04:11 20/09/2024

Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán

10:10 23/03/2016

Đó là Hà Nội với đặc trưng là những góc phố có mái ngói đỏ tươi, danh thắng, di tích lịch sử nhuốm màu thời gian, ngay cả con người cũng mang màu bàng bạc sương khói của thời đã xa…

Từ ngày 21 - 27/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học) diễn ra triển lãm tranh khắc của họa sĩ Trần Nguyên Đán trong giai đoạn từ 1970 – 2015. Triển lãm do Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội kết hợp với các nhà nghiên cứu nghệ thuật đồ họa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tuyển chọn và đưa ra trưng bày.

Tranh khắc gỗ không phải loại hình nghệ thuật đồ họa duy nhất mà họa sĩ Trần Nguyên Đán theo đuổi nhưng nó là thứ duy nhất ông chuyên tâm trong suốt một đời làm nghệ thuật của mình. Sau gần 50 năm làm nghề, ông đã gặt hái được nhiều thành công ở thể loại tranh khắc gỗ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa: “Nói đến Trần Nguyên Đán là nói đến tranh khắc gỗ và ngược lại, nếu nghiên cứu tranh khắc gỗ Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI thì không thể bỏ qua thành tựu của ông”.

Tranh khắc của họa sĩ Trần Nguyên Đán được chia thành nhiều chuyên đề lớn: Phong cảnh, sinh hoạt nông thôn, lễ hội làng nghề, kiến trúc đình chùa, quan họ…; Hà Nội; Huế; Hội An; Dân tộc thiểu số. Trong số khoảng 100 tác phẩm tranh đồ họa (chủ yếu là tranh khắc gỗ và mộc bản) xuất hiện tại triển lãm, du khách và công chúng yêu Hà Nội sẽ nhanh chóng nhận ra những bức tranh trong chuyên đề Hà Nội nhờ những dáng hình quen thuộc của Thủ đô mà chưa cần nhìn tựa tranh hay tên bản khắc.

Đó là cây cầu Long Biên huyền thoại – chứng nhân lịch sử của người Hà Nội, những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: cột cờ Hà Nội, Văn Miếu, Tháp Rùa, hồ Gươm… hiện lên trong tranh khi gần khi xa, khi mờ khi tỏ, khi là hình ảnh chính, lúc là hình ảnh phụ khiến Hà Nội hiện lên vừa cổ kính, mơ màng, quen mà lạ, xa xăm mà thân thương. Những bức tranh như miền ký ức và tình yêu mê đắm với Hà Nội mà Trần Nguyên Đán đã gửi gắm.

“Xem tranh ông, công chúng có thể nhận ra tấm lòng nhiệt thành với những vẻ đẹp bình dị của quê hương và con người cần lao. Còn đồng nghiệp nhận ra ông ở sự định hình phong cách mộc mạc, trữ tình và thấm đẫm hồn dân tộc.” – nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa chia sẻ.

So về số lượng tranh khắc ở những chuyên đề khác như: Dân tộc miền núi (khoảng hơn 100 tranh), Hội An (60-70 tranh), Huế (trên 30 tranh) thì những tác phẩm thuộc chuyên đề Hà Nội không nhiều, chỉ khoảng 20 bức. Nhưng ngần ấy thôi cũng đủ để công chúng biết đến và nhận ra ông – người nghệ sĩ “vẽ” Hà Nội theo một cách rất riêng, vừa dân gian vừa hiện đại.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán tâm sự: “Quá nhiều người vẽ về Hà Nội, nên tôi chọn vẽ về cảm xúc nhiều nhất, nó nằm trong mạch sáng tác nghệ thuật. Nghệ thuật trong quan niệm của tôi có sự giao hòa giữa cái khách quan và chủ quan. Tôi không “chụp” như chiếc máy ảnh, mà phải vẽ ra được những cái “chế biến” qua lăng kính chủ quan. Nói thô mộc nghệ thuật là “bịa”, nhưng là bịa có tư duy”.

Dù nhận ra hơi thở tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống trong tranh ông, nhưng nhiều người vẫn nhận ra sự khác biệt ở từng nét khắc, in, sự đi nét, các mảng màu, khối màu.

Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 1
Hà Nội trong mắt tôi, 2011. Ảnh tư liệu: Lê Bích.

Hà Nội trong tâm khảm Trần Nguyên Đán vẫn hiện lên với dãy phố có những mái ngói đỏ liêu xiêu, các thiếu nữ Hà thành duyên dáng trong tà áo dài trắng thướt tha trên phố. Hà Nội thấp thoáng bóng Ô Quan Chưởng, chùa Một Cột, hồ Gươm… trong gam màu đất mộc mạc, bình dị và hồn nhiên. Tất cả đều được thể hiện trong tác phẩm “Hà Nội trong mắt tôi” được họa sĩ sáng tác năm 2011.

Đặc biệt, trong chuyên đề về Hà Nội của ông có 2 trong 5 tác phẩm được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (năm 2007), đó là “Nghệ nhân tranh Hàng Trống” và “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội”.

Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 2
Những sắc màu tươi vui trong “Nghệ nhân tranh Hàng Trống”, 1976. Ảnh tư liệu: Lê Bích

Với Trần Nguyên Đán, Hà Nội là tổng hòa của những sắc màu tươi vui, điển hình như trong “Nghệ nhân tranh Hàng Trống”, ta thấy được cả không khí rộn ràng của một làng tranh dân gian truyền thống.

Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 3
Hồ Gươm dấu ấn Hà Nội, 1989. Ảnh tư liệu: Lê Bích

Và trong tác phẩm “Dấu ấn Hà Nội” được sáng tác năm 1989, ông đã "kể" cho người xem hầu hết những công trình kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội. Đó là cầu Long Biên, Lăng Bác, Khuê Văn Các, Tháp Rùa, chợ Đồng Xuân, Nhà Thờ Lớn,… và cả dãy phố cổ trầm mặc. Đặc biệt còn có cả hồ Gươm xanh ngắt nổi bật giữa tranh hút mắt người xem.

Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 4
Hồ Hoàn Kiếm, 1989. Ảnh tư liệu: Lê Bích
Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 5
Đền Ngọc Sơn, 2011. Ảnh tư liệu: Lê Bích
Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 6
Khuê Văn Các, 1968. Ảnh tư liệu: Lê Bích
Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 7
"Thăng Long – Hà Nội" 2003 hiện lên với 2 gam màu đỏ và trắng. Ảnh tư liệu: Lê Bích
Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 8
Những ngôi sao sáng Thăng Long ngàn đời, 1984. Ảnh tư liệu: Lê Bích
Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 9
Chùa Trăm Gian 1985. Ảnh tư liệu: Lê Bích
Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 10
Chùa Tây Phương, 1977. Ảnh tư liệu: Lê Bích
Hà Nội trong mắt họa sĩ Trần Nguyên Đán - 11
Bến Đục chùa Hương, 1994. Ảnh tư liệu: Lê Bích

Hà Nội có khi là màu xanh ngắt đặc trưng của mặt nước hồ Gươm, cũng có khi là gam đen trắng hoài cổ, gợi sự thương nhớ… Trần Nguyên Đán làm tranh dựa từ chất liệu dân gian, đi lên từ dân gian, cách vào đề cũng rất gần gũi, dân gian nên ngay cả những người không có mấy chuyên môn về hội họa cũng có thể dễ dàng cảm thụ tranh ông. Càng ngắm tranh của Trần Nguyên Đán, càng vỡ ra nhiều điều. Để rồi càng xem càng thấy hay, cứ mê mải đắm chìm, suy tư trong dòng cảm xúc của chính mình như quá trình tìm về, khám phá tầng sâu văn hóa dân gian, cội nguồn dân tộc.

Triển lãm "Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại" là triển lãm đầu tiên có sự hiện diện của họa sĩ Trần Nguyên Đán sau 13 năm “ở ẩn”. Khi rời bỏ cương vị Phó giám đốc Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, Trần Nguyên Đán về hưu, tránh xa ánh đèn truyền thông, dốc mình khắc và in để cống hiến cho nghệ thuật tranh khắc. Với mỗi người xem triển lãm, tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán đều để lại những dư âm khác nhau. Nhưng điểm chung nhất là sự thán phục và hâm mộ người họa sĩ già vẫn miệt mài và bền bỉ như chú ong thợ cần mẫn tô điểm cho đời.

Ông quan niệm: “Người họa sĩ phải biết tiếp thu cái hay của dòng tranh đó, chứ không phải đi theo nó. Nếu không, anh rất dễ bị dùng lại, đi lại quá khứ, nghĩa là tự kìm hãm chính mình. Ngày xưa, họa sĩ của các tranh dân gian là tác giả vô danh. Ngày nay, sống ở thời hiện đại, có tên có tuổi thì tôi phải dùng tranh để khẳng định đây là tranh tên tôi chứ không phải tranh khuyết danh. Tôi có thể sống ẩn mình, nhưng không ẩn danh”. Bởi thế, ở tuổi hưu, ông vẫn say mê sáng tác nghệ thuật và tiếp tục cho ra đời những tác phẩm tranh khắc có giá trị.

Minh Phương

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt