07:32 19/09/2024

Bánh 'vợ chồng'-thức quà đặc biệt của xứ Kinh Bắc

10:27 12/04/2016

Ở làng quan họ Bắc Ninh có một loại bánh đặc biệt cả trong tên gọi lẫn ý nghĩa biểu tượng. Đó là bánh phu thê (nghĩa là vợ chồng) dẻo thơm, ngọt dịu như lời chúc hạnh phúc lứa đôi thủy chung, thắm thiết.

Bánh tiến vua

Bánh 'vợ chồng'-thức quà đặc biệt của xứ Kinh Bắc - 1
Bánh phu thê Đình Bảng, Bắc Ninh. Ảnh: bacninh.gov.vn

Bắc Ninh không chỉ là cái nôi của những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm mà còn chứa đựng những đặc trưng của nền văn hóa Kinh Bắc. Nói đến ẩm thực, không thể bỏ qua món bánh phu thê trứ danh của vùng đế đô này. Xưa kia, loại bánh này chỉ được dành riêng cho bậc vua chúa nên còn được gọi là bánh tiến vua. Ngày nay, bánh phu thê đã trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất quan họ.

Mỗi dịp đi lễ Đền Đô (nơi thờ tự 8 vị vua nhà Lý) du khách sẽ thấy bánh phu thê được bày bán la liệt ở dọc lối vào. Không còn là một món quà quê dân dã, bánh phu thê còn trở thành nét đặc trưng của văn hóa Kinh Bác khi mang trong mình ý nghĩa nhân văn tốt đẹp: sự cầu chúc may mắn và hạnh phúc cho đôi lứa.

Ngon nhất, đẹp mắt nhẫn vẫn là bánh phu thê Đình Bảng. Chiếc bánh vàng óng trong trẻo, dẻo thơm hương nếp, giòn giòn của sợi đu đủ thái mỏng, nhân bở tơi, thơm vị đỗ xanh, vị béo của cùi dừa trắng nõn, hạt sen bùi bùi… Dường như mọi tinh túy của đất trời đều hội tụ, hòa quyện vào nhau dưới bàn tay khéo léo của người dân, dể dậy nên vị thơm riêng có của bánh phu thê.

Bánh 'vợ chồng'-thức quà đặc biệt của xứ Kinh Bắc - 2
Bánh phu thê được gói thành từng cặp, lạt hồng ngụ ý dây tơ hồng se duyên cho đôi trai gái. Ảnh: ngoisao

Bánh phu thê Đình Bảng đã có từ lâu đời. Ông Lê Tạo Lợi (Phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, nghề làm bánh phu thê ở đây đã phát triển hàng trăm năm dưới triều Lý.

Về nguồn gốc ra đời của bánh phu thê cũng có nhiều truyền thuyết khá thú vị. Tương truyền, khi vua Lý Anh Tông (1138 – 1175) xuất chính đánh trận, hoàng hậu vì thương chồng vất vả đã vào bếp tự tay làm bánh gửi cho chồng. Khi ăn thấy ngon, nhà vua đã nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng bao năm gắn bó nên gọi là bánh phu thê. Sau này, cũng có một số người gọi chệch bánh phu thê thành bánh xu xê hay su sê. Vì gọi là phu thê, nên bánh bao giờ cũng được buộc thành đôi, thành cặp để tượng trưng cho tình vợ chồng son sắt, gắn bó.

Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng, trong một lần hội làng (Đền Đô), vua Lý Thánh Tông cùng vợ (Nguyên phi Ỷ Lan) về quê, được thưởng thức bánh su sê – là lễ vật dân làng dâng lên tổ tiên, thánh thần. Nhà vua và Nguyên phi khen bánh ngon. Hiểu được ý nghĩa nhân văn ẩn chứa trong từng chiếc bánh, nhà vua đã truyền rằng, bánh này nên là lễ vật trong ngày kết thành phu thê. Từ đó, bánh cũng được gọi tên là phu thê.

Ngoài ra, còn có một tích truyện khác về một cặp vợ chồng lái buôn. Trước lúc chồng đi buôn tại phương xa, người vợ đã làm bánh tặng chồng và thề ước lòng mình luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh dù ở xa chồng. Người chồng cảm động nên gọi là bánh phu thê. Nhưng khi xa vợ, người chồng lại say đắm một cô gái khác và chẳng muốn về. Biết chuyện, người vợ đã làm bánh gửi chồng cùng lời nhắn: “Từ ngày chàng bước xuống ghe/Sóng bao nhiêu đợt bánh rầu bấy nhiêu”. Nhận được tin, người chồng hối hận liền quay về ngay với vợ. Từ ấy, người ta truyền tai nhau rằng bánh phu thê là biểu tượng linh thiêng và có sức mạnh “hàn gắn” khiến tình vợ chồng ngày càng son sắt, thắm nồng.  

Ấm nồng tĩnh nghĩa vợ chồng

Bánh 'vợ chồng'-thức quà đặc biệt của xứ Kinh Bắc - 3
Bánh phu thê dùng trong cưới hỏi được bọc khác với bánh bình thường. Ảnh: Internet

Từ một sản vật tiến vua, bánh phu thê giờ đây trở thành lễ vật không thể thiếu trong mỗi đám cưới hỏi của người dân Bắc Ninh, thậm chí cả người dân ở vùng lân cận. Theo người dân địa phương, từ “phu thê” nghĩa là “vợ chồng” nên bánh chẳng bao giờ lẻ loi mà luôn đi theo đôi, theo cặp. Dùng trong cưới hỏi, bánh phu thê giống như lời chúc phúc, mong cầu mọi điều tốt đẹp sẽ đến với đôi lứa khi cùng nhau xây dựng tổ ấm mới.

Chiếc bánh phu thê chỉ nhỏ tầm lòng bàn tay nhưng chứa đựng biết bao tâm huyết, thông điệp mà người dân muốn gửi gắm. Nhân bánh tròn nằm gọn trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương, coi trọng sự cân bằng, hài hòa. Bột bánh làm vỏ được dàn mỏng, phủ kín xung quanh phần nhân như sự chở che đầy ân tình của nghĩa phu thê. Bánh đi theo cặp thể hiện sự ân ái, quấn quýt của tình vợ chồng

Thậm chí cặp bánh nhỏ xinh này còn thể hiện được cả triết lý Á Đông một cách tinh tế qua các sắc màu của bánh. Đó là màu trắng bột lọc, cùi dừa; màu vàng dành dành (làm nên màu vỏ bánh) và nhân đỗ, màu xanh lá, màu đỏ của lạt buộc. Tất cả đều ý nhị nhắc đến sự hòa hợp âm – dương, đất trời – con người.

Bánh 'vợ chồng'-thức quà đặc biệt của xứ Kinh Bắc - 4
Bánh phu thê biểu tượng cho cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, thắm nồng. Ảnh: Internet

Đặc biệt, bánh phu thê không “khoe mùi” như bánh khúc, bánh tẻ, bánh rán… Chỉ khi từng lớp lá được bóc ra hết, chiếc bánh mới phô diễn vẻ “quyến rũ” và hương thơm của riêng mình. Bánh bóng mượt, màu vàng trong, để lộ ra lớp nhân bánh cũng mang màu vàng của đỗ, cùng những sợ đu đủ đan xen nhau… đầy hấp dẫn. Có nếm thử mới cảm nhận được vị ngọt dịu, thanh thanh, thơm nhẹ của bánh. Bánh ngọt mà không ngấy, thơm mà không nồng, càng ăn càng “nghiện”. Cũng như nghĩa tình vợ chồng, càng sống lâu với nhau càng cảm nhận được nghĩa nặng, tình sâu, lưu luyến nhau khó rời.

Đặng Huy

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt