07:51 19/09/2024

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ?

15:26 16/02/2017

Áo dài là trang phục truyền thống và biểu tượng văn hóa dân tộc đáng tự hào của Việt Nam. Mỗi thời kỳ, áo dài lại mang một đặc trưng để phù hợp với cuộc sống, nhưng đều tôn lên vẻ duyên dáng, nữ tính của phụ nữ Việt.

Cho đến nay vẫn chưa xác định được thời điểm ra đời chính xác của chiếc áo dài, nhưng phải khẳng định áo dài Việt xuất hiện từ rất lâu. Theo đánh giá cảm quan thì áo dài Việt gần giống sườn xám của Trung Quốc nên có người cho rằng, áo dài là một bản khác của sườn xám. Nhưng sườn xám mới xuất hiện vào khoảng năm 1920 trong khi áo dài đã có cách đây hàng ngàn năm, gắn với những sinh hoạt đời thường như làm ruộng, giã gạo, chăn nuôi gia súc… Hình ảnh chiếc áo dài Việt xuất hiện trên tranh khắc của trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm đã chứng tỏ áo dài là một sản phẩm, nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của người Việt.

Khởi nguồn từ áo giao lãnh, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, áo dài đã có những cách tân, cải tiến để phục vụ nhu cầu ăn mặc, thuận tiện trong lao động cũng như làm đẹp. Đến những năm 1960, áo dài dần được định hình và cách tân không ngừng từ đó tới nay.

1. Áo giao lãnh

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 1
Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 2
Áo giao lãnh là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt. Ảnh: elle

Áo giao lãnh (còn gọi là áo đối lĩnh) chính là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo rộng, xẻ 2 bên hông (2 tà), dài tay, cổ tay may rộng, thân dài chấm gót chân. Thân áo may bằng 4 tấm vải (4 vạt), mặc khoác ngoài yếm lót, phối với váy đen và thắt lưng màu. Áo giao lãnh gần giống áo tứ thân, chỉ khác khi mặc để buông 2 vạt trước chứ không buộc lại trước bụng.

Lịch sử ghi rằng, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài 2 tà giáp vàng, che lọng vàng, cưỡi voi khi ra trận đánh quân Hán. Sau này, vì tôn kính Hai Bà người ta tránh mặc áo 2 tà mà dùng áo tứ thân.

2. Áo dài tứ thân (thế kỷ 17)

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 3
Cô gái Bắc Kỳ với áo tứ thân, nón quai thao, guốc rễ tre. Ảnh: danviet

Theo các nhà khoa học, để tiện hơn trong việc buôn bán hay làm đồng áng, chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành kiểu áo tứ thân với 2 vạt trước rời nhau (có thể buộc lại) còn 2 vạt sau may liền thành một tà áo. Vì là trang phục của tầng lớp bình dân, áo tứ thân thường có màu tối để tiện cho công việc. Người dân thời ấy dùng củ nâu, lá bàng giã nhỏ hay bùn dẻo dưới ao để nhuộm màu tự nhiên cho bộ áo tứ thân.

Được cho là chiếc áo dài mộc mạc, khiêm tốn, áo tứ thân còn mang trong mình ý nghĩa độc đáo, tượng trưng cho 4 bậc sinh thành của 2 vợ chồng. Cùng với chiếc khăn mỏ quạ, bộ tóc vấn đuôi gà và nón quai thao, áo tứ thân giúp người ta gợi nhớ về hình ảnh người phụ nữ tảo tần xưa.

3. Áo ngũ thân

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 4
Trong một gia đình quý tộc, chủ mặc áo ngũ thân, người hầu mặc áo tứ thân (1884-1885). Ảnh: Internet

Đến thời vua Gia Long (1802-1819), áo ngũ thân xuất hiện trên cơ sở áo tứ thân, có thêm một thân nhỏ để tượng trưng cho giai cấp, địa vị của người mặc trong xã hội. Giai cấp quý tộc cao sang, quan lại mặc áo ngũ thân để phân biệt với tầng lớp lao động nghèo.

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 5
Áo ngũ thân. Ảnh: baotangaodaivietnam

Áo ngũ thân có 4 vạt như áo tứ thân, được may liền nhau thành hai tà trước và sau như áo dài. Dưới tà trước là vạt áo thứ 5 giống như mảnh áo lót kín đáo. Áo có cổ và phom rộng, thịnh hành đến đầu thế kỷ 20.

4. Áo dài Le Mur

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 6
Áo dài Le Mur từng bị lên án vì “lai căng” với châu Âu. Ảnh: Internet

Áo dài Lemur được cải biến từ áo ngũ thân và là phiên bản áo dài đương đại đầu tiên của Việt Nam. Kiểu áo dài Le Mur do họa sĩ Cát Tường sáng tạo năm 1939 và được đặt theo tên tiếng Pháp của bà.

Theo kiểu Le Mur, áo dài chỉ còn 2 vạt trước và sau, vạt trước nối dài chấm đất để tạo sự uyển chuyển trong bước đi. Không còn “trung thành” với phom dáng truyền thống, áo dài Le Mur ôm sát đường cong cơ thể tăng thêm vẻ yêu kiều, gợi cảm. Cổ áo dựng đứng, cao từ 1-2cm, tay thẳng, cổ tay hẹp, viền nhỏ.

Đáng chú ý nhất là khuy áo phía trước được dịch chuyển sang chỗ mở áo chạy từ vai xuống một bên sườn nhấn nhá thêmvẻ nữ tính. Trên áo dài kiểu Le Mur xuất hiện nhiều chi tiết Âu hóa như: áo thắt eo, nối vai, tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đinh nơ… mặc với quần ống loe.

