Nhà cổ Bình Thủy hiện thờ họ Dương, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870 và tôn tạo lại vào giai đoạn đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà bề thế nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ. Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, bạn sẽ thấy một cổng phụ xây theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, mặt trước gắn bảng "Phước An Hiệu".
Chủ nhân ngôi nhà là ông Dương Chấn Kỷ - một thương gia trí thức giàu có, đồng thời cũng là điền chủ có óc mỹ thuật. Ông rất thích tìm tòi cái mới, lạ của trào lưu Tây phương đang thịnh hành, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc. Chính vì vậy, du khách có thể nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây.
Ngôi nhà cổ được bao bọc bởi rất nhiều cây và hoa nở rộ bốn mùa làm không gian vừa có sẵn nét cổ kính, vừa sống động, tươi mới. Để vào trong nhà, du khách phải đi qua cầu thang hình cánh cung tao nhã, trang trí hoa văn nối kết tòa nhà với khoảng sân rộng.
Ngay khi đứng bên trong sân và nhìn lên mặt tiền ngôi nhà cổ, du khách sẽ không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp tinh tế của những đường nét trang trí từ cột, vòm cửa sắt cho đến các họa tiết đắp nổi...
Nơi đây áp dụng kiểu xây dựng kết hợp Đông - Tây, "nội ứng ngoại hợp". Điều này có nghĩa bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, còn bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây và cảnh quan thiên nhiên.
Ngôi nhà nổi bật với ba bộ bàn ghế cổ đẹp và một chiếc sập gụ được trang trí bằng khảm trai tinh xảo cùng những đường nét trạm trổ mềm mại.
Nhà trước có 5 gian dùng làm nơi tiếp khách trong các nghi lễ quan trọng, trang trí theo phong cách Tây Âu. Nền nhà được lát gạch hoa nhập từ Pháp, đóng trần Plafond, trang trí hoa văn...
Kho đồ cổ của ngôi nhà còn bao gồm những nội thất đẹp như chùm đèn bạch đăng thế kỷ 18 hay cặp đèn treo thế kỷ 19...
Nhà thờ họ Dương là công trình kiến trúc cổ có giá trị và được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Dù việc xây dựng chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây, nơi này vẫn không bị mất nét truyền thống dân tộc.
Nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng trong và ngoài nước vì xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ với vai trò là bối cảnh chính của hàng chục bộ phim như Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời. Riêng với phim Người tình, nơi này được dùng làm bối cảnh thay thế cho ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng ở Sa Đéc.
Theo VnExpress