Ếch vàng: Loài ếch này chỉ to bằng ngón tay cái, da chứa một chất độc thần kinh đủ để giết chết hai con voi hoặc 10 người. Thổ dân dùng nhớt của chúng để tẩm vào phi tiêu đi săn hoặc chống lại kẻ thù. Loại ếch nguy hiểm này sinh sống trong rừng nhiệt đới từ Brazil tới Peru. Các du khách đi leo núi tại các vùng đất này nên thận trọng.
Sứa Irukandji (sứa Box): Thường xuất hiện ở các bờ biển từ phía Bắc Australia tới bang Florida của Mỹ, những sinh vật có kích cỡ chưa bằng đầu ngón tay này rất nguy hiểm. Các xúc tu của chúng chứa đầy chất độc mạnh hơn 100 lần nọc độc rắn hổ mang. Nạn nhân có thể chưa cảm nhận được tác dụng khi mới bị đốt, nhưng chỉ khoảng 30 phút sau sẽ bị đau đầu, nôn, đau bụng, đổ mồ hôi. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ bị tăng nhịp tim, tăng huyết áp và ngừng tim.
Bò cạp Deathstalker: Loài bò cạp này sinh sống rải rác từ Bắc Phi tới Trung Đông, với chiều dài khoảng 8 cm. Deathstalker có nọc chứa nhiều chất độc thần kinh với nồng độ cao, chỉ cần một cú chích cũng đủ dẫn tới sốc phản vệ và tử vong do tràn dịch phổi. Huyết thanh giải độc không phải lúc nào cũng có tác dụng.
Bạch tuộc đốm xanh: Sinh vật tưởng chừng vô hại này sống ở vùng nước nông và các rạn san hô ở phía đông Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một phần biển Nhật Bản và Nam Australia. Chúng có một chất độc thần kinh mạnh gấp 1.200 lần cyanide. Chất độc này gây tê liệt, ngừng thở trong vòng vài phút, nhanh chóng dẫn tới ngừng tim. Hiện tại vẫn chưa có huyết thanh hóa giải nọc độc. Do kích cỡ nhỏ bé và màu sắc đặc biệt của chúng, nhiều du khách tò mò đã vô tình chạm phải hoặc thậm chí bắt và cầm chúng trong tay.
Nhện lưng đỏ: Nhện lưng đỏ đực có chiều dài khoảng 4 mm, nhện cái khoảng 10 mm. Đây là loài bản địa của Australia, hiện nay đã lan sang New Zealand, Bỉ và Nhật Bản qua xuất khẩu hoa quả. Nọc của chúng chứa một chất độc thần kinh. Loài nhện này có thể điều chỉnh lượng độc tiêm vào đối tượng tấn công. Do đó, có trường hợp chỉ bị ngứa và mẩn đỏ, còn nhiều người lại bị cứng cơ, nôn, toát mồ hôi và sưng tấy ở vùng bị cắn.
Ruồi Tse Tse: Loài ruồi dài 10 mm này đã có mặt trên trái đất từ thời tiền sử và là vật trung gian truyền bệnh ngủ ở châu Phi. Người bị ruồi đốt sẽ có triệu chứng cúm, sốt cao, động kinh, buồn ngủ và hôn mê sâu. Nếu không được điều trị, nạn nhân sẽ tử vong. Mỗi năm có khoảng 300.000 người nhiễm bệnh từ loại ruồi này.
Metasepia pfefferi: Loài mực nang này được tìm thấy ngoài khơi Australia, Philippines, New Guinea, Indonesia và Malaysia. Dù có kích cỡ nhỏ bé (chỉ khoảng 5-7 cm), Metasepia pfefferi là loài săn mồi, thu hút những con cá bằng khả năng đổi màu trong chớp mắt. Đừng để vẻ ngoài đẹp đẽ đánh lừa, chúng có chất độc mạnh không thua kém gì bạch tuộc đốm xanh.
Theo Zing