Nhưng ngay sau đó, áo dài Le Mur vấp phải sự phản đối từ dư luận vì bị cho là “lai căng”, không đứng đắn. Vì văn hóa Nho giáo, Lễ giáo truyền thống cho rằng phụ nữ không cần làm điệu, làm đẹp mà chỉ cần đảm đang, tháo vát. Trong khi đó, áo Lemur “thắt lưng, bó eo” – “khêu gợi” là điều tối kỵ, trái với “thuần phong mỹ tục”.

Chỉ giới nghệ sĩ phong cách tân thời mới mặc áo dài Le Mur, cho tới năm 1943 thì kiểu áo dài này bị lãng quên.

5. Áo dài Lê Phổ

Từ áo dài Le Mur, họa sĩ Lê Phổ đã cải tiếng và tạo nên áo dài Lê Phổ rất được hoan nghênh trong Hội chợ Nữ Công Đà Nẵng. Lê Phổ đã khéo léo tạo ra một phiên bản áo dài mới là sự kết hợp của áo tứ thân và Le Mur.

Kiểu áo dài Lê Phổ bỏ các điểm nhấn ở cổ áo, tay áo. Vạt áo dài, cổ kín, tay không phồng lên, cài nút bên phải, áo ôm sát thân người, 2 vạt dưới được tự do bay lượn theo mỗi bước đi. Áo dài Lê Phổ may bằng vải màu mặc với quần ống loe màu trắng, được phụ nữ Việt yêu thích và mặc suốt nhiều thời kỳ.

6. Áo dài Raglan (Giắc Lăng)

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 7
Ảnh: baotangaodaivietnam

Áo dài Raglan (gọi là giắc lăng) xuất hiện vào những năm 1960 do nhà may Dung ở phường Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra với điểm khác biệt là cách nối tay raglan vào áo dài. Tay áo được nối từ cổ chéo xuống một góc khoảng 45 độ tới nách. Tà trước và tà sau nối với nhau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông.

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 8
Bản vẽ áo dài với tay raglan. Ảnh: Internet

So với những kiểu áo dài trước, Áo dài Raglan không còn những đường nhăn ở nách và vai, tà áo ôm khít người hơn giúp phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt. Áo mặc cùng quần xéo may bằng vải mềm, được xếp xéo góc khi cắt, hông quần ôm sát người và hai ống dài qua mắt cá chân. Áo dài Raglan đã góp phần định hình phong cách chiếc áo dài Việt ở cả những thiết kế, cách tân sau này.

7. Áo dài bà Nhu

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 9
Bà Trần Lệ Xuân, người khởi xướng phong trào mặc áo dài cổ thuyền. Ảnh: Internet

Năm 1968, áo dài một lần nữa được cải tiến, thay đổi trong thiết kế của bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu. Vì thế áo dài bà Nhu còn gọi là áo dài Trần Lệ Xuân. Bà đã quảng bá áo dài Việt trong hầu hết các cuộc gặp gỡ với người nước ngoài, những buổi tiệc tùng, đi chơi...

Đây là kiểu áo dài hở cổ, bỏ đi phần cổ áo (cách gọi khác là cổ thuyền, cổ khoét) lấy ý tưởng từ kiểu áo tầm vông của phụ nữ Khmer chưa lập gia đình.

Ban đầu, phong cách áo dài này cũng vấp phải sự phản đổi của nhiều người vì đi ngược với truyền thống và thuần phong mỹ tục của xã hội thời đó. Nhưng sau này, áo dài bà Nhu được ca ngợi vì vừa đơn giản, tinh tế, giúp người mặc thoải mái, phù hợp với khí hậu nhiệt đới lại tôn lên được vẻ đẹp truyền thống, hiện đại của người phụ nữ.

8. Áo dài chít eo, áo dài mini

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 10
Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 11
Áo dài chít eo, tôn ngực thịnh hành vào những năm 1960. Ảnh: Life

Kiểu áo dài chít eo, áo dài mini xuất hiện trong 10 năm (1960-1970). Thời gian này, việc sử dụng áo ngực đã phổ biến, đặc biệt với những phụ nữ thành thị. Khi đó, áo dài chít eo rất chặt được ưa chuộng vì giúp phô bày những đường cong cơ thể gợi cảm.

Cuối những năm 1960, áo dài mini rất thịnh hành với nữ sinh Sài Gòn vì sự thoải mái, tiện lợi. Tà áo hẹp và ngắn đến gần đầu gối, áo rộng và không chít eo nhưng vẫn may theo đường cong cơ thể.

9. Áo dài hiện đại (1970 – nay)

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 12
Bộ áo dài tông xám, họa tiết hoa sen vẽ tay tỉ mỉ là món quà Việt Nam gửi tặng bà Michelle Obama - phu nhân Tổng thống Obama. Đây là tác phẩm của NTK Sỹ Hoàng. Ảnh: Vietnamnet

Ngày nay, áo dài có nhiều kiểu dáng, chất liệu khác nhau, từ truyền thống đến phá cách, từ lụa đến voan, gấm… Thậm chí, áo dài còn được biến thành áo cưới, áo tà ngắn để mặc với quần jeans. Nhưng dù biến hóa thế nào, áo dài vẫn giữ được sự duyên dáng, uyển chuyển, hồn cốt của nó, vừa gợi cảm vừa kín đáo mà không trang phục nào mang lại được. Nhà thơ Văn Tiến Lê đã từng ca ngợi: "Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời. Thân sau vạt trước nên lời nước non."

Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 13
Áo dài cách tâm bằng vải gấm. Ảnh: Internet
Áo dài Việt biến đổi thế nào qua các thời kỳ? - 14
Áo dài cách tân vạt ngắn kết hợp với quần jeans. Ảnh: Tinvuila

Thu Thủy

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt