08:30 22/12/2024

Phong tục đón Tết ở Việt Nam

17:35 30/01/2015

Phong tục đón Tết cổ truyền ở Việt Nam là một trong những nét đẹp văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc và có giá trị nhân văn sâu sắc. Trong ngày Tết, người Việt thường có tục: hái lộc, chúc Tết... và cả những điều kiêng cữ để có một năm mới thật may mắn, có tài có lộc.

phong tuc don tet o viet nam - 1

1. Chợ Tết

Chợ ngày tết có không khí khác hẳn những phiên chợ ngày thường trong năm. Theo thói quen, người đi chợ sắm tết thường mua rất nhiều đồ, không phải để dự trữ mà người Việt thường quan niệm, cả năm mới có một ngày tết nên mua sắm cũng nhiều hơn ngày thường.

Đặc biệt, những món ngon độc lạ mà ngày thường không có thì được bày bán trong những phiên chợ tết. Người người đi chợ sắm tết tạo nên không khí ngày tết ấm cúng, sôi nổi.

2. Dọn nhà đón Tết

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết đến xuân sang, mọi gia đình đều dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng nhà cửa thật đẹp để đón Tết. Tất cả các đồ dùng trong gia đình đều được lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới.

Trên tường treo những câu đối hoặc tranh tết. Trong nhà đặt các lọ hoa với đủ màu sắc tươi mới như cúc vàng, hoa hồng...hoặc những cây quất vàng ươm làm rực lên một góc không gian, với ý nghĩa mang đến sinh khí và vinh hoa phú quý cho năm mới.

3. Tục cúng bái

phong tuc don tet o viet nam - 2

- Sắp dọn bàn thờ đón hương linh tổ tiên:

Mỗi gia đình Việt thường đặt bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải) ở nơi trang trọng nhất. Trong tín ngưỡng thờ cũng của người Việt, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất.

Trong ngày 30 Tết, gia chủ sẽ bày 1 mâm cỗ bao gồm trái cây và thức ăn để làm lễ mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Người con trưởng trong gia đình sẽ thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau đó mọi người trong gia tộc đều chắp tay cung kính thỉnh vong linh ông bà về ăn Tết.

- Tục cúng ông Công, ông Táo:

Theo quan niệm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ông Táo giống như vị thần bếp, đại diện cho sự ấm no cho gia đình.

Lễ cúng ông Công, ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng chạp âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.

- Cúng Tất niên:

Ban đầu, tục cúng Tất niên được hiểu như là hoàn tất (công việc) trong năm, nghĩa là cúng các tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn. Nhưng vì không phải thợ nào cũng có tổ nghề rõ ràng nên lâu dần, mọi người đều cúng Tất niên.

Lễ cúng này thường được người Việt Nam thực hiện vào các ngày từ sau 23 đến 30 Tết.

- Cúng giao thừa:

Theo tục lệ cổ truyền thì "giao thừa" được tổ chức nhằm đón các thiên binh. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào trong nhà, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa. Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.

4. Tục đón giao thừa

phong tuc don tet o viet nam - 3

Trước đây, đúng vào phút giao thừa, mọi người thường đốt pháo Tết. Theo dân gian, pháo nổ vào dịp năm mới để xua đuổi ma quỷ của năm cũ (vì người xưa đã tin rằng ma quỷ sợ tiếng động lớn) và chào đón năm mới. Pháo càng dài và lớn, nổ càng lâu, kêu càng to, cháy ra nhiều xác phác pháo và cháy hết thì càng được cho là điềm lành của năm mới.

Ngày nay, tục đốt pháo đón Tết đã bị hủy bỏ do nó tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây tai nạn. Thay vào đó, người dân Việt Nam đi xem bắn pháo hoa ở các điểm tổ chức bắn trong địa bàn thành phố nơi họ sinh sống.

5. Tục hái lộc đầu xuân

Theo quan niệm của người Việt, lộc ở đây chính là sự may mắn, lộc tài, lộc phước. Vì thế vào đêm giao thừa, hay những ngày đầu năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đến viếng chùa, đi nhà thờ để cầu chúc một năm mới suôn sẻ, bình yên.

Họ sẽ được hái những lộc được treo trên cây mai, cây đào. Lộc ở đây có thể là những phong bao lì xì nhỏ, cũng có thể là những tấm thiệp, những tờ giấy nhỏ với những lời chúc tốt lành.

Bên cạnh đó cũng có quan niệm rằng vào đêm tối giao thừa, trên đường đi hội xuân về, mọi người sẽ bẻ lấymột cành lá cây nào đó. Vì theo quan niệm nếu có được một cành lá tươi tốt thì mọi việc sẽ thật tươi mới, may mắn trong năm. Tuy nhiên ngày nay, phong tục này vẫn còn ít được duy trì do một số hành động quá khích, bẻ cây, phá hoại cây cối gây ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên.

6. Tục xông nhà (xông đất)

Theo phong tục, cứ đến đêm giao thừa mọi người thường ở trong nhà không đi đến nhà khác để đợi có người đến xông nhà, rồi mới được đi chúc tết nhà khác.

Người ta tin rằng tuổi tác của người khách đầu tiên có ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà. Vì thế, từ trước Tết, chủ nhà thường chọn người quen biết nào mà có tuổi hợp với mình để mời họ đến xông đất với mong muốn năm mới sẽ có nhiều điều may mắn.

7. Tục chúc Tết, mừng tuổi

phong tuc don tet o viet nam - 4

Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục lâu đời với hàm ý sẽ mang điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Theo lệ, thường thì vào mùng 1 con cái chúc tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm với lời chúc hay ăn, chóng lớn.

Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn.

Vào những ngày đầu năm, mọi người còn đến chúc tết anh chị em, bà con họ hàng, bạn bè.

8. Phong tục xuất hành

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Cho nên, theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch do những nhà bói toán viết ra để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp.

Tuy nhiên, hiện nay, việc xuất hành cũng không còn quá nhiều kiêng kỵ như xưa nữa.

9. Tục xin chữ đầu xuân

phong tuc don tet o viet nam - 5

Xin chữ là một trong những hoạt động tâm linh ấy để cầu may, cầu xin những điều tốt lành sẽ ứng nghiệm thành hiện thực trong năm mới.

10. Tục kiêng cữ

Trong 3 ngày đầu năm người ta thường thận trọng lời ăn tiếng nói và hành động vì tin rằng có thể đem lại hên xui cho cả năm. Thí dụ như không quét rác, nhất là quét xác pháo ra khỏi nhà vì bị xem là quét tiền ra cửa. Không tặng thuốc men hay dao nhọn vì bị xem là dấu hiệu của bệnh hoạn và xung khắc. Không khóc lóc than thở hay đập vỡ chén dĩa vì đó là dấu hiệu của sự đổ vở trong gia đình. Không mặc đồ trắng hay đen vì bị xem là dấu hiệu của sự tang tóc.

Tục đón Tết cổ truyền không chỉ là thói quen được truyền từ đời này sang đời khác mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, kính trọng tổ tiên, tình đoàn kết gia đình. Ngày nay do cuộc sống phát triển, một số tập tục đã không còn lưu giữ, nhưng những tập tục này lại góp phần làm nên ý nghĩa của ngày Tết, giúp người Việt giữ gìn được bản sắc riêng của mình.

Phương Nga

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt