1. Cao lầu
Cao lấu Hội An là một trong những món ngon nổi tiếng ở phố cổ Hội An. Nhiều bậc cao niên bảo rằng, cao lầu có mặt ở Hội An từ thế kỷ 17 – thời kỳ Hội An mở cửa và trở thành bến cảng sầm uất nhất Việt Nam.
Cao lầu chịu ảnh hưởng khá nhiều từ ẩm thực Trung Hoa và món mì lạnh Udon của người Nhật. Tuy nhiên, cao lầu ở Hội An vẫn có nét riêng và chỉ ở Hội An mới có món cao lầu “thuần chủng”, đúng chất nhất.
Cao lầu Hội An độc đáo từ tên gọi cho đến cách làm. Cao lầu thật ra là một loại mì làm từ bột gạo. Món cao lầu Hội An được nấu bằng nước giếng cổ nghìn năm tuổi Bá Lễ, gạo làm sợi cao mì được ngâm bằng tro củi lấy ở Cù Lao Chàm… Do các thương nhân Hội An xưa kia thường ăn món mì này trên “lầu cao” để trông hàng của mình dưới đường nên món ăn được gọi chệch thành “cao lầu”.
Bát cao lầu hấp dẫn bởi những sợi mì to màu vàng nghệ, giòn dẻo, ăn cùng thịt xá xíu, chút giá chần, nước tương và vài nguyên liệu khác, ăn cùng với rau sống Trà Quế.
2. Cơm gà
Cơm gà nấu từ gạo tẻ thơm, dẻo với nước luộc gà thơm ngậy, ngọt lịm và lá dứa khiến cho du khách phải mê mẩn. Cơm gà Hội An “đúng điệu” có thịt gà tơ xé nhỏ, bóp cùng hành tây, hành phi, muối và rau răm. Cơm gà bày ra đĩa, ăn kèm đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, nước tương, thị gà mềm chắc mà không bở, không dai, da mỏng thịt thơm. Cơm gà đa dạng với cơm phần hay thịt gà chặt, lòng mề xào, nộm gà cùng nước dùng thơm ngậy.
3. Hoành thánh
Hoành thánh là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng có thời gian dài du nhập vào Hội An, hoành thánh mang hương vị và có đặc trưng của phố Hội. Đây cũng là một trong những món ăn du khách không nên bỏ qua khi có cơ hội tới Hội An.
Có nhiều loại hoành thánh như: hoành thánh súp, hoành thành mì, hoành thánh chiên… rồi mỗi loại còn chia ra thành vị thịt heo, gà, tôm.
4. Mì Quảng
Mì Quảng là một trong những món ăn dân dã dễ thưởng thức ở Đà Nẵng cũng như Hội An. Mi Quảng gần giống cao lầu, nhưng dễ ăn hơn. Bạn có thể ăn mì Quảng cả ngày. Mì Quảng “chính hiệu” được làm từ nước ninh xương gà ngọt lịm cùng thịt heo quay, tôm béo ngậy, chút hạt điều thơm ngậy.
Mỳ Quảng cũng là món mỳ khô, thường được ăn cùng với tôm, thịt, trứng cút… tất cả đều ngấm gia vị xâm xấp ở đáy bát. Khi ăn cũng không thể thiếu bánh tráng nướng giòn và rau ăn kèm nữa.
5. Bánh xèo
Bánh xèo Hội An là món ăn vặt nổi tiếng, có thể coi là đặc sản chính hiệu của vùng đất phố Hội. Ở Hội An, bánh xèo bán chạy hàng nhất.
Bánh xèo Hội An không giống bánh xèo miền Nam hay miền Trung. Đó là loại bánh nhỏ, một người có thể ăn được nhiều cái. Nguyên liệu làm nên một chiếc bánh xèo Hội An ngon đúng điệu ngoài gạo, còn có thêm tôm, thịt dùng làm nhân.
Cách thưởng thức bánh xèo theo cách của người Hội An là ăn lúc nóng, tức là ăn đến đâu làm đến đấy, không dùng đũa mà chỉ dùng tay, ăn kèm nước chấm. Người làm bánh xèo phải ngồi bên bếp lửa liên tục để đúc, lật bánh.
6. Bánh bao, bánh vạc
Bánh bao – bánh vạc Hội An thường được ăn chung trên cùng đĩa bánh, đây cũng là 2 loại bánh có cách làm, nguyên liệu gần giống nhau.
Bánh được làm từ gạo nguyên hạt, phải chọn loại gạo dẻo, thơm, trồng trên ruộng đất sạch.
Nhân bánh vạc làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Còn nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền.
Chính sự đặc biệt của gia vị bí truyền khiến bánh bao – bánh vạc Hội An có vị ngon không nơi đâu “bắt chước” được.
7. Bánh bèo Hội An
Bánh bèo Hội An được chế biến cầu kỳ, từ bước chọn nguyên liệu đến cách làm để cho ra hương vị bánh đậm chất và hương vị của Hội An.
Vỏ bánh được làm từ loại gạo ngon , nhân chủ yếu được làm từ sản vật địa phương: tôm, thịt…
Tùy khẩu vị, thực khách có thể thêm dầu mỡ, tương ớt, hành thơm, nước mắm và ớt để ăn cùng nhân bánh. Những phụ liệu đều được chủ quán bày chu đáo trên khay bánh. Đặc biệt, khi ăn bánh bèo Hội An, cần dùng đến “dao tre”, đó là một thanh tre vót hình lưỡi dao.
Cách thưởng thức bánh bèo cũng khiến du khách ấn tượng và nhớ kỹ sự khác biệt độc đáo của ẩm thực phố Hội so với những nơi khác.
8. Bánh đập – hến xào
Bánh đập, hến xào là 2 món ăn đi theo “cặp”, không nên tách rời. Bánh đập cũng là loại bánh làm từ gạo. Gạo xay nhuyễn, tráng trong lò, phơi, nướng để làm bánh. Khi ăn được trộn cùng hành khô phi thơm, giòn cùng nước chấm cay cay vị ớt, đặt biệt là mùi đặc trưng của mắm cái nguyên chất xứ Quảng.
Ngon nhất là khi ăn bánh đập với hến trộn. Hến Cẩm Nam bé tí trộn cùng hành xanh xanh và mít non trắng xắt mỏng thơm ngon khó cưỡng. Miếng bánh đập ròn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn vặt cực hấp dẫn khi đến phố Hội.
9. Bánh tráng
Bánh tráng Hội An gần giống món bánh cuốn Thanh Trì. Nhưng nhân bánh tráng còn có thêm tôm chấy, khi ăn bánh được rưới thêm mỡ hành rất thơm và ăn kèm chả lụa.
Để đa dạng món ăn, thực khách có thể yêu cầu thêm phần bánh tráng thịt nướng, gồm lát bánh tráng mỏng cuốn cùng thịt vừa nướng chín tới thơm lừng, cuộc với rau sống, giá, chấm với món nước chấm đặc trưng ngon tuyệt. Bánh tráng dễ ăn mà không bị ngấy, du khách khó có thể bỏ qua món ăn này.
10. Chè bắp
Món ăn vặt dân giã trứ danh ở Hội An được làm từ bắp Cẩm Nam ngon nổi tiếng là chè bắp. Khác với chè của miền Nam, chè bắp Hội An không nấu với nước dừa nên có hương vị nguyên bản của bắp, chỉ khi ăn mới rưới chút nước cốt lên trên để tăng vị béo.
Giữa trưa nắng nóng, được thưởng thức một cốc chè bắp ngọt thanh, thơm mùi bắp mới bẻ, ngắm dòng người qua lại thì không còn gì thú vị bằng.
11. Bánh mì
Có lạ lùng không khi bánh mì – món ăn bình dân đâu đâu ở Việt Nam cũng có lại được xếp vào danh sách này? Nếu đến Hội An, bạn nhất định phải thử món này để xem bánh mì ở đây có gì ngon mà nổi tiếng thế.
Ở Hội An, bánh mì Phượng và bánh mì Madam Khánh luôn được xếp hàng vào mỗi ngày. Khách ăn bánh mì là người dân phố cổ và đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Mỗi chiếc bánh có giá 10.000 - 20.000 đồng, tùy loại: bánh mì thịt, pate, phomai, hay các loại giò chả…
12. Bánh ít lá gai, bánh đậu xanh
Trong vô số món bánh “ăn chơi” ở Hội An, bạn đừng bỏ qua món bánh ít lá gai. Món ăn này không được nhiều người biết đến nhưng nó mang đậm sắc, hương, vị Hội An. Bánh ít lá gai có vỏ bọc làm bằng bột nếp trộn đường và nước lá gai để có màu đen bóng.
Nhân bánh bằng đậu xanh, có màu vàng. Bánh đậu xanh với thành phẩm từ đậu xanh có nhân thịt, hình tròn hoặc vuông, vốn là một món quà có giá trị được cư dân địa phương dùng để dâng tặng các quan lại trong thế kỷ XVIII.
Đây đều là hai loại bánh ngọt hấp dẫn, dễ “ghi điểm” khi mua về làm quà. Chắc chắn, khi thưởng thức, bạn sẽ bị “hút hồn” và nghiện loại bánh dân giã, ngon lành này.
13. Xí mà (Chí mà phù)
Xí mà là một món chè mè đen đặc trưng ở Hội An. Xí mà là tên gọi chệch từ "chí mà" theo cách gọi của tiếng Quảng Đông (Trung Quốc).
Cách nấu "xí mà" tưởng đơn giản, dễ nấu như các loại chè khác bởi vì đó là một món ngọt, nhưng thật ra không như ta tưởng. Cách chế biến ra nó là một bí quyết nghề nghiệp mà người làm không dễ gì tiết lộ cho người khác.
Người ta đem mè đen xay nát thành bột mịn, rau má, rau mơ cũng đem giã hoặc xay nát, vắt (lọc) lấy nước cốt, sau đó cho bột mè cùng nước rau má, rau mơ pha với nước nấu sôi lên rồi cho bột khoai vào làm cho xí mà đặc lại (sền sệt, không quá đặc), đặc biệt còn có thêm vị thanh địa nấu cùng các thứ trên để cho xí mà có màu đen lạ, tăng sự hấp dẫn thị giác và để phân biệt với các món ngọt tương tự .
Xí mà được nấu trong nồi kim loại bình thường, khi chín người ta vẫn để nguyên trong nồi và gánh đi bán. Xí mà chín có dạng hơi đặc như chè tàu xá, chè đậu xanh nhưng lại có màu đen, ít mùi, khi ăn thì mới nghe thoang thoảng mùi thơm của mè đen và mùi của rau mơ, rau má.
Đặng Huy