1. Lễ hội gò Đống Đa, Hà Nội
Diễn ra vào mùng 5 Tết hàng năm, hội gò Đống Đa (phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) từ lâu đã trở thành ngày hội không thể thiếu đối với người Hà Nội trong những ngày đầu xuân.
Đây là lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.
2. Lễ hội đền Gióng, Sóc Sơn
Hàng năm, cứ đến mùng 6 Tết, người dân cả nước lại đổ về khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để tham gia lễ hội đền Gióng nổi tiếng.
Thánh Gióng là một trong những nhân vật truyền kì trong truyền thuyết Việt Nam. Ông có công đuổi giặc, bảo vệ dân làng. Tương truyền, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Thánh Gióng đến xã Phù Linh ngồi nghỉ, ngắm nhìn đất nước lần cuối rồi cởi áo bỏ lại và cưỡi ngựa về trời.
Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng đã lập đền thờ và mở hội, trong đó có nhiều nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…
Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hoá theo truyền thuyết.
3. Lễ hội chùa Hương, Hà Nội
Hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam, được xem hành trình về một miền đất Phật – nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Lễ hội chùa Hương kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.
Theo tâm thức của người Việt Nam, chùa Hương là nơi đất Phật, thờ Phật Bà Quan Âm. Ngày 6 tháng giêng là ngày khai hội, có tổ chức múa rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền múa rồng trên dòng suối Yến.
Trảy hội chùa Hương không chỉ đi lễ Phật mà còn là dịp du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp của non nước hữu tình, chiêm ngưỡng nhiều công trình đặc sắc của quần thể di tích Hương Sơn - di sản văn hoá của dân tộc.
4. Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh
Hàng năm, lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng. Sau phần nghi lễ long trọng được tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng trên đỉnh núi.
Chùa Yên Tử là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt thuở trước, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Trong quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp.
5. Hội đền Cổ Loa
Lễ hội Cổ Loa hằng năm diễn ra từ ngày 6 -16 tháng Giêng (chính hội ngày 6) tại xã Đông Anh, Hà Nội để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương. Ông là người đã được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi và có công xây dựng thành Cổ Loa.
An Dương Vương trị vì Âu Lạc trong 50 năm vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Trong lễ hội tái hiện nhiều tích xưa như: rước vua sống, lễ ươm gươm tại đền Sái, rước cỗ bỏng… Trong phần hội có nhiều trò chơi vui: chơi đu, thổi cơm thi, hát ca trù, hát chèo…
6. Lễ hội Lim, Bắc Ninh
Hội Lim được tổ chức từ ngày 12 - 14 tháng Giêng hàng năm, là lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.
Đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Hội thi hát được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ xúng xính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả hội Lim.
7. Lễ hội Côn Sơn, Hải Dương
Hàng năm, bắt đầu từ ngày mồng Mười tháng giêng, chùa Côn Sơn (huyện Chí Linh, Hải Dương) đã được đón khách thập phương đến lễ phật và trẩy hội. Lễ hội chính thức bắt đầu từ ngày 15 – 22 tháng Giêng.
Côn Sơn là một vùng danh lam cổ kính nổi tiếng, có khung cảnh thiên nhiên, non nước hữu tình. Ngày nay, di tích Côn Sơn được tu tạo và bổ sung thêm nhiều nét mới, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng và huyền diệu.
Nhất là ngôi đền thờ Nguyễn Trãi mới được UBND tỉnh Hải Dương xây dựng và khánh thành vào năm 2002, càng làm cho khu thắng cảnh này thêm thiêng liêng, hùng vĩ.
8. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, Vĩnh Phúc
Hàng năm, lễ hội chọi trâu diễn ra vào ngày 16, 17 tháng Giêng, tại xã Hải Lựu, Vĩnh Phúc. Đây là một lễ hội văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc mà người dân xã Hải Lựu đang gìn giữ.
Tương truyền lễ hội có từ thế kỷ 2 trước công nguyên, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, huyện Sông Lô để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn vinh thờ làm Thành hoàng của làng và Lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.
Nét văn hoá độc đáo của chọi trâu Hải Lựu là: các “ông trâu” được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện. Hàng năm, vào khoảng tháng 7-8 các cộng đồng này góp tiền cử người lặn lội lên tận Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu...để tìm những trâu khoẻ đẹp mua về.
Trâu mua về được xét giao cho một gia đình văn hóa nuôi dưỡng, các gia đình khác có nghĩa vụ đóng góp thức ăn cho trâu (thường là bột ngô bột sắn, cám gạo...). Trâu được cả cộng đồng yêu quí, vuốt ve, trân trọng như một thành viên.
9. Lễ hội đền Trần, Nam Định
Lễ hội đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 -15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.
10. Lễ hội cầu ngư
Hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng, cư dân Thái Dương Hạ, Thuận An lại long trọng tổ chức hội cầu ngư. Trò diễn bủa lưới trong hội cầu ngư sẽ được tổ chức trước đình làng. Sau đó là cuộc đua thuyền trên phá của các xã lân cận. Kết thúc buổi lễ là buổi cơm thân mật giữa quan khách và dân làng ở địa phương. Lễ hội cầu ngư được tổ chức để tỏ lòng nhớ ơn vị cai canh làng là Trương Thiều, được gọi một cách kính cẩn là Trương Quý Công.
Minh Đức