Thứ bánh lạ lẫm với thị thành
Bánh coóc mò là đặc sản mộc mạc, bình dị của người Tày. Ảnh: Laodong |
Có người nói coóc mò là “bánh quê” cũng đúng, bởi hầu như đứa trẻ thành phố nào cũng lạ lẫm khi nghe tên bánh và chẳng biết “mặt mũi” coóc mò ra sao. Thứ bánh dân dã, bình dị ấy là thức quà quen thuộc của những đứa trẻ dân tộc Tày sống ở vùng trung du và miền núi phía bắc.
Là đặc sản có từ lâu đời, bánh coóc mò đã theo chân người Tày đến nhiều nơi như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Ở mỗi vùng đất ấy, bánh coóc mò đều để lại dấu ấn nhờ mùi vị đặc trưng riêng, khiến nó quyến rũ đặc biệt với du khách. Ai từng một lần nhìn thấy bánh coóc mò cũng không thể quên hình dáng đặc biệt của nó.
Bánh được làm từ là gạo nếp, không nhân, bọc trong lá dong (hoặc lá chuối), cuốn thành hình chóp nhọn giống chiếc sừng bò. Trong tiếng Tày sừng bò gọi là coóc mò, vì lẽ đó bánh mới có tên gọi lạ lùng, “độc nhất vô nhị” đến thế.
Bánh coóc mò giống chiếc sừng bò, là món quà mọi đứa trẻ vùng cao đều yêu thích. Ảnh: nonnuoccaobang |
Những chiếc bánh coóc mò không to lắm, hình dáng bắt mắt nên bọn trẻ vùng cao rất thích. Phần cũng vì cuộc sống không được đủ đầy và tiện nghi như trẻ em thành thị nên với những đứa trẻ người dân tộc Tày, coóc mò trở thành món quà quý giá, ngon lành của thời thơ ấu.
Bánh coóc mò thường có quanh năm, được bày bán nhiều thành từng chùm, từng cặp trong các dịp chợ phiên. Các bà, các mẹ đi chợ sẽ mua bánh về làm quà cho những đứa nhỏ đang háo hức đợi chờ ở nhà. Đặc biệt, sau mỗi vụ thu hoạch, nhà nhà làm bánh coóc mò, vừa để mừng mùa lúa mới, vừa làm quà khen thưởng cho những đứa nhỏ ngoan, vâng lời, biết phụ giúp gia đình việc nhà, việc đồng áng.
Theo truyền thống, trong ngày đầy tháng hay thôi nôi của trẻ, bất kể mùa nào, người Tày cũng làm bánh coóc mò. Những chiếc bánh nhỏ xinh được đặt tận tay trẻ cùng lời chúc hay ăn, chóng lớn, mạnh khỏe, ngoan ngoãn của ông bà, cha mẹ.
Nói về ý nghĩa của bánh coóc mò, không ai có thể nghĩ rằng chiếc bánh mộc mạc, bình dị ấy lại ẩn chứa nhiều ước mong của con người đến vậy. Bánh vừa là biểu tượng cho ước nguyện về vụ mùa bội thu, vừa là thông điệp về tình đoàn kết, sung túc, luôn sát cánh bên nhau của đồng bào dân tộc vùng cao.
Tinh hoa núi rừng
Coóc mò là loại bánh khéo nịnh người ăn. Ảnh: Kienthuc |
Bánh coóc mò không có nhân nhưng vẫn khéo nịnh người ăn bởi độ dẻo, ngọt, thơm không lẫn được vào đâu của những hạt nếp nương ngon nhất được trồng trên vùng núi cao. Bạn có thể ăn bánh coóc mò đến no mà vẫn không thấy ngán.
Nguyên liệu làm bánh coóc mò được giản tiện hết mức, chỉ cần gạo nếp, lá dong (hoặc lá chuối) và một ít lạc. Quy trình tạo ra chiếc bánh độc đáo này không khó, nhưng cũng yêu cầu sự khéo léo, cẩn thận. Bởi thế, chứa đựng trong từng chiếc bánh không chỉ có giọt sương mai, tinh túy của núi rừng lắng đọng lại mà còn là tình cảm, yêu thương, sự nâng niu của các bà các mẹ được gửi gắm.
