00:14 22/12/2024

Bánh hồng, thức quà quê giản dị của xứ Nẫu

11:30 05/01/2016

Xứ Nẫu (Bình Định) không chỉ nổi tiếng là đất võ Tây Sơn mà còn là quê hương của món bánh hồng dẻo thơm vị nếp mới và ngọt ngào hương dừa. Bánh hồng mộc mạc như con người miền Trung, gói ghém cả tấm lòng và sự hiếu khách để chiêu đãi du khách phương xa bằng những gì ngọt lành nhất.

Hầu như mỗi địa phương trên dải đất Việt đều đều có một thứ quà đặc trưng như: bánh nhãn Nam Định, bánh phu thê Bắc Ninh, bánh cốm Hàng Than (Hà Nội), bánh cu đơ Hà Tĩnh, bánh cáy Thái Bình, bánh tài lồng ệp Quảng Ninh hay bánh hồng Tam Quan (Bình Định)… Bánh hồng Bình Định vừa là thức quà quê giản dị, vừa là đặc sản của xứ dừa, được tạo nên từ tính cách cần mẫn, chăm chỉ và khéo léo của người phụ nữ miền Trung.

Bánh hồng, thức quà quê giản dị của xứ Nẫu - 1
Bánh hồng là thức quà giản dị, mộc mạc nhưng đậm tình đậm nghĩa của người Bình Định. Ảnh: Internet.

Người dân Bình Định, đặc biệt là người phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn không ai không thuộc câu ca dao:

“Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”. 

Có lẽ đối với xứ dừa Tam Quan (Bình Định) thì cây dừa là giống cây hữu dụng nhất đối với cuộc sống của người dân. Gỗ dừa là nguyên liệu để làm nên nhiều đồ gia dụng thân quen, cùi dừa được chế biến thành các` món ăn ngon, trong đó có những thứ đã trở thành đặc sản dù rất dung dị, mộc mạc.

Những người phụ nữ đã khéo léo hòa trộn vị ngọt thơm, bùi béo của cùi dừa để tạo thành những thức quà ngon đặc trưng như bánh phu thê, bánh tráng nước dừa, bánh hồng… Đặc biệt, bánh hồng được coi là đặc sản đơn giản mà tinh tế nhất. Du khách đừng để bị đánh lừa bởi tên gọi “bánh hồng”, vì không có quả hồng nào trong bánh cả. Bánh hồng được tạo thành bởi sự hòa trộn mê hoặc giữa nếp mới dẻo thơm và cơm dừa dậy mùi béo ngậy.

Cũng là bánh hồng, nhưng ở mỗi vùng của tỉnh Bình Định lại cho hương vị khác biệt đôi chút. Trong đó, bánh hồng của phường Tam Quan được đánh giá là đặc biệt và ngon nhất vì làm từ nếp Ngự. Món bánh trông đơn giản, dân giã vậy nhưng đòi hỏi người làm phải cực kỳ khéo léo và nhẫn nại. Mất ít nhất 5 tiếng, người thợ mới cho ra một mẻ bánh khoảng 20kg.

Để có chiếc bánh hồng ngon, ngay từ khâu chọn nguyên liệu đã phải khéo léo và tinh tường. Nếp được chọn thường là nếp Ngự hoặc nếp mới để tăng độ dẻo thơm của bánh. Còn dừa cũng phải chọn dừa tươi mới hái nhằm đảm bảo hương vị ngọt ngào của cùi dừa.

Cách làm bánh hồng gần giống bánh dẻo của người Hà Nội. Gạo nếp vò kỹ, ngâm qua đêm cho ngấm đủ nước rồi xay thành bột nước. Sau đó, bột được ép ráo nhưng không được để quá khô sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Người ta nhồi kỹ bột với đường theo tỉ lệ 1:1 rồi cán thật mịn, thật dẻo. Cuối cùng là lăn thành những cục nhỏ rồi đem luộc chín trong nồi nước sôi.

Công đoạn luộc bột cũng cần sự khéo léo vì sẽ quyết định đến chất lượng của bánh. Người thợ phải canh độ lửa để thả bột vào rồi vớt ra khi miếng bột vừa chín tới. Nếu bột chín quá lửa thì bánh hồng khuấy lâu tới, dễ bị chảy nước. Bột còn sống thì miếng bánh sẽ không mịn mà bị vón cục.

Bột chín sau khi vớt ra được cho ngay vào chảo đường đang thắng sôi sùng sục trên bếp và khuấy đều, đảo nhanh để cục bột tan ra, hòa lẫn cùng nước đường. Đến khi bột tan đều thì hạ lửa liu riu nhưng vẫn phải khuấy để bột không bị quyện. Nếu sờ vào không bị dính tay nghĩa là bột đã tới. Người ta vớt bánh cho vào khuôn rải sẵn bột nếp khô rồi dùng đũa dạt bánh dày khoảng 2-3cm là được. Cuối cùng rải thêm một lớp bột nếp mỏng, ép phẳng và cắt thành những miếng vừa ăn như miếng chè lam.

Bánh hồng dai dai, deo dẻo, thơm mùi nếp, lại giòn giòn, sần sật dậy hương dừa và có vị ngọt vừa miệng khiến ta cứ muốn ăn mãi không thôi. Nhâm nhi miếng bánh cùng tách tà nóng, ta sẽ cảm nhận được sự thanh tao, mộc mạc và hương vị quê hương của bánh hồng.

Bánh hồng, thức quà quê giản dị của xứ Nẫu - 2
Ngày nay bánh hồng được nhuộm màu tự nhiên trông rất bắt mắt. Ảnh: Vtc.

Ban đầu, bánh hồng có màu trong trong của bột nếp đã luộc chín. Dần dà bánh được tạo màu tự nhiên từ lá cây, các loại quả… để tạo nên nhiều màu sắc bắt mắt hơn như màu hồng, xanh, vàng. Bên cạnh đó, bánh hồng cũng được chọn làm vật phẩm trong đám cưới, đám hỏi. Mỗi khi người Bình Định hỏi nhau: “Bao giờ cho tui ăn bánh hồng?” thì đều là lời hỏi han khéo léo: "Bao giờ bạn làm đám cưới?"

Giữa vô vàn các loại bánh, không phải ngẫu nhiên mà bánh hồng lại được chọn để đãi khách khi nhà có tiệc, lễ tết, cưới hỏi. Bởi đây là thứ bánh tượng trưng cho “hồng duyên, hồng phận” cũng như lời gửi gắm và mơ ước về mối tơ duyên quyến quýt, bền chặt và keo sơn của đôi lứa trong ngày cưới.

Thu Thủy

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt