Langtang Valley, 28/04/2014
Chiều tối hôm qua, có một sự kiện xảy ra: đoàn khuân vác bị “mất tích” trong cơn mưa rừng.
Tôi đến LaMa Hotel cùng anh Tiến sau chị Lan, em Thủy. Một lát sau thì Nabaraj, trưởng nhóm khuân vác, mang balô của tôi đến nơi.
Trời bắt đầu tối. Nhóm chị Hoa, Tường, Vân, Tâm và anh chàng hướng dẫn viên du lịch người Nepal đẹp trai, tên gọi PR, cũng tập kết tại khách sạn. Nhưng đội 3 người khuân vác còn lại không thấy đâu. Hành lý của phần lớn mọi người lại do các bạn này mang theo nên không có đồ đề sinh hoạt. Cho nên ai nấy để nguyên quần áo trong ngày ngồi co ro bên bếp lửa.
Trời lại bắt đầu đổ mưa. Cậu PR trông bồn chồn lo lắng.
Khách sạn LaMa không có điện lưới từ nhà máy thủy điện mà chỉ có điện năng lượng mặt trời thu bằng các phiến hút ánh sáng trong ngày. Dự trữ điện cũng tùy tình hình mỗi nơi. Ở khách sạn LaMa, điện đủ để thắp sáng cho phòng ăn chính và một số phòng nghỉ của du khách. Ngoài ra, trong nhà bếp, có chỗ để ổ cắm điện giúp du khách có thể sạc pin điện thoại và các thiết bị điện tử mang theo. Đến buổi sáng, điện đóm sẽ ngỏm sạch, chắc để dành cho buổi tối. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các khách sạn trong khu Langtang, Hymalaya.
Quay lại chuyện PR lo lắng vì không thấy nhóm khuân vác đâu. Hắn bấm máy điện thoại gọi cho nhóm khuân vác, nhưng máy mất liên lạc. Không rõ do hết pin hay do rừng núi gây mất sóng thiết bị.
Thú thực, lúc đó, chúng tôi không lo ngại về sự an toàn của đội khuân vác vì nghĩ họ là những người chuyên nghiệp, mà lo ngại đồ đạc của đoàn có thể bị chôm mất. Nhưng về sau, hóa ra không phải vậy.
Phải mất chừng hơn 1 giờ đồng hồ sau, toán khuân vác ướt lướt thướt xuất hiện với đầy đủ hành lý. Trông họ thấm mệt, nhưng vui vẻ. Các thành viên trong đoàn trekking nhận đầy đủ hành trang. Sau bữa tối, PR mới trịnh trọng xin lỗi đoàn trekking về việc đoàn khuân vác về trễ làm mọi người phải chờ đợi và xin hứa từ ngày mai trở đi, đoàn khuân vác sẽ luôn về đích trước để thu xếp nơi ăn, chốn ở cho đoàn. Quả là bùi tai!
Hỏi kỹ ra, chúng tôi mới biết phần lớn nhóm khuân vác là sinh viên mới tốt nghiệp lần đầu tiên đi làm khuân vác ở tuyến Langtang này. Thảo nào trông họ “mềm mại” và dễ thương đến vậy.
Nói chuyện thêm với họ, chúng tôi hiểu biết thêm xã hội Nepal là một xã hội phân hóa về cấp bậc. Những người khác nhau có cấp bậc khác nhau. Người ở cấp bậc thấp thì cả đời chỉ làm khuân vác. Người ở cấp độ cao hơn thì làm hướng dẫn viên du lịch. Cao hơn nữa thì làm tướng tá trong quân đội được kẻ hầu, người hạ, trọng vọng vô cùng. Trưởng nhóm khuân vác Nabaraj nhìn PR đầy ngưỡng mộ và thành kính khi nói PR ở cấp bậc cao hơn mình.
Nhóm khuân vác |
Sau vụ đó, cả đoàn có cảm giác trekking ở Langtang rất an toàn, không có trộm cắp gì nữa. Người dân thân thiện, dễ thương, mến khách. Tôi đã từng có 2 buổi trưa lăn quay ra ngủ trong 2 quán ăn khác nhau với đồ đạc vứt khá lung tung mà khi tỉnh dậy... không thấy bị mất món gì :)
Buổi sáng, ngủ dậy, phần lớn mọi người trong đoàn đều có màn thể dục khởi động cho một ngày trekking vất vả. Chị Hoa, chị Lan tập thiền. Anh Tiến luyện võ. Tường, Vân, Thủy tập yoga. Tôi co giãn chân tay. Chỉ có Tâm là bần thần ra bờ suối ngồi suy tư mà mãi đến cuối hành trình, chúng tôi mới biết lý do vì sao.
Luyện công |
Yoga |
Sáng nay, tỉnh dậy, chúng tôi được giao “chỉ tiêu”: đích đến hôm nay của đoàn là Langtang Valley (thung lũng Langtang).
Nhấp nháp trà đen Tây Tạng buổi sáng |
Nghe cậu PR kể chuyện, Langtang có nghĩa là “đi theo một con bò” trong tiếng Nepal. Ngôi làng này có khoảng 20 căn nhà nằm ở độ cao 3.500m. Chuyện của PR thực ra vốn chẳng có gì hấp dẫn, nếu mọi người trong đoàn không tình cờ quan sát thấy anh chàng này cứ bám sát em Thủy chăm sóc tận tình. Thôi thì không có bò thì bám theo gái đẹp cũng được. Em Thủy cũng phản ứng tích cực trước tấm thịnh tình của nước bạn.
"Cặp tình nhân xuyên Á" |
Sau ngày đầu tiên trekking, người ngợm tôi khá đau và mệt. Sáng dậy thấy trong người khá uể oải, nhưng tinh thần thì hăng hái nên 8 AM giờ Nepal tôi cùng cả đoàn lên đường.
Mới 1 km đầu tiên, tôi đã thấy thở dốc. Bao nhiêu phương pháp, bài tập trekking hôm qua của chị Lan, anh Tiến bay đi đâu hết cả. Đường đi bắt đầu dốc lại càng khó đi hơn.
Mô tả một chút về đường đi, độ rộng của đường chỉ khoảng 1m, toàn sỏi đá lổn nhổn, chưa kể có nhiều tảng đá to chắn đường. Một bên là vực sâu. Một bên là vách núi.
Tôi thấy trekking kiểu đường này rất gây mệt. Vừa phải co chân leo lên cao, vừa phải né đá lổn nhổn. Thật là phức tạp.
Rừng núi trùng điệp |
Toàn sỏi đá |
Vẫn tươi cười |
Buổi sáng, đoàn lại chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu gồm có tôi, anh Tiến, chị Lan và em Thủy. Nhóm sau có chị Hoa, Tường, Vân và Tâm.
Cả đoàn đi đến khách sạn RiverSide thì dừng nghỉ tại một bờ sông (suối) vô cùng đẹp mắt và thơ mộng.
RiverSide! Cảnh quá đẹp! |
Bên bờ suối |
Đến đây, chị Hoa áng chừng thấy đường trekking gian nan nên quyết định thuê ngựa đi tiếp. Thế là có 4 con ngựa được sử dụng cho chị Hoa, chị Lan, Vân và Tâm. Chỉ còn tôi, anh Tiến, Tường và Thủy tiếp tục trekking.
Nói chung, mọi người sau đó tự kỷ cắm cúi bước đi. Có chú PR chu đáo đi đoạn hậu cùng với em Thủy không để ai rớt lại.
"Kỵ binh" |
Kèm cặp |
Chúng tôi đi khoảng 1 giờ đồng hồ thì tới làng Ghodatabela dừng nghỉ chân ăn trưa. Thung lũng ở đây tuyệt vời. Xa xa trên độ cao 7.000m là núi tuyết phủ trắng xóa. Lưng chừng núi có suối nước chảy róc rách thật lãng mạn. Bốn bề núi non trùng điệp trong ánh nắng chói chang nhưng nhiệt độ chỉ khoảng 15oC, tạo ra một không khí lý tưởng để ngồi sưởi ấm.
Dừng chân nghỉ trưa ở Ghodatabela |
Đoàn cưỡi ngựa một lúc sau cũng lục tục kéo đến. Trông mọi người có vẻ rất thỏa mãn và tươi tỉnh. Tôi tự dưng bị đau đầu, có thể vì thay đổi độ cao.
Khoáng đạt giữa trưa nắng |
15 phút nghỉ ngơi sau bữa trưa, mọi người lại nai nịt lên đường.
