Vệt thời gian loang lổ theo bàn tay con người. |
Cả một triều đại hơn ngàn năm tuổi, chẳng thể nào vội vã chôn vùi những kỳ tích trong lòng thời gian vô tình mải miết. Liệu có khi nào những bí ẩn kia day dứt tự vấn mình về những giá trị đang co mình mai một?! Như nàng công chúa ngủ quên giữa đại ngàn kén chọn người đánh thức hôm nay! Rời phố thị với những ánh đèn màu chói lóa của cuộc sống tiện nghi, đến Mỹ Sơn trầm mặc những u tịch như đau đáu nhớ về một thời quá vãng. Những cô gái Chăm thong thả đội nước tắm mát cho những Linga, những Yoni đang phơi trần cùng cỏ bụi. Những người đàn ông Chăm đầu quấn khăn, mặc xà lung rảo bước trên triền đồi chờ ngày tắt nắng, mắt nheo nhìn về phía xa xăm.
Trầm mặc phế tích. |
Dưới chân đồi là những nếp nhà mái lá lẩn khuất dưới những hàng cây xanh màu xanh quá khứ bất tận... một Mỹ Sơn in hình vào thung lũng như bào thai ngủ yên trong lòng mẹ, êm đềm và đầy dư ba... Mười mấy thế kỷ đã trôi qua trên mảnh đất thần thoại này, sự hưng phế của một di sản đâu nằm trong ý muốn con người. Vẫn còn đó những người đêm ngày miệt mài tìm quá vãng, lục trong sự u tịch lặng lẽ ấy những đáp số của một miền di sản giữa không gian bao la của xứ sở Chiêm thành. Những tháp Chàm nằm rải rác khắp miền Trung này liệu có cảm thông với những con người vẫn mải miết cùng nắng gió và bụi đất, để tìm câu trả lời không biết đúng sai?
Người lao công già cặm cụi bên chân tháp. |
Những chạm trổ trên phiến đá kia, những tượng thần nữ, những hoa văn tinh xảo, những hình khắc vết, những viên gạch không vôi vữa gắn với nhau biết bao thế kỷ còn đang “thi gan cùng tuế nguyệt”... ở trong đó còn biết bao những gửi gắm của người xưa về vũ trụ, về thần linh, về cuộc sống và là cả một bảo tàng vô giá về bao tuyệt phẩm nghệ thuật bây giờ không còn ai tạo tác được nữa. Người xưa đã dùng cách gì để biến đất qua ngàn năm vẫn không hề phai sắc, chở cả hồn người trong những viên gạch hồng tươi trong nắng chiều? Có phải đấy là nơi tụ hội của hồn người, hồn đất, hồn của cả hơn 255 đền tháp khắp vùng miền Trung?! Để tầng tầng lớp lớp những trầm tích văn hóa cứ lắng lại, bồi tụ cùng thời gian mang chở những vui buồn. Hơn một ngàn năm, Mỹ Sơn vẫn là một chứng nhân câm lặng của một nền văn hóa hưng thịnh một thời. Người Chăm xưa liệu có thể nào biết sau nhiều thiên niên kỷ, họ đã để lại những câu hỏi không dễ trả lời cho nhân loại hôm nay?! Để bây giờ Mỹ Sơn đứng sừng sững và lặng lẽ giữa bạt ngàn rừng và những nghi vấn, những bí ẩn mang sắc màu huyền thoại, nằm yên trong gạch, trong đất và trong cả bao tầng tháp vĩnh cửu.
Vũ nữ không đầu, bí ẩn của miền huyền thoại. |
Chiều tháp cổ trong mưa, vẻ đẹp của sự u tịch đến gai góc khiến bao người cũng phải lặng lẽ buồn. Bởi hơn 1.000 năm, chẳng ai nhớ những ngọn tháp này đã phải trải qua bao cuộc chiến tranh, bao cuộc xâm lăng, bao trận mưa bão, diệt vong. Dẫu hứng chịu sự hoang tàn đến độc ác của thời gian, nhưng những ngọn tháp buồn này vẫn là những nhân chứng đứng vững với thời gian, trong trầm tư, cô độc, lặng lẽ và buồn.
Linga đứng giữa trời. |
Nhưng có lẽ không chỉ với riêng mình tôi, mà với nhiều người yêu vẻ đẹp vĩnh cửu và tự nhiên của thời gian, thì việc nhìn những tầng tháp bị trùng tu với gạch vữa lẫn màu, gán ghép cả những tác phẩm điêu khắc làm tạm bợ để gá vào tháp cùng những khối gạch thường đã bị tróc lở theo thời gian, tôi lại cứ ao ước được ngắm một ngọn tháp nguyên bản. Tôi không rõ người ta phải tìm bao nhiêu cách trùng tu để giữ nguyên những ngọn tháp cả nghìn tuổi, nhưng nhìn những ngọn tháp đang bị hiện đại hóa và tự hỏng dần vì những lớp gạch mới do trùng tu mang lại không khỏi thấy đau lòng, vì dường như những cố gắng sửa chữa đã khiến cho những ngọn tháp đã bị thất truyền về cách xây dựng này nhanh chóng bị hư hại hơn cả lúc không có bàn tay của các chuyên gia chạm đến!
Chiều dưới tháp Mỹ Sơn, sao người xưa lại chạm trổ vào đây cả những suy tư bí ẩn đến khôn cùng và cả những nỗi niềm vô tận về con người đến vậy.
Theo DulichVietNam