1. Sá sùng
Sá sùng tươi. Ảnh: Internet |
Được mệnh danh là “đặc sản vàng ròng”, sá sùng là đặc sản chỉ có ở biển Minh Châu (đảo Quan Lạn, huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh). Vì khá hiếm nên giá thành rất cao, một cân sá sùng khô có giá gần 4 triệu đồng. Sá sùng còn gọi là giun biển, sâu biển vì hình dạng khá giống con giun, thường được đánh bắt ử vùng đầm khi thủy triều xuống.
Sá sùng nướng muối ớt. Ảnh: diadiemanuong |
Sá sùng đem về được chế biến ngay, mang rửa sạch đất cát rồi dùng đũa vót nhọn xiên vào một đầu sá sùng, lộn lại, rửa thật kỹ rồi phơi khô. Tiếp đó chúng được hong trên bếp than củi hoặc than đá sao cho không chín quá, tái quá.
Có nhiều món ngon được làm từ sá sùng như: sá sùng xào tỏi tươi, sá sùng xào chua ngọt, sá sùng chiên giòn, sá sùng rang… Trong đó, sá sùng khô nướng chấm tương ớt chua ngọt hay xào tỏi được yêu thích nhất, ăn ngon hơn mực khô nướng gấp nhiều lần. Sá sùng ngọt nước, ngọt thịt, đậm đà vị biển nên nấu canh cũng rất ngon. Xưa kia hàng phở chỉ cần thả một nhúm sá sùng là đã có nồi nước dùng ngọt lừ hấp dẫn.
2. Chả mực
Chả mực Hạ Long ngon nổi tiếng. Ảnh: Internet |
Nhắc đến những hải sản nổi tiếng của Quảng Ninh, hầu như ai cũng biết chả mực Hạ Long vừa thơm ngon vừa giữ nguyên được độ giòn, dai đặc trưng của mực. Đến Hạ Long du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức đặc sản trứ danh này.
Chả mực Hạ Long được làm chủ yếu từ mực mai vừa được đánh bắt trong ngày nên rất tươi, dậy mùi thơm. Chả ngon nhất là được giã tay sao cho mực nhuyễn nhưng không bị nát quá, có đủ độ kết dính với nhau và vẫn còn những miếng nhỏ, dai, giòn sừn sựt khi ăn. Chả mực Hạ Long cũng đặc biệt thơm ngon và đậm đà hơn so với chả mực ở những mơi khác.
Xôi trắng chả mực. Ảnh: Zing |
Chả mực ăn kèm xôi trắng cũng rất ngon, nếu chấm mắm nguyên chất thêm chút hạt tiêu thì sẽ càng đậm đà và ngon miệng hơn. Hiện nay còn có thêm món bánh cuốn chả mực ở khu vực Bạch Đằng (Quảng Ninh) cũng rất thu hút du khách.
3. Sam biển
Có nhiều món ngon từ sam biển. Ảnh: Internet |
Sam biển, loài giáp xác chân đốt cũng là hải sản kỳ lạ, thường chỉ có ở Quảng Ninh. Trước đây, sam không được ưa chuộng như mực, ghẹ, tôm nhưng dần dần nó cũng trở thành đặc sản khá nổi tiếng ở đất mỏ. Vì sam chỉ sống trong tự nhiên, chưa nuôi trồng được nên ngày nay càng hiếm có.
Từ sam có thể chế biến thành nhiều món ngon như: tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, lsam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt, sam hấp, sam tẩm bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến… Thịt sam ngon, bổ, nhưng muốn có món ăn ngon thì cần một đầu bếp giỏi. Nếu bắt được con sam không ăn sứa thì không sao, nhưng bắt phải con ăn sứa thì gan va ruột của nó cực độc, có thể gây chết người. Chính vì vậy người làm cần phải rất cẩn thận.
Sam thường đi theo đôi theo cặp. Ảnh: Internet |
Một điều đặc biệt là sam luôn đi theo đôi cặp (một đực, một cái) nên mới có câu “dính nhau như sam”. Khi chế biến người dân biển Quảng Ninh thường giết thịt theo đôi một vì cho rằng nếu nấu từng con sẽ bị dị ứng, lạnh bụng. Trường hợp ra biển chỉ bắt được một con sam thì ngư dân sẽ thả nó về biển vì trọng truyền thuyết về đôi sam.
Những nơi có món sam ngon ở Quảng Ninh là thị xã Quảng Yên, đường 25/4 (phường Bạch Đằng, Tp Hạ Long), Giếng Đồn, Cao Xanh.
4. Ngán
Ngán nướng. Ảnh: Internet |
Thuộc họ với ngao, ngán là loài nhuyễn thể sống ở vùng nước lợ hoặc nước mặn và là món ăn quen thuộc, phổ biến trong những bữa cơm của người Quảng Ninh. Thịt ngán đậm vị, giàu đạm, ngọt lừ, nếu ăn vã sẽ nhanh ngấy. Nhưng dùng ngán để nấu canh, nướng, xào mỳ, xào với rau cải, nấu cháo, làm gỏi thì rất tuyệt vời.
Đặc biệt có món rượu ngán rất ngon và được xem là “thần dược” của đàn ông. Có 3 cách làm rượu ngán, mỗi cách lại cho ra những ly rượu ngán có màu khác nhau: hồng tươi, phớt hồng hoặc phớt xanh. Lần đầu uống rượu ngán sẽ thấy đơn đớt do vị mặn nồng của con ngán, nhưng khi rượu trôi qua cuống họng sẽ thấy vị thơm đặc trưng rượu và ngán quyện vào nhau và cảm giác ấm áp lạ thường dâng lên trong người. Nếu uống quen thì du khách sẽ rất dễ “nghiện” rượu ngán.
5. Cù kỳ
Cù kỳ có 2 chiếc càng to, khỏe, cứng cáp. Ảnh: Internet |
Cùng họ với ghẹ, cua biển, cù kỳ (hay cùm cùm) là hải sản lạ lùng và đặc biệt nhất của Quảng Ninh. Cù kỳ sống trong khe đá, mảnh gỗ dọc theo các vách đá bờ biển và rừng ngập mặn, có mai màu nâu, mắt xanh lá cây sáng. Điểm đặc biệt dễ nhận ra cù kỳ là 2 chiếc càng rất to, gấp 3-4 lần càng cua, ghẹ, vỏ ngoài dày cứng, chân có nhiều lông. Cù kỳ thường ăn các loài phù du, giáp xác nhỏ và có thể phát triển đến kích thước lớn (rộng tới 12 cm).
Cù kỳ hấp. Ảnh: Internet |
Thịt cù kỳ rất chắc và thơm, ngon nhất ở 2 chiếc càng to chắc khỏe, khi ăn phải dùng búa hoặc dụng cụ kẹp càng cua. Phần thân cù kỳ xốp và hầu như không có thịt. Có thưởng thức cù kỳ mới thấy cua biển, ghẹ chưa phải bậc “đế vương” trong số những đặc sản “8 cẳng 2 càng”. Cù kỳ được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như: làm ruốc, nấu bún, hấp, rang me, nướng than hồng, xào miến…
Thanh Thúy
- Phố hải sản bên bờ vịnh Hạ Long
- 7 món hải sản 'kinh điển' nghe tới là thèm chảy nước bọt