Chùa Hương (Hà Nội)
Ảnh: Internet |
Chùa Hương từ lâu đã trở thành một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam thu hút rất nhiều du khách mỗi độ tết đến xuân về. Nơi đây gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần và các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Du khách đến đây sẽ “mê mẩn” với cảnh quan tuyệt đẹp ở chùa Thiên Trù, động Hương Tích, khu danh thắng Hương Sơn và vô vàn bức tranh thiên nhiên được kết hợp từ núi cao, rừng thẳm, sông xanh.
Bạn có 3 lựa chọn tuyến đường tham quan khi đến danh thắng này. Đầu tiên là tuyến chính Hương Tích, đi qua nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như chùa Thiên Trù, chùa động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, chùa động Hương Tích. Tuyến 2 là Tuyết Sơn, tuyến này có núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng, chùa Bảo Đài, chùa động Tuyết Sơn… Tuyến thứ 3 là Long Vân, đi thăm đền Trình, chùa Long Vân, động Long Vân, chùa Cây Khề, hang Sũng Sàm. Hàng năm, bắt đầu từ mồng 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch đều diễn ra lễ hội chùa Hương.
Danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh)
Ảnh: Internet |
Yên Tử là một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam với hệ thống thực vật phong phú và đa dạng, được nhà nước công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên. Yên Tử là “cái nôi” khởi nguồn thiền phái Trúc Lâm – dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo của người Việt. Nếu có sức khỏe thì du khách hãy đi bộ để chinh phục đỉnh Yên Tử, nếu không thì hãy chọn phương án đi cáp treo để rút ngắn khoảng cách và thời gian. Khi đi bằng cáp treo, bạn sẽ có cơ hội thưởng lãm phong cảnh của núi non mây trời Yên Tử. Đặc biệt vào những ngày quang mây, từ đỉnh núi, bạn có thể nhìn thấy biển Hạ Long. Lễ hội Yên Tử thường diễn ra bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch hàng năm.
Bái Đính (Ninh Bình) - Nơi trời tiên, cảnh Phật
Ảnh: Internet |
Không chỉ đạt rất nhiều kỷ lục lớn của Việt Nam và Châu Á, Bái Đính còn là nơi hội tụ linh khí núi sông, tâm linh dân tộc. Đây là nơi giao hòa giữa các tín ngưỡng dân gian khi vừa thờ Phật, thờ Thần và thờ Mẫu tạo nên một không gian linh thiêng. Nói đến Bái Đính là nói đến những phong cảnh hữu tình, nơi núi sông kỳ ngộ bởi thế mà hàng triệu người con đất Việt tìm về thắp hương cầu bình an mỗi dịp xuân về.
Chùa Thiên Mụ (Huế)
Ảnh: Internet |
Cứ mỗi độ xuân về, chùa Thiên Mụ lại níu chân biết bao du khách đang muốn kiếm tìm sự tĩnh tâm, bỏ lại muộn phiền của năm cũ. Trải qua hơn 400 năm với bao thăng trầm lịch sử, chùa vẫn uy nghi, cổ kính, vẫn lưu giữ tất cả những truyền thuyết của 108 tiếng chuông. Tiếng chuông ấy như linh hồn của Huế, đi vào ca dao, tục ngữ, đọng lại trong lòng khách thập phương khi đến với xứ sở thơ mộng này.
Hành hương về núi Sam Châu Đốc
Ảnh: Internet |
Chuyến hành hương đầu năm của người dân miền Tây đều hướng về núi Sam Châu Đốc – nơi có hơn 200 ngôi, đền, chùa, am, miếu. Nơi đây nổi tiếng với ngôi chùa Tây An Cổ Tự bởi nét độc đáo giao thoa giữa kiến trúc Ấn Độ - Việt Nam. Ngoài ra, miếu Bà Chúa Xứ hay lăng Thoại Ngọc Hầu – nơi tôn thờ vị anh hùng có công khai mở An Giang cũng là những địa điểm cầu lộc mỗi dịp xuân về tết đến. Trong những ngày đầu năm hãy đến chốn non thiêng để tìm cho mình những giây phút tĩnh tâm và cầu mọi sự an lành trong cuộc sống.
Thảo Phương