Đầu tiên là việc chuẩn bị nguyên liệu. Khác với người Bình Liêu thường dùng lá chít, người Thái Nguyên, Bắc Kạn… hay lấy lá dong, lá chuối để gói bánh. Nên lựa những lá xanh mượt, không rách, không sâu, đem về rửa sạch, để cho ráo nước rồi lau khô. Có nhà cẩn thận còn tự làm lạt gói bánh. Họ dùng thân cây giang, cây mỡ chẻ sao cho đều cho mỏng để lạt vừa dai vừa chắc mà không làm rách bánh.
Gạo nếp được ví như “linh hồn” của bánh coóc mò. Phải là gạo nếp cái hoa vàng hạt tròn đều, trắng, được nhặt sạch thóc và sạn. Lấy nước hứng từ các khe suối trên núi vo gạo thật kỹ đến khi nước vo gạo trong suốt. Tiếp tục ngâm gạo trong vài giờ sẽ giúp hạt gạo mềm, sáng và mẩy hơn. Sau đó vớt gạo ra rá, chờ ráo nước rồi trộn lẫn với lạc sống giã nhỏ, thêm chút muối cho vừa ăn.
Thú vị nhất là công đoạn gói bánh. Những chiếc lá được xé thành miếng vuông vức như khăn tay, cuộn thành hình phễu. Dồn gạo lẫn lạc vào trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho gạo xuống đều hoặc dùng đũa nhỏ chọc để gạo nén chặt. Cẩn thận gấp mép lá và buộc lại bằng lạt.
Bánh ngon hay dở là do cách buộc lạt. Buộc lỏng tay, bánh sẽ hút nước mà thành nhão nhoét, nhạt và không ngon. Buộc chặt quá nếp không nở được, bánh không mịn lại mất độ dẻo, mất mùi thơm đặc trưng và dễ bị sượng.
Gói xong chiếc nào, người ta thả bánh vào chậu nước lạnh và ngâm đến khi mặt nước hết sủi tăm (khoảng1 tiếng) nghĩa là bánh đã ngấm đủ nước. Cách làm này giúp luộc bánh mau chín hơn.
Luộc bánh coóc mò cũng giống như bánh chưng. Xâu bánh thành chùm hoặc để riêng lẻ rồi xếp vào nồi, đổ ngập nước rồi cho lên bếp đun. Chờ độ 2 tiếng bánh sẽ chín.
Bánh coóc mò chấm mật cho những ai thích ăn ngọt. Ảnh: qtv |
Chiếc bánh coóc mò ngon là khi bóc ra, bánh xanh và dền như bánh chưng, vừa rắn vừa dẻo, có hương thơm của nếp lại thoảng mùi thanh khiết đồng quê của lá gói. Cắn miếng bánh, ta cảm nhận được vị thơm, cái dẻo mềm của nếp, càng nhai càng ngậy quyện trong chất bùi béo của lạc đỏ. Miếng bánh trong miêng ngon ngọt cho đến khi trôi tuột xuống cuống họng. Người ưa ngọt có thể chấm bánh với mật hoặc đường kính, sẽ thấy mình ăn bao nhiêu cũng được.
Coóc mò – thứ bánh quê nhỏ xinh là món quà mà đứa con nào cũng ước ao được thưởng thức mỗi dịp xa nhà, mỗi lúc nhớ quê. Chẳng phải cao lương mỹ vị, sức hấp dẫn của coóc mò toát lên từ chính chất nguyên sơ, mộc mạc, bình dị của núi rừng, của những người dân đôn hậu, thật thà. Nếu có dịp đến Võ Nhai (Thái Nguyên), Bắc Kạn, Cao Bằng… đừng quên thưởng thức coóc mò, hẳn bạn sẽ nhớ đến thứ bánh dân dã ấy khi đã chia xa!
Phương Nga
- 7 món bánh lạ của đồng bào vùng cao phía Bắc
- Đặc sản không nên bỏ qua tại đất chè Thái Nguyên
- Thái Nguyên và những điều chưa nhiều người biết