![]() |
Nghệ sĩ Quyền Văn Minh - vị thuyền trưởng đầu tiên của nhạc Jazz Việt |
Đêm nhạc chào “thuyền trưởng” mới
Khán phòng Nhà Hát Lớn (Hà Nội) một ngày cuối tháng 10 tràn ngập giai điệu da diết và những tiếng vỗ tay không ngớt của hàng trăm người hâm mộ. Họ có mặt tại đây trước tiên bởi niềm đam mê với dòng nhạc quý tộc vốn kén người nghe là jazz, sau đó là để ủng hộ và chứng kiến nghệ sĩ Quyền Văn Minh – biểu tượng của làng jazz Việt Nam – trao quyền lèo lái con thuyền jazz cho con trai là nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc.
Nhìn xuống hàng ghế khán giả phủ kín người, trong đó có cả các vị khách nước ngoài, nghệ sĩ Quyền Văn Minh không giấu nổi sự xúc động: “Tôi mừng vì qua nhiều thăng trầm, người chơi jazz ở Việt Nam phải trải qua nhiều hoàn cảnh khó khăn, thì nhạc jazz vẫn không mất đi mà ngày càng có thêm nhiều người Việt yêu thích nó".
Đúng như mục đích đã công bố, đêm diễn “Jazz concert” mang đến hơn 20 tác phẩm gồm những bản nhạc jazz kinh điển và một số sáng tác dựa trên âm nhạc dân gian Việt Nam. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh chỉ biểu diễn ở phần đầu chương trình và gặp lại khán giả ở tác phẩm cuối cùng kết hợp với nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc.
![]() |
Màn trình diễn kết hợp của nghệ sĩ Quyền Văn Minh và con trai Quyền Nhân Đắc |
Toàn bộ không gian âm nhạc sau đó được lấp đầy bởi màn trình diễn ấn tượng của các nghệ sĩ trẻ. Bao gồm cả những người đã thành danh như Hồng Kiên, Bảo Long, Hùng Sơn… hay các “cây kèn nhí” là Tuệ Anh (9 tuổi), Bảo Lâm (11 tuổi) và Minh Phú (13 tuổi). Trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả yêu nhạc cùng các nghệ sĩ gắn bó với jazz, nghệ sĩ Quyền Văn Minh trịnh trọng tuyên bố đã đến lúc ông nên lùi về sau để hỗ trợ lớp nghệ sĩ mớithừa sức trẻ nâng tầm nhạc jazz, nhất là vào thời điểm dòng nhạc này đã có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả Việt.
Với tất cả những kinh nghiệm học tập tại Thụy Điển, Mỹ kết hợp với kinh nghiệm biểu diễn tại Việt Nam, người kế nhiệm Quyền Thiện Đắc sẽ thay cha lèo lái con thuyền nhạc jazz đậu bến. Anh bộc bạch: "Rõ ràng trách nhiệm đang đè nặng lên vai tôi, nhưng dù nặng nề thì tôi vẫn nhận thức rõ sau cùng tôi vẫn làm nhạc jazz, trong đó có cả việc tiếp tục sự nghiệp của bố”.
Huyền thoại sống của làng jazz Việt
Đó chính là cái tên chứa đầy sự ngưỡng mộ và trân trọng mà đại sứ vương quốc Bỉ - Philippe Dartois - dành cho Quyền Văn Minh. Đến với jazz bằng thứ tình yêu sét đánh, sau gần 50 năm, nghệ sĩ Quyền Văn Minh vẫn nỗ lực theo đuổi để đưa nhạc jazz đến gần hơn với công chúng Việt, như ông đã từng trải lòng: “14 tuổi, biết đến nhạc jazz, tôi tự thề với lòng mình phải chơi bằng được loại nhạc này. Tôi đã thực hiện được lời thề đó, từ năm 1968 đến nay”.
![]() |
50 năm gắn bó với nhạc Jazz, nghệ si Quyền Văn Minh được coi là cây đại thụ của làng Jazz Việt |
Có thể nói, cả cuộc đời nghệ sĩ Quyền Văn Minh là dành cho nhạc jazz. Từ một nghệ sĩ guitar, Quyền Văn Minh đã tự học saxophone và tự tích lũy kiến thức âm nhạc để khai phá và tiên phong đưa thứ âm nhạc của người da màu Mỹ về Việt Nam. Ông cũng chính là giảng viên Việt Nam đầu tiên dạy saxophone và đóng góp công sức rất lớn cho sự ra đời của khoa saxophone tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam (năm 1989).
Dốc hết tình yêu cho dòng âm nhạc rất kén người nghe, nhưng điều khiến nghệ sĩ Quyền Văn Minh cảm thấy tự hào nhất không phải là những chuyến lưu diễn hay các giải thưởng mà là sự mở lòng của công chúng Việt. Và Bình Minh Jazz Club – đứa con tinh thần trong 20 năm qua - chính là chiếc cầu nối để ông từng bước thực hiện mong muốn này.
Ý tưởng cho sự ra đời của Bình Minh Jazz Club bắt nguồn từ khi Quyền Văn Minh kết thúc một chuyến lưu diễn tại Pháp năm 1996. Qua 6 lần thay đổi địa điểm và đối mặt với khó khăn tưởng như phải đóng cửa, Bình Minh Jazz Club (tọa lại tại số 1 Tràng Tiền, ngay bên dưới Nhà hát kịch Việt Nam) đã trở thành địa điểm sinh hoạt của các nghệ sĩ nhạc jazz, cũng là địa chỉ chơi live nhạc jazz gần như duy nhất ở Hà Nội.
“Bất cứ đối tượng nào, chỉ cần yêu thích jazz, đều có cơ hội thưởng thức loại nhạc này. Bạn chỉ cần gọi một cốc cà phê hay thậm chí là một chai lavie để nghe thử. Đó cũng là cách để tôi đưa jazz đến gần hơn với công chúng”. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh vui vẻ trả lời khi được hỏi về lý do từ bỏ hợp đồng biểu diễn tại các khách sạn 5 sao để bắt đầu “bình dân hóa” nhạc jazz ở Bình Minh Jazz Club.
Ngoài các buổi biểu diễn, ông cũng phát hành một số album nhạc jazz với các sáng tác theo âm hưởng dân gian. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh chia sẻ rằng nhạc dân gian Việt Nam chơi với jazz đã tạo nên sự cuốn hút khác biệt. Ông muốn dùng nhạc cụ phương Tây kết hợp với jazz để chuyển hóa những giai âm của Việt Nam nhằm khẳng định với bạn bè quốc tế, người Việt Nam dù xuất phát sau nhưng cũng có một mảng âm nhạc riêng có thể chơi thành jazz.
![]() |
Bình Minh Jazz Club được coi là đứa con tinh thần của nghệ sĩ Quyền Văn Minh trong 20 năm qua |
Ông tự hào cho biết, tỉ lệ người Việt nghe jazz hàng tối đã cao hơn rất nhiều. Một số nghệ sĩ nhạc jazz nước ngoài đến Việt Nam làm việc hoặc biểu diễn cũng đến Bình Minh Jazz Club để giao lưu.
“Tây họ thích lắm. Họ đến nghe và còn ở lại xin tôi chữ ký. Nhưng tôi vẫn thích người Việt hơn. Tôi bảo nhân viên là một khách Việt vào quán còn quý hơn 10 khách Tây. Nói thế không phải là tôi phân biệt, nhưng tôi trân quý người mình vì đó là của hiếm”.
Như vậy, với 50 năm cháy cùng jazz, 20 năm miệt mài xã hội hóa nhạc jazz, dù đã có kết quả nhất định nhưng nghệ sĩ Quyền Văn Minh vẫn tự nhận rằng mình đơn độc. Ở tuổi 63, ông gửi gắm lại hi vọng cũng như trách nhiệm cho các thế hệ sau. “Đến câu lạc bộ jazz là đến thăm trái tim tôi. Sau này trước khi nhắm mắt, tôi chỉ hỏi Quyền Thiện Đắc câu này thôi: Bình Minh Jazz Club còn không? Nếu Đắc trả lời còn thì tôi mới nhắm mắt”, nghệ sĩ Quyền Văn Minh khẳng định.
Hoàng Oanh