Ngọn đèn trăm tuổi thu hút du khách bởi vẻ cổ xưa |
Mũi Kê Gà (xưa còn có tên là Khe Gà) nằm ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Đường đi Kê Gà khá đẹp, rộng rãi với một bên là núi, một bên là biển. Ngọn hải đăng nằm trên một hòn đảo nhỏ, từ bờ biển thoạt nhìn thì rất gần, thực tế cũng khá xa.
Hải đăng Kê Gà nhìn từ đất liền |
Nếu đi du lịch bụi, bạn có thể đi theo ba cung đường: Từ TP.HCM theo quốc lộ 1A đến thị trấn Thuận Nam rẽ phải vào khoảng 20km. Hướng từ Vũng Tàu thì đi theo quốc lộ 55 qua La Gi tới Phan Thiết. Hướng từ Phan Thiết thì từ thành phố chạy đến xã Tân Thành.
Khi đến đây, chỉ cần tìm một chỗ gởi xe là sẽ có khá nhiều người đến hỏi bạn về việc có cần thuê thuyền ra tham quan hải đăng, sau đó là làng chài, vịnh biển hay không. Khi thuê thuyền, bạn nên xem qua thuyền có áo phao và còn chắc chắn không, vì vùng biển ở đây có rất nhiều vách đá, nếu không phải là người lái thuyền chuyên nghiệp quen thuộc với địa hình, thuyền sẽ rất dễ va chạm vào đá ngầm.
Đá ở bãi Kê Gà có hình thù rất ấn tượng |
Khi thủy triều lên |
Nếu không thích đi thuyền qua đảo, bạn có thể tham quan bãi đá Kê Gà, lội bộ qua vũng cạn để đến bến thuyền gần đó. Đá ở bãi có hình thù rất ấn tượng, biển xanh trong rất đẹp.
Bạn có thể ngắm những con ốc biển rất đẹp |
Vào buổi sáng sớm và chiều, ngư dân địa phương thường họp chợ ven biển để bán những hải sản gần bờ. Nếu muốn thưởng thức hải sản tươi ngon, sau khi tham quan hải đăng, bạn có thể mua và đưa vào nhà hàng, quán ăn gần đó để thuê chế biến (hấp, luộc, nướng…).
Hải sản nơi đây rất tươi ngon |
Với nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài, hải đăng Kê Gà hấp dẫn bởi giá trị lịch sử. Không chỉ là ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam, đây cũng là hải đăng cổ nhất Đông Nam Á (được xây từ khoảng năm 1890). Theo nhiều tài liệu, toàn bộ đá hoa cương dùng xây hải đăng đều đã được chạm, khắc, gọt thành từng khối hình chữ nhật phẳng.
Ánh sáng của hải đăng có thể quét sáng khoảng 40km |
Không chỉ cổ nhất, hải đăng Kê Gà còn là ngọn hải đăng cao nhất khu vực (66m), thân tháp cao 41m với 183 bậc thang xoáy trôn ốc. Với những du khách có vấn đề về sức khỏe, thì việc đi theo những bậc thang xoáy tròn liên tục và không có điểm nghỉ sẽ là một thử thách. Nhưng nếu lên được đến nơi có những ô cửa, bạn sẽ được “đền đáp”, vì qua những ô cửa kính nhỏ ấy là biển xanh, là toàn cảnh mũi Kê Gà.
Lên đến ngọn hải đăng, bạn sẽ được ngắm nhìn biển trời bao la |
Nếu không lên tháp, bạn có thể đi ngắm toàn cảnh hòn Bà với vô số phiến đá xếp chồng lên nhau, to nhỏ với đủ loại kích thước và hình thù. Ngoài ra còn có hai hàng hoa sứ trên trăm tuổi trồng ở hai bên lối lên hải đăng.
Hàng sứ hơn trăm tuổi |
Với vẻ cổ xưa giữa khung cảnh biển núi thơ mộng, hải đăng Kê Gà cũng là nơi dân nhiếp ảnh thường tìm đến để chụp ảnh. Họ thường không ra đảo mà băng qua bãi đá (bãi đá Kê Gà), nơi có bến đậu thuyền đánh cá. Từ đây nhìn qua là ngọn hải đăng, nơi này chụp ảnh bình minh rất đẹp.
Hải đăng Kê Gà là nơi dân nhiếp ảnh thường tìm đến để săn ảnh đẹp |
Theo PNO