Cách trung tâm TP HCM khoảng 100 km, Tây Ninh là điểm dừng chân lý tưởng cho chuyến đi ngắn ngày bởi nhiều cảnh quan tươi đẹp và món ăn hấp dẫn. Dưới đây là lịch trình gợi ý đi một ngày dành cho những du khách bận bịu.
Xuất phát
Bạn có thể đến Tây Ninh bằng phương tiện cá nhân, xe buýt hoặc xe khách.
Xe cá nhân: Từ bến xe An Sương, bạn đi theo quốc lộ 22A đến ngã ba Trảng Bàng rẽ trái. Tới ngã ba thị trấn Gò Dầu, rẽ phải theo quốc lộ 22B, sau đó chạy khoảng 60 km nữa là đến vòng xoay trung tâm TP Tây Ninh. Đi theo cung đường này bạn sẽ được ngắm nhìn đồng ruộng xanh ngát và sông Vàm Cỏ Đông, đặc biệt là hoàng hôn rất đẹp khi qua đoạn Gò Dầu – Hòa Thành lúc xế chiều.
Xe buýt: Bạn bắt xe số 703 tuyến Bến Thành – Mộc Bài, sau đó là số 05 tuyến Mộc Bài – Tây Ninh để vào trung tâm thành phố. Giá vé một người là 40.000 đồng tuyến số 703, 15.000 đồng tuyến số 05.
Xe khách: Du khách mua vé ở bến xe An Sương nằm trên quốc lộ 22A, quận 12 để đến TP Tây Ninh. Giá vé là 60.000 – 80.000 đồng một người.
Ngoài ra du khách có thể chọn đi theo tour của các trung tâm lữ hành uy tín ở Sài Gòn.
Buổi sáng
6h: Từ Sài Gòn xuất phát đi Tây Ninh. Du khách nên khởi hành lúc sáng sớm để tránh nắng nóng và kẹt xe vào giờ cao điểm.
7h30: Dừng chân tại Trảng Bàng để dùng bữa sáng. Món ăn du khách nên thưởng thức là bánh canh Trảng Bàng trứ danh, gồm sợi bánh, giò, tiết heo và đĩa rau đi kèm. Nước dùng của tô bánh luôn có vị ngọt đặc trưng và dậy mùi thơm.
Bánh canh là món đặc sản Trảng Bàng du khách không nên bỏ qua khi đến Tây Ninh. Ảnh: Khánh Bằng. |
9h: Điểm ghé đầu tiên là nóc nhà Đông Nam Bộ - núi Bà Đen có chiều cao 986 m. Các điểm tham quan trên núi bao gồm hệ thống chùa Điện Bà gồm chùa Hạ, Trung, Thượng, chùa Hang… Du khách có 3 cách để lên đến đỉnh núi là cáp treo, máng trượt và đi bộ.
10h45: Du khách có thể xuống núi bằng cáp treo để vừa thử cảm giác lạ, vừa ngắm toàn cảnh đồng bằng Tây Ninh xanh ngát, đẹp hút hồn. Giá vé hai chiều lên xuống là 150.000 đồng một vé cho người lớn và 80.000 đồng cho trẻ em.
11h: Buổi trưa là thời điểm thích hợp để bạn tham quan tòa thánh Cao Đài với kiến trúc độc đáo. Đây cũng là thời điểm hành lễ của các đạo hữu Cao Đài, do đó bạn sẽ được tận mắt chứng kiến các nghi thức diễn ra trang trọng, đẹp mắt. Lưu ý nhỏ với du khách, khi vào bên trong phải để dép ở ngoài, nên xin phép để chụp toàn cảnh tòa thánh và không được chụp ảnh người lấy phông nền là Thánh nhãn.
Kiến trúc độc đáo của tòa thánh Cao Đài., Tây Ninh. Ảnh: Thanh Tuyết. |
12h: Du khách có thể ăn trưa với những món đặc sản của Tây Ninh như bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc, ốc xu núi Bà hấp gừng hay lai rai với món thằn lằn núi Bà Đen. Sau đó, du khách nghỉ ngơi và chuẩn bị về Củ Chi khám phá địa đạo.
Buổi chiều
13h: Trên đường di chuyển về Củ Chi, bạn có thể dừng chân mua đặc sản Tây Ninh làm quà như: muối tôm, nem bưởi, bánh tráng me, bánh tráng trộn…
15h: Du khách đến địa đạo và mua vé vào tham quan với giá 20.000 đồng một người. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Địa đạo Củ Chi dài khoảng 200 km và có hệ thống thông hơi ẩn dưới các bụi cây.
Thời kháng chiến, hàng nghìn người dân Củ Chi đã sống dưới địa đạo này với đường đi lối lại khá phức tạp. Du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống ở dưới lòng đất và thưởng thức những món ăn của cư dân sống trong địa đạo trước đây.
Địa đạo Củ Chi là điểm du lịch hấp dẫn cho du khách dịp 30/4. Ảnh: Dulichcauvong. |
17h: Đến đây ngoài việc ăn các đặc sản địa phương, du khách nên tìm kiếm và thưởng thức những món ăn được chế biến từ bò tơ. Thịt bò ở đây mềm, ngọt, thơm đượm mùi sữa kết hợp cùng vị thanh mát của rau, dẻo dai của bánh tráng, đậm đà của mắm nêm. Tất cả đã làm nên đặc sản bò tơ Củ Chi. Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức thịt trâu nhúng mẻ và các món rau rừng.
18h: Kết thúc bữa cơm chiều du khách nghỉ ngơi và trở về TP HCM.
Theo VnExpress