18:21 22/12/2024

Du xuân Bái Đính - thanh tịnh tâm hồn

13:48 26/04/2018

Địa danh Bái Đính gắn liền với huyền thoại về một vị thiền sư danh tiếng Nguyễn Minh Không - người khai mở miền đất Phật nơi đây. Đầu xuân ghé thăm chùa Bái Đính, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc vô cùng đồ sộ, nguy nga mà còn tìm thấy được sự thư thái và bình yên trong tâm hồn.

Sau Tết, chắc hẳn ai cũng sẽ lên kế hoạch cho chuyến du xuân đầu tiên của mình. Những điểm đến linh thiêng thường được nhiều người lựa chọn, vừa để xin cầu một năm mới thuận buồm xuôi gió, vừa để làm tâm hồn thanh tịnh, thư thái. Trong đó, một ngôi chùa lớn có thắng cảnh hữu tình gắn liền với đời sống tâm linh, được nhiều người chọn làm nơi hành hương mỗi khi xuân về là chùa Bái Đính, Ninh Bình.

Du xuân Bái Đính - thanh tịnh tâm hồn - 1
Quần thể kiến trúc Bái Đính đẹp như trong tranh. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Bái Đính cổ tự (chùa Bái Đính cổ)

Chùa Bái Đính cổ toạ lạc trên một ngọn núi cao 187m, nơi có nhiều giai thoại và huyền thoại về Đức Thánh Nguyễn Minh Không. Chùa được Đức Thánh Nguyễn lập nên vào triều Lý khi ngài về đây tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho vua.

Du xuân Bái Đính - thanh tịnh tâm hồn - 2
Ảnh: Cao Anh Tuấn

Người đời truyền lại ý nghĩa về tên gọi của chùa: "Bái" có nghĩa là lễ bái, cúng bái trời đất, Tiên Phật. "Đính" có nghĩa là đỉnh, là ở trên cao. "Bái Đính" có nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ở trên cao. Điều này thuận theo địa thế của Bái Đính cổ tự, vì chùa nằm trên một đỉnh núi cao. Gần 1.000 năm đã trôi qua, ngôi chùa vẫn còn đó như một minh chứng cho sức sống bền bỉ của đạo phật trong đời sống tâm linh của người Việt. Các hạng mục chính của chùa gồm: động thờ Phật, động thờ Mẫu, điện thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và điện thờ Đức Thánh Cao Sơn.

Du xuân Bái Đính - thanh tịnh tâm hồn - 3
Chùa Bái Đính cổ toạ lạc trên một ngọn núi cao 187m, nơi có nhiều giai thoại và huyền thoại về Đức Thánh Nguyễn Minh Không. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Chùa Bái Đính cổ được xây dựng theo phong cách xưa, không có nhiều cột kèo hoành tráng. Không chỉ là nơi để người đời tỏ lòng mộ đạo, chùa Bái Đính còn là một thắng cảnh đẹp. Vua Lê Thánh Tông đã tự tay đề tặng bốn chữ "Minh Đỉnh danh lam" để ca ngợi vẻ đẹp chốn này.

Bái Đính tân tự (chùa Bái Đính mới)

Chùa mới được khởi công xây dựng từ năm 2004, bố trí theo mô hình trục thần đạo xuyên suốt từ đỉnh tòa Tam thế đến Tam quan và nhìn thẳng về đỉnh núi Mã Yên - nơi vua Đinh yên nghỉ. Dù là công trình được xây dựng vào đầu thế kỷ XXI nhưng kiến trúc Bái Đính mới vẫn tuân thủ theo những giá trị kiến trúc cổ truyền của đình chùa Việt Nam như mái đao, lợp ngói ống, cột tròn…

Du xuân Bái Đính - thanh tịnh tâm hồn - 4
Bức tượng dát vàng nổi tiếng trong Bái Đính tân tự. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Bái Đính tân tự mang dáng vẻ hoành tráng và bề thế của một công trình kiến trúc Phật giáo mới vào loại lớn nhất Việt Nam. Chùa hiện đang sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam và kỷ lục châu Á: Chùa có bộ tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, ngôi chùa có giếng nước lớn nhất Việt Nam, chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam, Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam, chùa có hành lang La hán lớn nhất Việt Nam, chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam…

Du xuân Bái Đính - thanh tịnh tâm hồn - 5
Pho tượng lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Công trình chùa Bái Đính gồm có 20 hạng mục, trong đó có 6 hạng mục chính là: điện thờ Tam thế Phật, điện thờ Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật, điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát, gác chuông, tam quan, hành lang La hán…

Du xuân Bái Đính - thanh tịnh tâm hồn - 6
Dọc hành lang lối đi, có hơn 500 bức tượng phật bằng đá với nhiều diện mạo, tư thế khác nhau. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Từ tam quan chùa Bái Đính đi vào là hai dãy hành lang La Hán, một dãy có chiều dài khoảng 1.700m (tính cả hai dãy là 3.400 m ôm toàn bộ khu chùa) gồm 250 gian. Mỗi gian có kích thước 4,5m x 4,5m. Hai dãy hành lang La Hán này khởi công từ năm 2005 xây dựng bằng 10.000m3 gỗ, được chạm trổ, lắp ghép bởi 100 nghệ nhân và 700 người thợ.

Du xuân Bái Đính - thanh tịnh tâm hồn - 7
Ảnh: Cao Anh Tuấn

Bên trong hai dãy hành lang đặt 500 pho tượng La Hán, mỗi tượng cao từ 2m - 2,5m, nặng khoảng 2 - 2,5 tấn, có hình dáng, thần thái, tâm trạng khác nhau nhưng đều thể hiện chí khí bất diệt, cao cả của nhà truyền đạo. Những pho tượng này được tạc bằng đá nguyên khối lấy tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Du xuân Bái Đính - thanh tịnh tâm hồn - 8
Ảnh: Cao Anh Tuấn

Những ngày đầu xuân, hãy tạm gác lại những lo toan thường nhật trong cuộc sống gấp gáp để tìm khoảng lặng cho tâm hồn trên miền đất phật linh thiêng này!

Hiểu Minh
 

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt