Syabrubesi, Kathamandu, Bangkok, TPHCM, 01/05/2014
Về đích
Cả đoàn lành lặn, an toàn, mệt, đau người, thiếu ngủ, nhưng vui mừng, hưng phấn, ôm hôn nhau thắm thiết khi về đích.
Chúng tôi gọi chục chai bia bày một chiếc bàn ngay trước cửa khách sạn ở Syabrubesi ngồi uống ừng ực, cười ha hả, ôn lại những kỷ niệm trên đường sau 5 ngày trong rừng núi.
Uống bia trước cửa khách sạn
Buổi tối, chúng tôi có một bữa gà luộc dùng tay xé, ăn uống nhồm nhoàm thật xả láng, bõ công kham khổ gần 1 tuần lễ trong rừng núi Langtang, Hymalaya.
Như "thổ dân" ăn thịt 2 con gà 4 kg
Nhớ lại những ngày trekking mạo hiểm cùng nhau, tôi thấy các thành viên trong đoàn thám hiểm thật là thú vị.
Chị Hoa: Trekking Guru
Chị Hoa không đóng vai trò trưởng đoàn, nhưng là “người phụ nữ thép” rất kinh nghiệm trong hành trình thám hiểm. Đã ngoài 50 tuổi, chị dẻo dai một cách đáng kinh ngạc. Là một “thiền sư” chuyên nghiệp ở nhà, chị kết hợp nhiều môn “công năng đặc dị” vào trekking: từ thiền đến bơi, lặn.
Chị Hoa trẻ trung bên bờ suối
Trước khi lên độ cao, chị dặn chúng tôi dưới 3.000m thì chưa vấn đề gì. Trên mức đó, cơ thể con người sẽ bị tác động bởi độ cao, có thể đau đầu, khó thở, gây mất ngủ. Tất cả những gì xảy ra với chúng tôi diễn ra đúng như vậy.
Đầu tiên, một số người, trong đó, có tôi, thấy đau đầu. Rồi hơi thở không được trọn vẹn, khi hít một nửa lồng ngực là thấy hết hơi, cảm giác yếu ớt, không thở được nữa. Sau đó, đêm ngủ chập chờn, không sâu giấc, dù ban ngày vận động nặng nhọc. Thật là hay.
Chính bởi những kinh nghiệm đó, mặc dù mệt, cả đoàn rất yên tâm vì lý giải được những hiện tượng khác thường của cơ thể. Chúng tôi có thêm niềm tin để đến đích.
Khi leo ngọn Kyanjin Ri, chị Hoa liên tục nhắc mọi người cần leo từ từ, tránh leo nhanh quá vì độ cao tăng nhanh có thể ảnh hưởng mạnh đến thể trạng. Hậu quả có thể là leo lên xong, phải leo xuống ngay. Cho nên với người leo từ từ và quá mệt như tôi, cách đấy hóa ra rất phù hợp. Tôi (và chắc hẳn cả những người khác) đã không có hiện tượng sốc độ cao xuất hiện khi lên đỉnh 4.773m.
Đốt lửa
Trong quá trình leo núi, chị Hoa còn liên tục rút kinh nghiệm cho... hành trình lần sau. Ví dụ: lần tới, đoàn sẽ chuẩn bị cẩn thận hơn, thuê thêm tối thiểu 2 khuân vác “cửu vạn” 10kg gà, 10kg thịt lợn, 10kg gạo và nhiều rau củ quả để phục vụ bữa ăn Việt Nam hợp khẩu vị cho đoàn. Ngoài ra, nếu cần thiết, sẽ thuê thêm khuân vác bê cả nhà tắm, giường, bàn ghế, v.v. đi theo để phục vụ trekkers. Quả là tiện nghi, nếu có hành trình kế tiếp :)
Chưa kết thúc hành trình trekking Langtang, chị Hoa đã hô hào cả đoàn nên lập kế hoạch đi lặn biển Sipadan ở Malaysia để ngắm kỳ quan của biển cả.
Một bức tranh tươi đẹp lại được vẽ nên và đang chờ đoàn thám hiểm chinh phục.
Chị Lan: Vận động viên chuyên nghiệp
Chị Lan có lẽ là một trong những người ít nói nhất trong đoàn. Nhưng một lời chị nói ra đã trở thành “mantra” (câu thần chú) cho những người mới nhập môn trekking như tôi, “Tập trung vào bước chân phía trước”.
Mantra đó quả là linh nghiệm khi giúp xua bỏ mọi tà ý lởn vởn trong đầu của trekker để chỉ cảm giác trọn vẹn về cái thực tại, về những nỗi đau đớn đang xảy ra trong cơ thể mình, để đến cuối hành trình trekker có thể tận hưởng cảm giác về đích ngọt ngào như thế nào.
Vẫn tỉnh táo sau 1 ngày trekking
Chị Lan đi nhanh, đều, chắc, khỏe, không cần gậy. Nói chung, đi trekking với chị, hoàn toàn yên tâm về bạn đồng hành vì thể lực và ý chí của chị ổn định. Có lẽ vừa đi, vừa thiền, chị đã luôn giữ trạng thái cân bằng tốt như thế nào.
Cá nhân tôi cũng rất quan tâm đến môn thiền. Có lẽ sau lần thám hiểm này, tôi sẽ tìm cơ hội ngồi “học đạo” từ chị Lan để có thể nhập môn mới này :)
Một chuyện “ly kỳ” khác của chị Lan là nếu 4 ngày đầu tiên leo núi, chị lúc nào cũng là bạn đồng hành với chị Hoa thì ngày cuối cùng, trong một lúc thăng hoa, chị vượt lên trước. “Số phận” của chị đã xuất hiện khi núi rừng Hymalaya gửi đến cho chị một chàng thanh niên tuấn tú 17 tuổi, tên gọi Ashish. Ashish đến như cơn gió rừng, mạnh như con mãnh thú và dịu dàng như một thiên thần khi tận tình chăm sóc chị Lan từng bước đi trong rừng, kéo cài từng cái khóa trên trang phục của chị và hẹn hò chị gặp lại ở đại ngàn Langtang một lúc nào đó. Khi Ashish biến mất vào hư vô thì chị Lan... cũng ra khỏi rừng.
"Chàng Thơ"
Nghe đâu, chị Lan đã có số điện thoại của Ashish để liên lạc về sau :)
Tâm: Quách Tỉnh của Langtang
Cả đoàn thống nhất Tâm thực sự là chàng Quách Tỉnh như trong chuyện Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung.
Bản năng thông minh và có một nền tảng sức khỏe tốt, “Quách Tỉnh” Tâm cũng ít nói trong hành trình. “Phong độ” trekking trồi sụt cho thấy “Quách Tỉnh” nhiều khi chưa tự tin vào “võ công” của mình.
"Quách Tỉnh"
Có những khi em ngồi ngựa để leo núi vì sợ “mệt”, nhưng ngay sau đó, lại bám đít ngựa, đi phăm phăm cả chục km với tốc độ của ngựa mà đến nơi không hề thở dốc. Leo đỉnh Kyanjin Ri, em xuất phát cùng nhóm 2, sau nhóm 1 15 phút, nhưng cuối cùng thì em đã đuổi kịp nhóm 1 và cùng anh Tiến, là 2 người đầu tiên của cả đoàn trekking lên đến đỉnh Kyanjin Ri.
Vấn đề của Tâm là em mãi chưa tìm được cho mình một “Hoàng Dung”. Cho nên trong hành trình, đôi lúc, chúng tôi thấy em ngồi tương tư một mình bên bờ suối. Quả là thanh niên chưa vợ, nhiều cảm xúc lãng mạn.
Tương Tư
7 thành viên còn lại trong đoàn trekking đã trở thành “Giang Nam Thất Quái”, sư phụ của Quách Tỉnh, xúm vào tư vấn đủ mọi chiêu trò để em chinh phục được “Hoàng Dung” của mình với lời nhắn gửi, “Đừng làm xấu mặt bọn sư phụ này nhá!”
Lại nghe đâu, từ khi về tới Việt Nam, chàng “Quách Tỉnh” đã “xuất chiêu” “điểm huyệt” Hoàng Dung mấy cái ngã quay đơ rồi thì phải :)
Anh Tiến - Kỷ luật của người Đức
Anh Tiến đúng là một engineer (kỹ sư) có kinh nghiệm lâu năm làm việc ở nước Đức. Anh rất logic, giải thích mọi vấn đề theo quan điểm khoa học tự nhiên. Mọi sự vật, hiện tượng đều có căn nguyên của nó và mỗi căn nguyên đều có một câu chuyện đi kèm.
"Vô" mệt
Trong quá trình trekking, cứ gặp vấn đề nhỏ to gì đấy mà không rõ, cả đoàn hỏi anh là được giải đáp hết. Quả là uyên thâm.
Anh sinh hoạt cũng rất nề nếp, ngăn nắp. Tôi ở chung phòng với anh. Phòng hơi bừa bộn là anh lịch sự xin lỗi vì mệt quá nên sẽ dọn dẹp sau làm tôi về sau cũng phải bắt chước anh xin lỗi ngược lại liên tục. Ngủ dậy, bao giờ anh cũng gấp chăn cẩn thận, trong khi tôi mặc kệ để chăn cục thù lù một đống trên giường.
Sáng sớm, 2 anh em cùng ngủ dậy sớm, anh tiến hành các thủ tục cá nhân rất nhanh chóng để sẵn sàng lên đường. Trong quá trình trekking, anh “khinh thân” nhanh thoăn thoắt và có cảm giác không bao giờ biết mệt.
Anh cũng rất quan tâm chăm sóc cho đoàn trekking, ví như khi về đến Syabrubesi, anh đã vội đặt ngay 2 con gà 4 kg luộc sẵn đợi cả đoàn về đánh chén. Thật là chu đáo.
Làm bạn đồng hành với người như anh, tôi học được tính kỷ luật và tối ưu các thao tác hàng ngày. Duy chỉ có môn trekking thì chưa theo được vì đuối hơn hẳn anh các đoạn leo dốc, vượt suối. Thôi thì từ từ vậy.
Nói tóm lại, anh Tiến giống như một cao tăng sống kỷ luật và logic một cách thú vị.
Tường + Vân: Uyên-ương-to-be
Đây là đôi “uyên ương” duy nhất của cả đoàn trekking. Hai bạn quấn quít nhau một cách tự nhiên và đầy tình yêu đương.
Nhìn 2 bạn chăm sóc nhau trong suốt chuyến đi khiến tôi lắm khi “ghen tỵ” tự hỏi vì sao mình lại không rủ vợ đi cùng.
Quả là cuộc sống chốn thị thành nhàm chán, thiếu thách thức nên trai gái phải rủ nhau leo núi để thử thách tình cảm của nhau. Chỉ có điều “nàng” tỉnh bơ leo núi, lúc nào mệt thì lại luyện yoga. Còn “chàng” bị đau lưng nên nhiều khi leo núi tái hết cả mặt, lên đỉnh Kyanjin, phải vịn tay vào một đồng chí khuân vác nên trông hơi giống “lão”.
Nhưng không sao, cái chính là tinh thần yêu đương càng lúc càng cháy cao vòi vợi.
Tôi cũng phải cảm ơn Tường đã rủ tôi đi cùng chuyến đi này. Ban đầu, tôi không hiểu lắm leo núi có gì hay ho, nhưng phải đi rồi, mới cảm nhận hết được cái khí tiết “phiêu lưu” nó cao độ và bay bổng đến mức nào. Thank you, my Bro!
Tường cũng xứng đáng làm trưởng đoàn khi sắp xếp chu đáo các khâu hậu cần cho cả đoàn từ Việt Nam sang Bangkok đến Kathmandu rồi đi tiếp đến Langtang và ngược lại. Phải có kinh nghiệm thám hiểm thế nào, mới sắp xếp chu đáo đến thế. Tôi thấy Tường có thể thành lập công ty du lịch lữ hành để đón khách đi trekking một cách chuyên nghiệp.
Vân lại là một cô gái đảm đang rất ấn tượng. Tôi thường nghĩ gái chưa chồng, lại đi xa làm việc thì mấy môn nữ công gia chánh chắc tệ lắm. Nhưng Vân thì ngược lại. Bữa cơm tối ở khách sạn RiverSide do em đạo diễn và trực tiếp diễn xuất thực sự xuất sắc. Trong bối cảnh cả đoàn những ngày trước đó chỉ ăn cơm chiên trứng và cơm trứng chiên, em đã lăn vào bếp, chỉ đạo dân bản xứ chuẩn bị cái này, cái kia rồi ra tay làm các món ăn Việt Nam trên một số lượng rất hạn chế nguyên liệu. Phải nói đó là bữa ăn Việt Nam ấn tượng nhất của cả đoàn ở núi rừng Hymalaya, Nepal. Thật khó quên!
Tường như vậy đã có một bàn tay phụ nữ quan tâm, chăm sóc tận tình. Còn đòi hỏi gì nữa.
Đôi này không thành thì quá phí. Good luck to you!
Thủy: Nghệ sỹ nhân dân
Cô gái này trông trẻ trung hơn tuổi phải cỡ 5 - 7 tuổi. Nhìn Thủy, ít ai nghĩ em đã có 2 con. Nói tóm lại là hừng hực sức xuân.
Thủy có nền tảng thể lực cực kỳ tốt. Trước chuyến đi em đã tham gia Triathlon ở Lăng Cô, Huế (3 môn phối hợp: bơi, đạp xe, chạy bộ). Em chạy 10km dưới 1 tiếng. Thành tích đó làm cả anh Tiến và tôi “giữ trật tự” và đi ngủ vì 2 anh em không bằng.
Trong quá trình trekking, em thích đi chậm thì đi chậm, thích đi nhanh thì đi nhanh, thích làm nũng với cậu hướng dẫn viên PR thì làm nũng. Nói tóm lại, cũng là một “người không phổi” của đoàn trekking.
Điểm ấn tượng về Thủy đó là em “diễn xuất” rất tài tình. Ngay từ đầu, mọi người giao nhiệm vụ em phải tán đổ cậu PR. Em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này từ đầu đến cuối. Mắt em lúc cần long lanh, chớp chớp là long lanh, chớp chớp. Thân em lúc cần được PR bế bổng là được bế bổng. Nói tóm lại, em xả thân vì vai diễn một cách nhập tâm đến mức mà chị Hoa hẹn về Việt Nam sẽ bố trí cho em một vai chính trong bộ phim gần nhất của Galaxy Studio.
Lại diễn xuất
Thủy còn hứa sẽ dạy anh Tiến môn bơi và lặn. Em cam kết sẽ mặc bikini 2 mảnh (hoặc bỏ bớt 1 mảnh ở đâu đó) để cơ thể nhẹ hơn sẽ dạy học viên hiệu quả hơn. Cuộc phiêu lưu lặn biển tìm cá và san hô ở Sipadan, Malaysia trong tương lai, vì vậy, ẩn chứa những điều kỳ thú đầy ngẫu hứng.
Kết thúc - Cảm xúc không bao giờ dứt
Trong chuyến đi, tôi đóng vai trò hoạt náo mỗi khi đoàn dừng chân. Đại ý là tìm xem có ai, chi tiết nào vui vẻ thì phịa chuyện vô thưởng, vô phạt để mọi người cười vui, quên đi mệt mỏi sau một ngày trekking vất cả.
Nói chung, mọi người đều hiểu, hưởng ứng và cười xòa. Chúng tôi đã có những buổi tối trêu đùa Thủy, PR, Tường, Vân rất hài hước, những kỷ niệm hát hò ầm ỹ bên bờ suối RiverSide.
Chia tay PR ở Kathmandu
Kết thúc chuyến trekking luôn là thời khắc ngọt ngào. Xem e-mail, vào facebook, tắm nước nóng, cạo râu, ăn miếng thịt bò bít tết đầu tiên ở nhà hàng Ý ở Kathmandu luôn là những cảm giác tuyệt vời sau chuyến trekking.
Đặt chân về đến TPHCM, ngay sau khi xuống sân bay, cả đoàn đã rẽ vào quán phở gần sân bay làm mỗi người một tô lớn 100.000 VND cho bõ thèm.
Ăn phở ở Sài Gòn khi vừa xuống máy bay
Chúng tôi đã gặp lại nhau sau gần 1 tuần kể từ khi kết thúc chuyến đi. Mọi người quây quần ôn lại những kỷ niệm trên đường trekking mà không dứt những tiếng cười ha hả. Thật khó quên!
Tụ tập 1 tuần sau hành trình trekking
Giờ đây, ngồi trong căn phòng với 4 bức tường xung quanh, tôi bắt đầu cảm thấy nhớ bầu không khí bao la của núi rừng Hymalaya trong suốt như pha lê, những con đường hẻm núi chật cứng bò rừng và ngựa.
Đã đến lúc lập kế hoạch cho hành trình kế tiếp.
Đức Beer
(The End)