Sinh ra và lớn lên ở Pháp, Clement Nguyen Van Rot, 25 tuổi vẫn tự hào vì mình được mang dòng máu Việt Nam. Chia sẻ về cái tên độc đáo, anh cho biết ông nội vốn là người Việt Nam và được đẻ rơi trên đường nên mang tên là Nguyễn Văn Rớt. Sau này ông Nguyễn Văn Rớt sang Pháp, những người con và cháu được sinh ra tại nước này đều được đặt tên Pháp song vẫn giữ tên gia đình là Nguyen Văn Rot.
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành toán - tài chính, Clement đã không lựa chọn công việc theo ngành học mà anh ấp ủ chuyến đi vòng quanh thế giới để trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau, trong đó một điểm đến không thể bỏ qua là thăm Việt Nam. Anh đến Thụy Sỹ nấu ăn trong 5 tháng vì cho rằng nấu ăn sẽ giúp mình giao tiếp mới mọi người trên thế giới và đây cũng là nghề phổ thông giúp anh kiếm tiền ở mọi nơi.
Chặng thử thách đầu tiên khi Clement tự mình đến Ukraina vào năm 2011, song không may khi đến Crimea, chàng trai Pháp đã bị mất trộm mọi thứ từ hộ chiếu đến tiền bạc nên đành quay trở về Pháp. Suy nghĩ rằng hành trình chỉ một mình sẽ khá khó khăn nên Clement đã rủ thêm một người bạn cùng đi.
Clement với chú ngựa đồng hành. Ảnh: NVCC |
Bắt đầu tháng 10/2012, Clement Nguyen Van Roi cùng người bạn thân là Raphael Hersant Carbonier đáp máy bay từ Pháp sang Thổ Nhĩ Kỳ. Với mong muốn đến mỗi nước sẽ sử dụng một loại phương tiện khác nhau, hai người đã trải nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 tháng rưỡi chủ yếu bằng cách đi nhờ xe con, xe tải. Sau đó họ thăm Iran trong 3 tháng với phương tiện chính là xe buýt. Từ Iran, họ đi đến Afghanistan, đất nước đang có chiến tranh.
"Người dân những nơi chúng tôi qua đều bảo không nên đi về phía đông vì đó là những nơi xung đột và nguy hiểm, song chúng tôi không ngại, vẫn chọn phía đông để đi tiếp", Clement nói.
Thời điểm đó tại Afghanistan thường xuyên xảy ra các vụ đánh bom có liên quan đến người Pháp, nên khi hai chàng trai đến biên giới đã bị quân đội Afganistan giữ lại và áp tải bằng 2 xe quân sự về căn cứ. Trong hơn 1 tháng ở Afghanistan, Clement và bạn bị lực lượng quân đội giữ lại trong những căn cứ quân sự và đưa đến nhiều nơi bằng máy bay quân sự.
"Chúng tôi sống như những người lính trong doanh trại, nơi là nhiều thứ được mua bằng đạn chứ không phải bằng tiền", Clement chia sẻ.
Sau khi rời khỏi Afghanistan, hai người đi đến Khorog (Tajikistan), họ mua một con lừa để chở đồ với dự định khám phá ngọn núi công viên quốc gia Badakhashan, nơi được coi là một nóc nhà thế giới với dãy núi Pamir.
Clement kể, hai người đã đi bộ 10 km đường núi phủ đầy tuyết ở độ cao 4.855 m trong khi không đủ thức ăn. Khi trời tối, họ phải bỏ con lừa lại trên núi và tìm đường xuống núi, may mắn là tìm được một khu nghỉ dưỡng bỏ hoang vào mùa đông và có một ít bột để làm bánh, dùng phân khô nhóm lửa. Sáng hôm sau, hai người bạn lại quay lên núi tìm con lừa.
"Không ai ở thị trấn nghĩ là chúng tôi vượt qua ngọn núi dày tuyết với nhiệt độ -25 độ. Khi chúng tôi xuống núi, nhiều người dân đổ đến thăm hỏi", Clement nói. Bởi con lừa khá gầy nên thể đi một chặng đường dài phía trước hai bạn trẻ đã quyết định bán nó để tiếp tục lên đường.
Sau khi đi nhờ xe tải đến thành phố Ost (thuộc đất nước Kyrgyzstan), hai người quyết định mua 3 con ngựa với giá 3.000 Euro, một con dùng để chở đồ. Tuy nhiên, 5 ngày sau, người bạn của Clement đã không may bị gãy xương vai vì ngã ngựa và phải quay trở về Pháp, để lại Clement một mình ở Kyrgyzstan.
Thời điểm đó, Clement muốn đi sang Trung Quốc nhưng không thể xin được visa nên anh đành một mình ở lại thủ đô Bishkek (Kyrgyzstan), kiếm sống bằng việc dạy tiếng Pháp. Gần một năm sống ở Kygyzstan, Clement phải trải qua nhiều khó khăn, có lúc anh suýt phải ra tòa vì mua phải visa giả. Khi đến thăm Kazakhstan, anh phải ngồi tù 6 ngày cùng với 24 người nhập cư vì bị nghi nhập cư bất hợp pháp bởi visa bị quá hạn.
Sau khi có visa vào Trung Quốc, Clement đã mua một chiếc xe đạp ở Ili (Tân Cương) và đạp xe lên phía Bắc Trung Quốc và đến Mông Cổ. Chàng trai Pháp cho hay, phần lớn thời gian ở Mông Cổ, anh đi mạn phía tây nơi rất ít dân cư sinh sống vì địa hình toàn núi đá và sa mạc. Sau khi rời Mông Cổ, Clement tiếp tục trở lại Trung Quốc, đạp xe dọc từ phía Bắc xuống khu vực Tây nam như Tứ Xuyên, Vân Nam và đến Việt Nam.
"Đến Việt Nam, tôi có cảm giác như được về nhà vì mọi người rất thân thiện, bạn có thể vào nhà ở, ăn uống, hút thuốc, uống bia thoải mái", Clement cười nói.
Clement kể, trên chặng đường đạp xe từ Lào Cai đến Phú Thọ, anh còn được một số chủ quán mời ăn và mời ngủ lại, dạy anh cách nấu món ăn Việt Nam, thậm chí có người tình nguyện sửa xe đạp.
Dự định sẽ ở lại Việt Nam trong một năm nếu tìm được việc làm, Clement muốn mua một con trâu để làm bạn đồng hành và có thể giúp đỡ người nông dân cày ruộng ở Việt Nam. Chặng đường tiếp theo, anh ấp ủ sang Australia để mua tàu đi Auckland, New Zealand, sau đó sẽ vượt Thái Bình Dương đến Nhật Bản, đến eo biển Bering, Alaska (Canada)...
"Nếu bạn muốn chỉ muốn đến một nơi nào đó, tốt nhất là bạn hãy tra Google để biết thông tin về nơi đó, còn nếu muốn học hỏi và thay đổi quan điểm sống thì hãy đến sống với người dân ở đó", Clement nói. "Thế giới như là một quyển thực đơn, tôi đang khám phá quyển thực đơn đó và đã học được nhiều điều bổ ích", anh tâm sự.
Anh cũng cho rằng, mọi người có thể lo lắng chi phí du lịch khá cao song thực tế là rất thấp so với chi tiêu hàng ngày, bởi vì trên đường đi bạn có thể tắm sông, ngủ lều, thậm chí xin được đồ ăn, ở nhờ từ những thành viên Couch Surfing. Gần 2 năm đi du lịch qua nhiều quốc gia, Clement mới chi tiêu khoảng 3.000 Euro, chưa đến một nửa so với số tiền dự phòng.
Theo VnExpress