loại vật liệu thiên nhiên nhưng phòng đẹp như khách sạn 3-4 sao, giá khoảng 500.000 đồng/phòng, ngay đường vào làng, chưa đến đình Mông Phụ.

Nhà bà Dương Lan: 01664105180.

Những gia đình này cũng phục vụ cơm trưa luôn nên các bạn có thể gọi điện để đặt trước, giá dao động dưới 100.000 đồng/người.

Những gia đình này còn có dịch vụ cho thuê xe đạp để khách dạo chơi xung quanh làng với giá 30.000 - 50.000 đồng/ngày.

Các điểm tham quan có thể kết hợp với Đường Lâm

Thành cổ Sơn Tây

Đến với xứ Đoài, du khách không thể bỏ qua Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Thành cổ Sơn Tây vốn được xem là tòa thành đá ong độc đáo nhất Việt Nam. Hiện nay tòa thành này còn gần như nguyên vẹn hệ thống tường thành nhưng cổng thành được sửa lại làm mất đi nét đẹp cổ kính vốn có của nó.

Thành nằm giữa thị xã Sơn Tây, trên phần đất của hai làng cổ là Thuần Nghệ và Mai Trai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 42 km. Thành có 4 cửa quay ra các hướng bắc (chính xác là hướng bắc đông bắc), nam, tây, đông, và lần lượt có tên là: cửa hậu, cửa tiền, cửa hữu, cửa tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa tiền và cửa hậu có cầu dẫn vào cổng thành.

Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa tiền và hậu, theo hướng đông bắc –  tây nam. Cửa tiền nhìn ra phố Quang Trung. Cửa hậu hướng ra phố Lê Lợi (nơi đặt trụ sở ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây), thẳng tới bờ sông Hồng. Cửa tả nhìn ra chợ Nghệ (phố Phùng Khắc Khoan). Cửa hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo (Đệ Nhị cũ), phố này nối với phố Ngô Quyền (Hữu Lợi cũ), chạy thẳng lên làng cổ Đường Lâm (theo đường quốc lộ 32).

Đền Và (Đông Cung)

Đền Và còn có tên khác là Đông Cung – một trong tứ cung nổi tiếng xứ Đoài, thuộc phường Trung Hưng. Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ khu vực đền toạ lạc trên một quả đồi thấp được bao bọc bởi hàng trăm cây lim cổ thụ trăm năm tuổi cùng hàng chục loài cây lấy gỗ khác.

Quả đồi thấp này có hình con rùa đang bơi ra phía mặt trời mọc. Xung quanh đền là những cánh đồng – nơi được tưới mát bởi dòng sông Hồng và sông Tích huyền thoại.

Đền Và là nơi thờ có quy mô lớn nhất trong gần 200 di tích ở vùng xứ Đoài, thờ đức thánh Tản Viên Sơn – một trong "tứ bất tử" của người Việt (cùng Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh).

Đền được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, mang đậm bản sắc kiến trúc phương Đông. Quần thể Đền Và gồm các công trình: Nghi Môn, lầu Cô Chín, sân Long hoá, Gác Chuông, Gác Trống, Tả – Hữu mạc, Tiền Tế, Thượng Điện, Hậu Cung, nhà kho, nhà kiệu. Các hạng mục công trình được sử dụng các loại vật liệu quý như gỗ lim, gạch đá ong, gạch Bát Tràng, ngói mũi ri cổ. Nhiều linh vật quý được trang trí như: bộ tứ linh (long – ly – quy – phượng), tứ quý (tùng – cúc – trúc – mai), hoa sen, hoa lan; các bức chạm bong, chạm nổi cách điệu thể hiện bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ, lòng thành kính của muôn triệu người Việt với các bậc Thánh nhân tiên tổ.

Trải qua mấy thế kỷ, đền Và đã trải qua 3 lần tu sửa lớn: 1829 (đời Vua Minh Mạng thứ 10) – sửa mang tính chất tu tạo, năm 1902 (đời Vua Thành Thái thứ 14) – sửa chữa mang tính chất đại tạo và năm 1932 (đời Vua Bảo Đại thứ 7) – sửa chữa mang tính chất tu tạo.

Hiện trong đền lưu giữ nhiều di vật quý, gồm 18 đạo sắc phong, 18 bức hoành phi, 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 biển gỗ, 5 bản thần tích, 47 câu đối được viết trên vách, cột, trên gỗ và trong ngọc phả, 6 pho tượng cổ.

Lễ hội ở đền diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17 tháng Giêng âm lịch, Cứ 3 năm 1 lần – năm âm lịch (Tý – Ngọ – Mão – Dậu), chính quyền địa phương và nhân dân hai vùng: Sơn Tây – Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) mở hội chính với sự tham gia của đông đảo nhân dân ở 8 làng, khu phố. 

Đền Măng Sơn

Đền Măng Sơn là đền cổ thờ đức thánh Tản Viên của cả tổng Tường Phiêu xưa. Tương truyền rằng đức Tản Viên từ núi Ba Vì đi thăm thú các nơi. Một hôm, ngài đến đất Sơn Đông, thấy cảnh sắc nên thơ, nhân dân đôn hậu, đời sống lại khá giả, liền ở lại, cho lập một cung điện ở đồi Măng Sơn. Nhân dân quanh vùng học được nghề săn bắt của ngài nên nhiều người săn bắt chim muông rất giỏi. Sau ngày ngài rời quê hương, dân làng nhớ công lao lớn đó, lập đền thờ và tổ chức lễ hội hàng năm ở đền Măng Sơn. Hội đền Măng Sơn diễn ra từ ngày 6 đến 12 tháng Giêng.

Các điểm tham quan khu vực Ba Vì

Ngoài những điểm tham quan kể trên, các bạn có thể kết hợp với các điểm tham quan ở Ba Vì để trở thành một chuyến du lịch dài ngày.

Lịch trình gợi ý du lịch làng cổ Đường Lâm 1 ngày 

7h00: xuất phát từ Hà Nội theo đường 21

8h30: Tham quan đền Và.

9h30: có mặt ở Đường Lâm.

9h30-11h30: tham quan cổng làng Mông Phụ, đình làng Mông Phụ, các nhà cổ, nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh.

11h30: ăn trưa.

13h30: tham quan đền thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền, chùa Mía.

15h30: tham quan Thành cổ Sơn Tây

17h00: đi về Hà Nội theo đường 32.

Nếu các bạn muốn đi thong thả hơn có thể chỉ lựa chọn 1 trong 2 điểm đến là thành cổ Sơn Tây hoặc đền Và.

Lưu ý cần thiết 

Khi vào làng cần mua vé ở quầy vé ngay cổng làng, giá vé 20.000 đồng/người, không nhiều nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm của cá nhân với các di tích.

Tham quan Đường Lâm thích hợp nhất là đi bộ hoặc đi xe đạp vì bạn có thể đi vào từng ngõ ngách của làng mà không phá vỡ sự tĩnh lặng, yên bình của những ngôi nhà cổ nơi đây. 

Ở một số điểm tham quan có người của ban quản lý di tích (đeo thẻ) sẽ giới thiệu về địa điểm đó cho các bạn, việc đưa tiền tips không bắt buộc nhưng những ông lão đó khá nhiệt tình giải thích cho các bạn nên chúng ta cũng nên đáp lại sự nhiệt tình của họ.

Nếu các bạn muốn sử dụng các dịch vụ như đặt ăn trưa, homestay mà chưa liên hệ trước thì nên tìm địa điểm liên hệ trước rồi hãy đi chơi vì thường những gia đình này khi các bạn đặt mới bắt đầu làm cơm.

Khi vào tham quan các nhà cổ, các bạn nhớ chào những người trong gia đình, xin phép một cách lịch sự, họ sẽ rất nhiệt tình đón tiếp các bạn. Nếu muốn mua gì làm quà cho người ở nhà thì các bạn có thể mua ngay ở những gia đình này thay vì ngoài chợ.

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt