1. Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ, Bắc Ninh
Ảnh: Internet |
Ngày hội rước pháo phường Đồng Kỵ, Bắc Ninh được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc. Đây cũng là một trong những lễ hội sớm nhất trong đầu xuân mới, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Năm nay, trai tráng trong làng sẽ rước 2 quả pháo được gò bằng tôn, mô phỏng quả pháo gỗ dài 6m, nặng 1 tấn; bề ngoài được trang trí rực rỡ với hình tứ linh: long, lân, quy, phụng. Đám rước diễn ra khoảng 2 tiếng, đi từ nhà văn hóa thôn ra đình làng trong sự cổ vũ của hàng nghìn du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt độg văn hóa, thể thao quanh khu vực hội như: thưởng thức quan họ trên thuyền, chọi gà, đấu vật, cờ tướng...
2. Hội Đống Đa – Tây Sơn, Bình Định
Ảnh: Internet |
Theo phong tục hàng năm, cứ đến mùng 4 Tết, UBND tỉnh Bình Định lại tổ chức hội Đống Đa – Tây Sơn để tưởng nhớ công đức của vua Quang Trung và các tướng sĩ đã tạo nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, cũng như là dịp nhân dân cả nước thể hiện lòng thành kính, biết ơn của mình.
Năm Ất Mùi 2015, lễ hội Đống Đa - Tây Sơn được tổ chức tại bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, Bình Định. Đồng thời di tích lịch sử đền Tây Sơn Tam Kiệt còn vinh dự đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn diễn ra trong 2 ngày (mùng 4, mùng 5 tháng Giêng), gồm nhiều phần lễ và phần hội, các tiét mục văn nghệ, võ thuật đặc trưng của đất võ Bình Định. Ngoài ra, còn tổ chức hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh, quy tụ nhiều võ sinh xuất sắc của các võ đường nổi tiếng.
3. Hội chùa Hương, Hà Nội
Ảnh: Internet |
Mùng 6 Tết, du khách từ khắp nơi trên cả nước đã nô nức kéo về chùa Hương, nơi đất Phật để hành hương, bái lễ, cầu an, cầu may trong năm mới 2015.
Chùa Hương thuộc khu thắng cảnh Hương Sơn, một quần thể văn hóa - tôn giáo - kiến trúc Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần. Thiên nhiên của vùng Hương Sơn đã tạo ra một khung cảnh mang tính tâm linh, huyền bí và thơ mộng.
Sáng ngày 24/2, huyện Mỹ Đức đã tưng bừng khai hội chùa Hương. Mặc dù không đông bằng ngày khai hội các năm trước nhưng năm nay, chùa Hương vẫn đón khoảng 4 vạn lượt người đến tham quan, trẩy hội.
Hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc, được tổ chức với quy mô hoành tráng, trong nhiều tháng. Hội bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Dự kiến, mùa lễ hội năm nay, chùa Hương đón 1,5 triệu lượt khách đến tham quan, trẩy hội.
4. Hội đền Gióng, Hà Nội
Ảnh: Internet |
Hàng năm cứ đến mùng 6 tháng Giêng, hội đền Gióng lại được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tương truyền, đây là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi về trời. Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng mở hội lớn mỗi năm 1 lần tại khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương.
Lễ hội Gióng Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày (từ mùng 6 tới mùng 8 âm lịch) với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Khai hội đền Gióng năm 2015, khu di tích đền Sóc cũng vinh dự đón bằng công nhận Di tích Quốc Gia đặc biệt. Đặc biệt, huyện Sóc Sơn đã huy động gần 400 cán bộ, chiến sĩ an nình, tình nguyện viên tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong lễ hội.
Ngay từ 6 giờ sáng, các đoàn rước lễ phẩm, lễ vật của các xã lân cận đã tiến hành trong sự trang nghiêm. Để phần lễ tấu thêm trang trọng, năm nay UBND huyện Sóc Sơn đầu tư cho các thôn làng trang phục mới, kiệu mới đồng thời đề nghị các thôn làng chuẩn bị tốt lễ rước lễ phẩm, lễ vật. Huyện huy động 170 cán bộ, chiến sĩ an ninh, 200 thanh niên tình nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại lễ hội, hướng dẫn người dẫn hành lễ đúng quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường chung.
Trước đó, năm 1962, nơi này cũng được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Năm 2010, lễ hội Gióng Đền Sóc cùng với hội Gióng Đền Phù Đổng được UNESCO công nhận là D i sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
5. Hội Cổ Loa, Đông Anh
Ảnh: Internet |
Sáng hôm qua (24/2), lễ hội Cổ Loa đã chính thức bắt đầu tại khu di tích lịch sử Cổ Loa, để tưởng nhớ công đức của An Dương Vương trong những ngày đầu dựng nước và giữ nước.
Nghi lễ rước kiệu diễn ra đúng phong tục truyền thống. Sau khi thực hiện nghi lễ dâng lễ Đức vua, các đoàn tiếp tục nghênh rước từ sân Rồng Thượng xuống sân Rồng Trung và sân Rồng Hạ, vòng qua hồ Ngọc Tỉnh về tiếp tục về đình làng. Cùng với đó, dân làng thay phiên nhau cầu nguyện để tổ tiên phù hộ cho cuộc sống thái bình, thịnh vượng.
Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân đến tham dự và chiêm bái.
Phương Nga