![]() |
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng pha trà cho các vị khách nước ngoài |
Nhật Hoàng thưởng trà Việt
Dù đã có nhiều năm nghiên cứu và truyền bá văn hóa trà Việt Nam tới nhiều nước trên thế giới nhưng buổi trình diễn để lại cho tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất chính là buổi hầu trà cho Đức vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Ngày 3/3/2017, tôi vinh dự được pha trà và dâng trà cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đức vua và Hoàng hậu Nhật Bản trong một tiệc trà đón tiếp.
Dù chỉ kéo dài khoảng 30 phút nhưng bữa tiệc lại khiến tôi cảm thấy vô cùng hồi hộp và căng thẳng. Tôi đã chọn 2 đặc sản trà nổi tiếng của Việt Nam để pha chế cho các vị khách quý. Đó là trà Tân Cương thượng hạng ở vùng trà xanh nổi tiếng nhất của tỉnh Thái Nguyên và trà sen Tây Hồ do chính bàn tay tôi tẩm ướp theo phong cách truyền thống. Hương thơm của trà Việt đã chinh phục Đức Vua, Hoàng Hậu và toàn thể những người tham dự. Các vị khách đã uống cạn những chén trà với vẻ thích thú và liên tục dành tặng những lời khen.
![]() |
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng trong tiệc trà đón tiếp Đức vua và Hoàng hậu Nhật Bản |
Kết thúc tiệc trà, Đức vua và Hoàng hậu Nhật Bản tiến về phía bàn trà của tôi cảm ơn và nhận xét rằng: "Trà ngon quá”! Sự thân thiện cũng như nụ cười ấm áp từ Đức vua và Hoàng hậu như một nguồn năng lượng tích cực lan tỏa đến khắp căn phòng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vui vẻ nói với tôi: “Cháu đúng tên là Sướng, Hoàng Anh Sướng”.
Cơ hội gặp gỡ với những người đứng đầu hai quốc gia đã mang đến cho tôi niềm vui lớn và khiến tôi thêm trân trọng công việc mình đang làm. Chỉ có trà mới mang quốc vương từ nước Nhật xa xôi đến với người dân Việt Nam là tôi một cách gần gũi và thân mật đến như vậy. Thì ra, trà còn mang ý nghĩa như thế. Chén trà nhỏ giống như một chiếc cầu nối gắn kết tình hữu nghị, hòa bình giữa hai quốc gia. Trà cũng là phương tiện thể hiện sự hiếu khách và nét đẹp trong văn hóa của người Việt.
Với tôi, buổi hầu trà Vua Nhật và Hoàng hậu Nhật Bản chính là kỷ niệm đẹp, cũng là niềm tự hào mà một nghệ nhân trà như tôi vinh dự có được.
Trà Việt - Dư vị ngàn năm
Khởi từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa, sương gió tưới tắm, ươm bật thành lộc non, lá nõn cho đến khi thu hái, sao chế, để có được một ấm trà ngon ngồi pha mà nhâm nhi thưởng thức, đó là cả một hành trình dằng dặc mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến được cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng: một chén trà ngon mới thật là viên mãn.
![]() |
Các vị khách nước ngoài thích thú thưởng trà Việt |
Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, trà được xem là nghệ thuật tinh vi nhất. Này nhé, cũng một đồi trà, nhưng trà hướng Đông bao giờ cũng ngon hơn trà hướng Tây. Bởi cây trà hướng Đông đón nhận những tia nắng mặt trời buổi sớm nên phản ứng sinh trưởng khác với cây trà hướng Tây. Lại nữa, cũng một vườn trà nhưng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông là bốn mùa trà với bốn mùa hương vị. Tuyệt hảo nhất là trà “Xuân 1” hay còn gọi là trà “Tiền minh” (trước tiết Thanh minh). Khi cái giá rét của mùa đông vừa qua đi, những tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân vừa ló rạng thì những đọt non cũng bừng nhú trên những cành chè khẳng khiu. Thứ đọt non ấy nếu hái lúc sớm tinh mơ, khi cả đồi chè còn chìm trong sương rồi đem về “sao suốt” trên chảo gang thì hương thơm ngào ngạt như chõ xôi nếp cái, hậu vị ngọt bền vấn vít mãi trong cổ họng như ngậm đường phèn. Các cụ bảo: “Uống một tách trà, đi xa vạn dặm” là vậy. Loại trà ấy, thời xưa, chuyên dùng để tiến vua.
Cùng với Trung Hoa, Nhật Bản, Srilanka và Ấn Độ, Việt Nam chính là quê hương của cây chè trên thế giới. Dấu tích của cây chè hóa thạch đã được tìm thấy ở đất tổ Hùng Vương, Phú Thọ. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, cây chè xuất hiện từ thời đồ đá Sơn Vi cách đây khoảng 10 vạn năm. Cho đến tận ngày nay, Việt Nam vẫn còn những rừng chè cổ thụ bạt ngàn khoảng 40.000 cây tại xã Suối Giàng , huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đó được coi là “kho tàng”, cũng là niềm tự hào của người Việt về trà.
Xuất phát từ lý do trên, người Việt đã có tên trong danh sách những dân tộc biết uống trà sớm nhất thế giới. Cách uống trà của người Việt cũng rất phong phú, từ cách uống cầu kì của các bậc vua chúa thời xưa đến cách uống bình dân của người hiện đại. Việc thưởng trà cũng được nâng lên tầm cao mới và được coi như một môn nghệ thuật, một thứ đạo, được là đạo trà. Người uống trà có thể thưởng thức trong im lặng và đôi khi, im lặng cũng chính là cách để người ta giao tiếp.
Thông qua việc uống trà, người Việt có thể đoán được tâm lý người đối thoại cũng bộc lộ tính cách và học vấn của mình. Nói về nghệ thuật thưởng trà của Việt Nam thì thú uống trà của người Hà Nội là ví dụ tiêu biển. Nếu người dân vùng khác thích uống trà “mộc” (trà không ướp hương) thì nhiều gia đình Hà Nội xưa lại thích uống trà ướp hoa sen, hoa nhài, hoa cúc... Đặc biệt, trà sen là một loại trà quý chỉ dùng để tiếp khách hoặc làm quà biếu. Trà sen dùng thứ trà mạn Hà Giang, mỗi cân ướp từ 1.000 – 1.200 bông sen trồng ở Hồ Tây và phải là bông sen chưa nở để mùi hương đạt mức cao nhất.
Trà sen loại đặc biệt giá lúc nào cũng dao động ở mức 8-10 triệu đồng/kg. Hiện nay, ở Hà Nội chỉ còn khoảng 6 gia đình làm loại trà này.
Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng sinh năm 1973. Anh là truyền nhân đời thứ 6 của dòng trà Trường Xuân. Anh nguyện dành cả cuộc đời đi khắp đất nước và nhiều nơi trên thế giới để truyền bá vẻ đẹp của văn hóa trà Việt Nam, nghệ thuật trà Việt Nam. Với anh, đó cũng là cách truyền bá hạnh phúc, nuôi dưỡng tình thương và xóa bỏ khoảng cách giữa con người với con người qua chén trà.
Hoàng Anh Sướng