Tôi, anh Tiến, Tường cố gắng bám sát nhau. Tôi quyết định giở võ xe đạp ra áp dụng, tức là đi 1 giờ đồng hồ, sẽ dừng nghỉ 5 phút; mỗi 15 phút đi đường, sẽ uống 5 - 6 ngụm nước.
Một ngày ở Hymalaya, tôi thường uống 2 lít nước. Nước đóng chai ở Nepal hình như chỉ có loại chai 1 lít. Vì vậy, chai nước khá to. Giá khoảng trên 200 rupees (RS) cho 1 chai nước (hơn 2 USD).
Chúng tôi đi được 1 lúc, đoàn xe ngựa vượt lên rồi đi qua.
Anh Tiến cũng vượt lên trước rồi mất tăm mất tích. Còn lại tôi, Tường, em Thủy và PR.
Lúc này, tôi thực sự mệt. Đầu đau như búa bổ. Chân và người cũng đau. Hơi thở rối loạn. Đầu óc lại suy nghĩ lung tung, đâm ra càng mệt.
Vừa đi, vừa nghĩ khi mà mọi thứ đồ chơi nhằm nâng cao performance của khách bộ hành không còn giá trị gì nữa vì cơ thể vật lý đã rất mệt thì giờ đây con người chỉ trông vào 2 phẩm chất: sức khỏe và ý chí.
Sức đã đuối, nhưng nhịp tim của tôi vẫn khoảng 140 bpm. Vẫn chơi được. Ý chí thì khỏi phải bàn cãi vì đằng nào cũng phải đến đích chiều tối nay.
Tôi cắm cúi bước đi một cách chậm rãi. Phía đằng sau, Tường dướn lên dặn, “Anh đi theo nhịp điệu hơi thở kết hợp với bước chân sẽ đỡ mệt hơn”. Tôi làm theo, quả nhiên có khá hơn một chút. Nhưng vấn đề là đã quá mệt và quá đau người rôi.
Lên là lên là lên là lên |
Đường xa vạn dặm |
Cười méo vì rất mệt rồi |
Có em Thủy mặt hồng hào, tỉnh bơ cứ lượn lượn, lờ lờ, luôn miệng nói, “Em mệt quá” rồi bắt chú PR cõng. PR rất lịch thiệp đưa lưng ra cõng. Chàng nàng có vẻ hợp nhau, nhưng chắc ngại vì đông người nên động tác cõng trông không được đẹp mắt lắm. Nghe đâu, sau đó 1 đêm, chàng nàng có tổ chức “cõng” lại ổn hơn.
Thồ hàng |
Trò chơi trekking quả là dã man, tàn bạo khi thách thức sức mạnh thể chất của con người.
Khi tôi lết đến khách sạn Village View ở thung lũng Langtang, tôi chỉ có nước quẳng mình lên giường nằm nghỉ đỡ mệt, mặc cho đội khuân vác đến trước chỉ dẫn tận tình nơi ăn, chốn ở.
Buổi tối, khi mọi người quây quần bên lò sưởi, chị Hoa kể chuyện mọi hoạt động thể thao đạt đến một trình độ nhất định đều sẽ trở thành trò chơi tâm lý. Người ngoài nghe có vẻ khó hiểu. Nhưng cá nhân tôi thì đảm bảo hiểu 100%.
Kể chuyện thuê khách sạn, giá thuê phòng ở tuyến Langtang rất rẻ. Chỉ khoảng 60,000 VND/phòng 2 giường cho 2 người, tức là 1 người chỉ mất 30,000 VND cho một đêm. Tất nhiên, chi phí này đã được tính gộp trong giá tour trọn gói đã nộp cho trưởng đoàn lúc bắt đầu chuyến trekking.
Sưởi ấm ở trong các nhà nghỉ/khách sạn ở Hymalaya là một lò kim loại dài rộng cao chừng 50cm, được đốt bằng củi, có ống khói nối liền lên trần nhà thả khí ra ngoài trời. Lò sưởi này thường được đặt trong phòng ăn và rất ấm. Mọi người thường xúm quanh lò sưởi ngồi trà lá, buôn chuyện.
Lò sưởi ở nhà nghỉ |
Sau bữa tối, em Thủy lại tiếp tục đong đưa PR bằng đôi mắt long lanh ngời sáng. Mọi người cười ầm vui vẻ.
Ngày mai, cả đoàn lại tiếp tục hành xác ngày thứ 3.
What a trek!
Đức Beer
(Còn tiếp...)