08:01 19/09/2024

Măng sặt Tây Bắc: Vị của núi rừng

11:47 29/03/2016

Ra xuân, măng sặt – loài măng riêng có ở Tây Bắc, bắt đầu chồi lên tua tủa sau những cơn mưa rừng và đợt nắng ấm. Những búp măng chỉ to bằng ngón tay nhưng ngọt và thơm lạ kỳ như mang cả hương vị của núi rừng Tây Bắc.

Có dịp lên vùng cao Tây Bắc, du khách mới thấy được hết những gì mà thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất hiểm trở này. Ngoài cảnh quan hùng vĩ, ban sơ và những loài hoa lạ tuyệt đẹp, Tây Bắc còn hấp dẫn du khách nhờ những món đặc sản độc đáo có nguồn gốc từ núi rừng. Một trong số đó là măng sặt.

Sặt là loài cây thuộc họ nhà tre, trúc nhưng thân cây thẳng và nhỏ hơn, mọc khá nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Sơn La, Lào Cai… Cây thường mọc tự nhiên ở những khe suối trong khu rừng rậm. Đối với người dân Tây Bắc, măng sặt từ lâu đã là trở thành món ăn quen thuộc.

Măng sặt Tây Bắc: Vị của núi rừng - 1
Măng sặt chỉ to như ngón tay cái người lớn. Ảnh: diadiemdulich

Những lõi măng đặc mà mềm, trắng nõn, to không quá ngón tay cái người lớn nhưng lại cực kỳ hấp dẫn bởi ít xơ, dư vị ngọt, thơm còn đọng lại nơi cuống họng. Với du khách phương xa, măng sặt là món ăn dễ chế biến và ăn mãi chẳng thấy ngán. Chỉ cần một lần được nếm thử, chắc chắn bạn sẽ chẳng thể quên hương vị thanh khiết đặc trưng như còn tươi nguyên mùi đất rừng ấy của Tây Bắc.

Theo kinh nghiệm của dân bản, ngon nhất là măng non còn tươi, khi chọn mua nên chọn những thân măng màu trắng nõn, không thâm hay sâu. Đặc biệt, măng đúng mùa không có vị hen, rất dễ bóc. Mùa măng sặt cho chất lượng tốt nhất là từ tháng 2 âm lịch.

Khi xuân đến mang theo những cơn mưa rừng cùng nắng ấm thì sặt "tỉnh giấc" sau giấc ngủ dài, bật dậy tua tủa khắp nơi. Những búp măng sặt nuột nà, tươi tắn, tràn căng nhựa sống, nhọn hoắt vươn ra từ đất để đón nắng trời.

Măng sặt Tây Bắc: Vị của núi rừng - 2
Sặt là loài cây thuộc họ nhà tre nhưng nhỏ hơn. Ảnh: Tuoitre

Măng sặt sinh sản nhanh, mọc thành cụm dày. Đặc điểm dễ nhận biết của loài măng này so với những loài măng khác là ngọn chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, nhọn, vỏ bóng, màu xanh pha lam vàng. Chừng tháng 3, tháng 4 âm lịch, măng có thể ăn được, người dân bản địa lại tấp nập đeo gùi lên núi hái măng. Những ngọn măng trồi hẳn lên mặt đất sẽ được xén bằng lưỡi dao sắc nhọn. Còn với ngọn măng non mới nhú chỉ để lộ đầu nhọn qua kẽ nứt thì người ta sẽ dùng dao nhọn khéo léo đào lên để không cứa vào thịt măng.

Măng sặt Tây Bắc: Vị của núi rừng - 3
Măng sặt có vỏ bóng, gốc màu vàng, ngọn màu xanh. Ảnh: Tuoitre

Mùa măng nhanh đến cũng nhanh đi, chỉ trong khoảng 2 tháng nên người dân cũng phải khẩn trương thu hoạch. Vì nếu để lâu, cây măng xanh sẽ mất vị ngọt, mềm và đắng, khó ăn. Măng sặt như chắt chiu những gì tinh túy nhất của đất, trời Tây Bắc nên được nâng niu, trân trọng và là món ngon người dân dùng để thiết đãi khách quý.

Măng sặt quen thuộc đến mức gần như trở thành món ăn không thể thiếu trong những bữa cơm thường ngày của người Tây Bắc từ bao đời nay. Chỉ bằng “thứ rau rừng” dân dã ấy, bà con dân tộc đã chế biến ra nhiều món ngon hấp dẫn khác. Từ măng sặt om xương, măng sặt xào, măng sặt luộc chấm muối vừng hoặc mắm tôm, măng sặt muối chua cay ăn kèm,…

Măng sặt Tây Bắc: Vị của núi rừng - 4
Măng sặt nướng. Ảnh: chorungtaybac

Theo người dân địa phương, ngon nhất vẫn là măng sặt nướng trên bếp than hồng. Bóc từng lớp vỏ cháy xém, chấm với mắm tôm ớt thì không còn gì tuyệt bằng. Măng nướng ăn vừa ngọt và thơm mà vẫn giữ nguyên được vị của măng rừng.

Măng sặt Tây Bắc: Vị của núi rừng - 5
Măng sặt luộc. Ảnh: chorungtaybac

Đơn giản nhất vẫn là món măng luộc, chỉ cần bóc sạch vỏ, rồi cho măng vào luộc khoảng nửa tiếng là có thể thưởng thức. Măng luộc ngon nhờ ở phần nước chấm được pha theo một cách rất đặc biệt. Nước mắm được pha cùng gừng, tỏi, lá mùi tàu, hạt dổi giã nhỏ và đường sẽ giúp tăng thêm vị đậm đà đặc biệt của măng sặt. Đó là hương thơm, vị giòn, ngăm ngăm và ngọt bùi của từng khúc măng được luộc mềm vừa phải.

Măng sặt Tây Bắc: Vị của núi rừng - 6
Măng sặt om xương. Ảnh: Tuoitre

Còn món măng sặt om xương có vị thơm ngon, beo béo của xương sườn, giòn, ngọt bùi đặc trưng của măng. Sau khi bóc vỏ măng sẽ được đập dập, xào cùng sườn lợn trong khoảng 10 phút, sau đó đổ nước xâm xấp, thêm tỏi và cà chua vào ninh trong khoảng một tiếng. Cuối cùng cho thêm hành và mùi để món ăn quyến rũ hơn.

Dù chế biến theo cách nào, măng sặt cũng rất “đưa cơm” và dần trở thành món ăn yêu thích của nhiều người vì cái giòn sần sật nghe vui tai, vị ngọt thanh ở cuống họng cứ khiến ta muốn ăn thêm nữa.

Được xếp vào nhóm rau tươi giàu dinh dưỡng, có hàm lượng vitamin D, A cao hơn nhiều so với rau bình thường nên măng sặt là thực phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe. Trong Đông y, măng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đàm, lợi tiểu tiêu phù và cầm tiêu chảy nên được nhiều người ưa chuộng, kết hợp chế biến món ăn với chữa bệnh. Bởi vậy, người Tây Bắc quý măng sặt như vàng. Măng không chỉ lưu giữ hương vị thanh khiết, trong lành của núi rừng mà còn là vị thuốc hữu dụng.

Thu Thủy

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt