Mexico
Thrillist cho biết, riêng năm 2013 đã có 1.583 vụ bắt cóc ở Mexico, phần lớn xảy ra ở các thành phố gần biên giới như Juarez, Tijuana và Tampico. Tuy nhiên, các vụ bắt cóc chủ yếu liên quan tới người địa phương. Khách du lịch thường bị bắt cóc và nhốt trong vài ngày để lấy thẻ ATM rút tiền. Lời khuyên cho khách du lịch là nên ở trong các khu nghỉ dưỡng và các bãi biển, và không đi taxi “dù” để tiết kiệm tiền.
Haiti
Năm 2012 ở Haiti có 162 vụ bắt cóc, giảm từ con số 720 cách đó gần chục năm. Nạn nhân trước kia chủ yếu là người Haiti, là đối thủ trong các cuộc chạy đua chính trị, kinh tế, xã hội cũng như gia đình của họ. Gần đây, các vụ bắt cóc liên quan nhiều hơn đến tội phạm đường phố.
Brazil
Năm 2012 có khoảng 1.000 vụ bắt cóc, chủ yếu ở các thành phố lớn như Sao Paolo và Rio de Janeiro. Nạn nhân bắt cóc tống tiền là các thương gia giàu có hoặc thành viên gia đình của họ, thậm chí trước kia, mẹ các cầu thủ bóng đá cũng bị bắt cóc. Thủ phạm thường nhắm tới những người ăn mặc đẹp và không nói tiếng Bồ Đào Nha.
Philippines
Năm 2013 có 150 vụ bắt cóc, chủ yếu ở những bãi biển đẹp thuộc quần đảo Zamboanga, Mindanao và Sulu ở miền nam. Nạn nhân hầu hết là khách du lịch từ Trung Quốc, châu Âu, Australia và Mỹ. Các nhóm khủng bố như Abu Sayyaf thường nhận trách nhiệm về các vụ bắt cóc. Cướp biển vùng Sulu cũng bắt du khách từ các bãi biển và khu nghỉ dưỡng. Hầu hết những người bị bắt đều được trả về an toàn, nhưng có một vài vụ khủng bố chặt đầu con tin khi không thương lượng được với chính phủ. Phía bắc và miền trung Philippines đều khá an toàn cho du khách, vì vậy bạn chỉ cần trách khu vực phía nam.
Ấn Độ
Năm 2010 có 2.975 vụ bắt cóc ở Ấn Độ. Nạn nhân phần lớn là trẻ em ở các gia đình trung lưu. Các vụ bắt cóc người lớn thường diễn ra trên đường phố tại các thành phố lớn. Các vụ bắt cóc khách du lịch và người nước ngoài hiếm khi xảy ra. Thông thường tội phạm không giết con tin, số tiền chuộc tương đối nhỏ và có thể thương lượng.
Colombia
292 vụ bắt cóc được thống kê năm 2013, chủ yếu xảy ra ở các vùng hẻo lánh như các con đường trên núi, rừng rú, sông ngòi và các khu trồng trọt. Khách du lịch cũng có nguy cơ bị bắt cóc tống tiền. Nhóm tội phạm có vũ trang FARC đứng ra chịu trách nhiệm cho 30% trong tổng số 29.000 các vụ bắt cóc trong 40 năm qua. Ngược lại, tình hình khá an toàn ở các thành phố lớn.
Venezuela
Ước tính có khoảng 2.000 vụ bắt cóc ở nước này mỗi năm. Venezuela được coi là đất nước nguy hiểm nhất châu Mỹ Latin. Thủ đô Caracas là một trong những nơi có tỷ lệ giết người cao nhất thế giới. Nạn nhân thường là người địa phương thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu với mục đích kiếm tiền chuộc. Hai kiểu bắt cóc phổ biến là bắt cóc siêu tốc và bắt cóc giả. Trong các vụ bắt cóc siêu tốc, nạn nhân bị ép phải rút tiền ở các cây ATM hoặc mua đồ giá trị bằng thẻ tín dụng tại các cửa hàng. Trong khi đó, bắt cóc giả là cách ngắt dịch vụ điện thoại của nạn nhân, hoặc mượn điện thoại của nạn nhân để gọi điện báo cho gia đình là người thân của họ đã bị bắt cóc.
Theo Zing