03:53 20/09/2024

Hoài niệm Tết xưa Hà Nội

11:30 23/01/2016

Tết xưa Hà Nội là ký ức và kỉ niệm đẹp in đậm trong tâm trí những người Hà thành. Hoài niệm hương vị Tết Hà Nội xưa, triển lãm ảnh “Làng nghề đón Xuân” khai mạc chiều ngày 22/1 tại đình Kim Ngân, (42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tái hiện lại không gian Tết xưa của người Hà Nội với những gam màu ấm áp.

Hoài niệm Tết xưa Hà Nội - 1
Khai mạc triển lãm ảnh "Làng nghề đón Xuân". Ảnh: Minh Phương

Triển lãm ảnh “Làng nghề đón Xuân” do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhiếp ảnh gia Lê Bích tổ chức thực hiện. Đây cũng là sự kiện mở đầu của chuỗi hoạt động “Mừng Đảng, Mừng Xuân Bính Thân 2016”.

Ngay từ cổng đình Kim Ngân - nơi diễn ra triển lãm, là không gian cổ kính gợi chút hồn xưa của Tết Hà Nội với lều tranh viết thư pháp bày la liệt mực tàu, giấy đỏ. Khu vực sân đình và bên trong đình là nơi trưng bày 30 bức ảnh chụp cảnh Tết tại các làng nghề của nhiếp ảnh gia Lê Bích – người luôn tự nhận mình là “phóng viên ảnh tự do”.

Lê Bích chia sẻ, 30 bức ảnh trong triển lãm “Làng nghề đón Xuân” được chụp tại 8 làng nghề truyền thống và là những bức ảnh anh ưng ý nhất, tâm đắc nhất trong 10 năm làm nghề. Bằng những bức ảnh này, Lê Bích muốn “khoe” ra bản sắc riêng và hương vị của Tết Thủ đô mà anh - một người con Hà Nội rất đỗi tự hào, trân quý.

Hoài niệm Tết xưa Hà Nội - 2
Triển lãm quy tụ 30 bức ảnh của phóng viên ảnh tự do Lê Bích. Ảnh: Hoàng Oanh

Tại triển lãm “Làng nghề đón Xuân”, Tết Hà Nội hiện lên rõ nét qua những bức ảnh đầy hồn sắc. Đó là cam Canh bưởi Diễn, giò chả Ước Lễ, đào quất Nhật Tân, hương trầm Cao Thôn, là phố ông Đồ thắm tươi màu giấy đỏ, cặp bánh chưng xanh vuông vức, giấy hồng điều thắm câu đối mừng xuân và đặc biệt không thể thiếu những bức tranh dân gian Hàng Trống, tranh Đông Hồ lấp lánh ánh điệp trên giấy dó…

Hoài niệm Tết xưa Hà Nội - 3
Chị Lăng Bích Thu đang chiêm ngưỡng những tác phẩm trong triển lãm. Ảnh: Minh Phương

Có mặt trong ngày đầu tiên của triển lãm ảnh, chị Lăng Bích Thu (giảng viên khoa Âm nhạc, Đại học Sài Gòn) chia sẻ: “Tôi sống ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm, nhưng mỗi khi Tết đến lại trở về Hà Nội. Tôi rất yêu Tết truyền thống của người Hà Nội, có bánh chưng, dưa hành, thịt mỡ... Hôm nay, khi vừa bước chân vào đây, những kí ức lại ào ạt hiện về khiến tôi rất xúc động. Trong không gian ấm cúng của buổi triển lãm, tôi như cảm nhận rõ hơi thở mùa xuân từ những năm tháng xa xưa”.

Hoài niệm Tết xưa Hà Nội - 4
Hoài niệm Tết xưa Hà Nội - 5
Sự sắp đặt khéo léo tái hiện không gian ấm áp ngày Tết trong các gia đình Hà thành xưa. Ảnh: Minh Phương

Chia sẻ về Tết Hà Nội ngày nay, Lê Bích trở nên ngậm ngùi: “Tôi vừa vui, vừa bồi hồi lại nuối tiếc. Vui vì Tết Hà Nội vẫn rất đầm ấm, chân tình với những câu chào hỏi rôm rả và truyền thống tôn trọng người già. Nuối tiếc vì nhiều giá trị ngày Tết mất đi nhiều quá, nhanh quá”.

Lê Bích giải thích, nếu xưa kia tranh Hàng Trống thường đắt khách vào mỗi dịp Tết thì ngày nay, tranh của Tàu lại được nhiều người mua hơn vì giá rẻ. Tranh Tàu có thể hào nhoáng nên dễ khiến người ta thích thú, nhưng nó không phải của dân tộc mình mà thuộc về văn hóa khác, nên có thể người mua chưa chắc đã hiểu hết ý nghĩa bức tranh truyền tải. Do đó cần có những định hướng, đặc biệt từ lúc bé để người Việt biết yêu những nét đặc trưng và giá trị lấp lánh của văn hóa dân tộc.  

Hoài niệm Tết xưa Hà Nội - 6
Nhiếp ảnh gia Lê Bích chụp ảnh kỷ niệm cùng những người tham dự. Ảnh: Minh Phương

Theo nhiếp ảnh gia Lê Bích, cơ hội được đặt chân đến 7 đất nước càng khiến anh thêm yêu Hà Nội, yêu Việt Nam và cái Tết đậm đà bản sắc nơi đây. Anh tâm sự: “Ban đầu khi ra nước ngoài, tôi thấy có nhiều thứ rất hay và bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng của nó. Nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra những thứ đó không thuộc về mình và mình cũng không thuộc về thế giới đó. Những giá trị truyền thống của dân tộc mình mới là điều dễ khiến tôi yêu đậm sâu, yêu dài lâu hơn cả”.

“Thông điệp tôi muốn gửi gắm là nét tinh hoa văn hóa từ các làng đã kết tinh, lan tỏa và trở thành tinh hoa văn hóa Hà Nội. Tôi muốn nhìn Hà Nội qua lịch sử phát triển từ một ngôi làng cho đến một đô thị lớn để thấy được giá trị của làng. Đó là cái gốc để phát triển, cũng là giá trị tinh hoa của dân tộc”, Lê Bích cho biết.

Xưa kia Hà Nội còn được gọi là “Kẻ Chợ”, nghĩa là “những người của chợ”. Bởi vùng đất này là nơi hội thụ của các làng nghề, hình thành nên trung tâm buôn bán, giao thương ngay trung tâm Hà Nội. Mỗi người đến Hà Nội, mang theo nghề của làng mình, nét văn hóa làng xã mình và Hà Nội đón nhận tất cả. Từ đó, Hà Nội trở thành mảnh đất giàu văn hóa. Nhận định: “Hà Nội là một ngôi làng lớn” của một nhà nghiên cứu về Hà Nội không phải không có lý.

Theo thời gian, nhiều làng nghề truyền thống dần mai một và gần như biến mất, nhưng những người sinh ra, lớn lên, gắn bó với Hà Nội như Lê Bích đều có thể nhận ra sự liên kết của những cặp phố - làng dù không còn mạnh mẽ như xưa. Mỗi một phố nghề ở 36 phố phường tại Hà Nội đều có gốc gác từ làng. Đó là phố Lò Rèn (xưa là phố Hàng Bừa) được tạo nên chủ yếu từ những người thợ rèn làng Xuân Phương, phố Thuốc Bắc chủ yếu là người dân từ làng Nành (Ninh Hiệp xưa), phố Hàng Bạc với những con người ở làng Châu Khê và làng Định Công lên lập nghiệp…

Hoài niệm Tết xưa Hà Nội - 7
Hoài niệm Tết xưa Hà Nội - 8
Những bức ảnh gợi không khí đầm ấm, vui tươi trong ngày Tết của Lê Bích. Ảnh: Hoàng Oanh

Người xem dễ dàng nhận ra điểm chung trong mỗi bức ảnh của Lê Bích là màu hồng điều được lấy làm gam màu chủ đạo. Với Lê Bích, đó là gam màu yêu thích của anh, “là màu của mùa xuân phơi phới. Màu hồng điều dễ khiến người ta liên tưởng tới màu hoa đào, màu của xác pháo đì đùng ngày Tết. Xa hơn nữa, đó còn là màu truyền thống tượng trưng cho sự ấm áp, hi vọng và ước nguyện của con người từ xưa tới nay”.

Triển lãm “Làng nghề đón Xuân” sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng, từ ngày 22/1 đến 22/2 tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội), mở cửa từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều các ngày trong tuần.

Minh Phương

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt