Người châu Á quan niệm rằng một số món ăn được dùng vào ngày đầu năm mới sẽ mang lại nhiều may mắn. Và mỗi quốc gia đều có những món ăn độc đáo riêng của mình.
Việt Nam
Với người Việt Nam, bánh chưng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết. Bánh chưng là món ăn để bày tỏ lòng biết ơn với gia tiên và là truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm tại nước Việt.
Trước kia, người Việt gìn giữ thói quen làm và nấu bánh chưng tại nhà. Quá trình nấu bánh mất nhiều thời gian, cả gia đình sẽ quây quần bên nồi bánh chưng, vừa trông bánh, vừa hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỉ niệm trong năm cũ và những mong ước cho năm mới. Ngày nay, nhịp sống hiện đại khiến nếp sinh hoạt đó bị hao mòn, nhiều gia đình không còn luộc bánh chưng mà chọn mua sẵn. Bên cạnh bánh chưng, tại miền Trung, miền Nam Việt Nam, người ta còn có bánh tét. Cũng với những nguyên liệu như bánh chưng, nhưng bánh tét có hình tròn và dài.
Trung Quốc
Người Trung Quốc cũng đón Tết theo âm lịch, dịp lễ Tết âm lịch tại Trung Quốc kéo dài trên 10 ngày cùng nhiều hoạt động lớn. Bữa tối đầu năm mới là bữa ăn quan trọng nhất trong cả năm và có rất nhiều món ăn may mắn trên bàn tiệc, đặc biệt là cá và bánh bao - hai món ăn mang ý nghĩa thịnh vượng.
Từ “cá” trong tiếng Trung Quốc phát âm gần giống với từ “dư” trong “dư thừa”. Đó là lý do tại sao cá trở thành món ăn may mắn trong ngày đầu năm của người dân nước này. Mì trường thọ hay bánh sủi cảo hình dáng giống quan tiền cũng được quan niệm là món ăn may mắn. Ngoài ra, tùy theo vùng miền mà các món ăn may mắn sẽ được thay thế.
Philippine
Kể từ năm 2012, chính phủ Philippine chính thức đưa tết âm lịch vào danh sách những ngày lễ lớn trong năm. Trong dịp này, món ăn không thể thiếu của người dân địa phương là Tikoy.
Được làm chủ yếu từ gạo nếp, trộn với mỡ heo, đường và nước rồi đem nhúng vào trứng gà trước khi chiên, Tikoy được người Philippine tin rằng sẽ giúp những người thân trong gia đình luôn bên nhau.
Hàn Quốc
Vào ngày đầu tiên của năm mới, mỗi người Hàn Quốc đều ăn một chén súp Tteokguk (gồm bánh Tteok làm từ bột gạo, nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa) để cầu mong một năm mới sức khỏe và trường thọ. Hình bầu dục và màu trắng của bánh Tteok còn tượng trưng cho sự trọn vẹn và thanh khiết của vạn vật trên thế gian vào ngày đầu tiên của năm mới. Món súp được phục vụ tốt nhất với các món phụ có vụ cay như kim chỉ cải thảo hoặc kim chỉ củ cải trắng.
Nhật Bản
Trước đây, Nhật Bản ăn Tết theo Âm lịch của châu Á nhưng từ năm 1873, Nhật đã chuyển sang ăn Tết theo Dương lịch.
Trong bữa ăn đầu tiên chào năm mới, người Nhật không thể thiếu chiếc bánh kagamimochi, đó là một cách để người dân Nhật thể hiện sự kính trọng đối với đấng thần linh. Ăn bánh là để cầu chúc cho một năm sức khỏe và tràn đầy may mắn.
Người Nhật cũng ưa chuộng các món ăn từ đậu đen và các loại hải sản. Họ tin rằng nếu ăn cá vào đầu năm, đầu óc sẽ trở nên thông minh, sáng suốt và linh hoạt hơn. Ngoài ra, họ còn ăn mì soba với sợi dài và dai, biểu tượng cho sự trường thọ và may mắn.
Lào
Người Lào đón năm mới vào dịp Tết riêng, gọi là Songkran hoặc Pii Mai, được tổ chức từ ngày 14 – 16.4 hàng năm.
Món ăn may mắn không thể thiếu trong dịp Tết của người Lào là món lạp. Theo tiếng Lào, lạp có nghĩa là lộc, nghĩa là món ăn sẽ mang tới tài lộc dồi dào cho người thưởng thức. Lạp được làm từ thịt gà hay thịt bò tươi, ăn kèm cơm nếp.
Ấn Độ
Người Ấn Độ không ăn những món ngọt dịp đầu năm mà thay bằng các loại trái cây đắng, họ quan niệm vị đắng mới đem lại may mắn đầu năm.
Điều đặc biệt là gia vị đặc trưng của món ăn ngày Tết được nêm nếm gấp đôi ngày thường, vị cay sẽ thật cay còn bánh kẹo sẽ thật ngọt. Người Ấn tin rằng, các món ăn này sẽ đuổi được ma quỷ thường quấy quả họ trong công việc làm ăn. Họ cũng thường uống trà pha sữa trâu bò để mong năm mới ngọt ngào, suôn sẻ.
Tsagaa
Tại Mông Cổ, món ăn ngày tết âm lịch thường không thể thiếu các sản phẩm từ sữa, bánh gạo kèm sữa đông hoặc gạo với nho khô. Ngoài ra trên bàn thờ hoặc bàn tiệc còn có một tháp bánh ngọt truyền thống "Ul boov" đặt trên một đĩa lớn cùng với thịt cừu nướng và thịt bò băm nhỏ. Tháp bánh dành cho ông bà thường có 7 tầng, dành cho cha mẹ có 5 tầng còn cho các cặp vợ chồng trẻ chỉ có 3 tầng.
Theo Depplus