Nhà hát Lớn Hà Nội được sửa chữa, chỉnh trang và quét lớp sơn mới. Ảnh: VnExpress. |
Từ giữa tháng 7, Nhà hát Lớn Hà Nội đã được chỉnh trang, trong đó có việc sơn mới tường, các thanh sắt. Tiền sửa chữa lần này được lấy từ ngân sách.
Hiện tại, mặt tiền nhà hát được sơn mới bằng màu trắng và vàng tươi. Nhưng nhiều người dân và các kiến trúc sư không chấp nhận diện mạo mới của Nhà hát Lớn Hà Nội vì cho rằng thiếu tính thẩm mỹ.
Nhà hát Lớn Hà Nội với màu sơn mới. Ảnh: VnExpress |
Phản ứng lần này của người dân giống lần tu sửa và sơn mới Bưu điện thành phố Hồ Chính. Thậm chí, Giáo sư Hoàng Đạo Kính (người trực tiếp chịu trách nhiệm việc trùng tu Nhà hát Lớn giai đoạn 1994 - 1997) còn so sánh màu sơn mới với màu cờ báo dịch tả trước đây ở Hà Nội.
Màu sơn vàng nhạt trước đây của Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng |
Màu sơn vàng đậm mang đến diện mạo khác cho Nhà hát Lớn Hà Nội hiện nay. Ảnh: Ngọc Thắng |
Ông Kính cho biết: “Thời Pháp thuộc, các cụ kể, hễ Hà Nội có dịch tả, người ta cắm cờ nheo màu vàng chóe lóe, y hệt màu đang dùng cho mặt Nhà hát Lớn bây giờ. Tôi đã đi qua và thấy việc sơn màu mới như vậy không thể chấp nhận được. Màu sắc mới làm phá nát không gian kiến trúc của di tích lịch sử. Chúng tôi, những người làm trùng tu thời đó còn đây. Vậy mà khi sơn mới không hề được tham vấn ý kiến chuyên môn”.
Cùng ý kiến với GS Hoàng Đạo Kính là ông Đào Ngọc Nghiêm (Nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội): “Làm như thế là không được. Vì trong bảo tồn kiến trúc, giải pháp về màu sắc rất quan trọng”.
Màu sơn mới bị Giáo sư Hoàng Đạo Kính so sánh với màu cờ báo dịch tả ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Ảnh: Giadinhxahoi. |
Theo Cục Di sản (Bộ Văn hóa) việc sơn sửa Nhà hát Lớn chưa hề có giấy phép cũng như chưa nhận được công văn xin phép sơn sửa lại Nhà hát Lớn. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội (VHTT&DL ) cho biết cũng chưa nhận được đề nghị tu sửa Nhà hát Lớn.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn khẳng định việc tu sửa đã được xin phép cơ quan chức năng: “Chúng tôi đang làm, sửa chữa, mặt tiền đang dựng giáo để làm tiếp chứ đã xong đâu. Tất cả bên tôi đều trực thuộc Bộ (Bộ VHTT&DL), tất cả các thủ tục, hồ sơ để làm được đều phải báo cáo Cục Di sản và Bộ”. Thêm vào đó, bà Nguyệt cho biết là định kỳ sơn lại chứ không phải là tu bổ, sữa chữa lớn.
Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, người đã từng phụ trách công tác trùng tu Nhà hát lớn giai đoạn trước đây, chia sẻ: "Khi đã được công nhận là di sản về kiến trúc quốc gia thì việc không hỏi ý kiến các cơ quan quản lý là không đúng theo quy trình, vì ít ra phải có một Hội đồng thông qua”.
Việc sửa chữa, can thiệp một một di sản cần thiết phải tham khảo ý kiến của hội đồng chuyên môn cũng như những người đã từng chịu trách nhiệm trong đợt trùng tu trước đó. Theo GS Hoàng Đạo Kính: "Chúng tôi đang còn ở đây mà các ông làm các ông không có ý kiến gì cả. Tôi là người chủ trì, chịu trách nhiệm đợt trùng tu đó. Nên hỏi ý kiến thì tốt hơn. Nên chọn màu sơn cũ thì hài hòa hơn và cần học hỏi tòa nhà Bưu điện Tp Hồ Chí Minh là người ta làm lại, mình càng nên làm lại".
Nhà hát Lớn Hà Nội nằm trên phố Tràng Tiền, là một trong những công trình nổi bật của Thủ đô, do 2 kiến trúc sư người Pháp (Harlay và Broyer) thiết kế. Công trình được xây dựng từ năm 1901 - 1911 theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris (Pháp), nhưng tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. "Màu nguyên bản của Nhà hát Lớn và tất cả các công trình kiến trúc Pháp ở Việt Nam là màu vàng nhạt, mô phỏng màu đá sa thạch. Ngày trước, kiến trúc pháp thường dùng đá sa thạch để ốp lên các công trình kiến trúc. Sau này đá cạn kiệt, người ta mới dùng màu vàng nhạt, gần giống với màu đá này để sơn lên các công trình kiến trúc" - GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết. |
Tuấn Nghĩa
- Trả về màu sơn gốc cho bưu điện Sài Gòn