01:58 17/09/2024

Ngọt dẻo bánh cáy Thái Bình

10:12 09/05/2016

Làm bằng những nông sản thân thuộc của vùng đất lúa Thái Bình, từ lâu bánh cáy đã là niềm tự hào của dân làng nơi đây. Chẳng thế mà xưa kia chiếc bánh cáy dẻo thơm hương nếp, cay nhẹ mùi gừng còn được dùng làm sản vật tiến vua.

Ngọt dẻo bánh cáy Thái Bình - 1
Bánh cáy làng Nguyễn xưa là sản vật tiến vua. Ảnh: Internet

Nổi tiếng nhất là bánh cáy làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, Thái Bình). Từ thành phố Thái Bình, đi theo quốc lộ 10 độ 10km, rồi rẽ vào quốc lộ 39 tới huyện Đông Hưng, đi một đoạn là đến làng Nguyễn. Không những là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, làng Nguyễn còn được biết đến là quê tổ của loại bánh quê dân dã, dẻo thơm, ngon lành này.

Ngay từ đầu làng, du khách có thể ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của bánh cáy. Đó là hương mứt, hương nha ngọt ngào, gạo nếp thơm lừng quyện vào nhau đưa đẩy theo gió và lan tỏa trong không gian. Dường như chỉ bằng khứu giác, người ta cũng có thể lần tìm được về với đất làng Nguyễn.

Cụ tổ làng nghề từ xa xưa là Bảo mẫu đại vương Nguyễn Thị Tần, con quan Phúc Đình Hầu triều Nguyễn, người trước kia phụng sự vua. Chính cụ đã tạo ra loại bánh cáy này (năm 1725) được làm từ những nông sản quê nhà như lạc, vừng, mứt dừa, mứt bí, gạo nếp… để thiết diện vua. Tương truyền, sau khi ăn thấy lạ, ngon và độc đáo nên nhà vua ban chỉ hàng năm phải dâng loại bánh này lên Vua… Từ đó, làng Nguyễn có thêm sản vật được làm từ nông sản làng quê qua bàn tay khéo léo của người dân.

Ngọt dẻo bánh cáy Thái Bình - 2
Bánh cáy trước có tên là bánh cay. Ảnh: Internet

Cũng có giai thoại mang đậm màu sắc truyền kỳ kể về nguồn gốc sự ra đời và tên gọi của bánh cáy. Chuyện kể rằng, một bà lão quanh năm làm ruộng tự chế biến được một món bánh có tên bánh cay từ gạo nếp, gừng tươi... Bà mang món bánh dâng lên Vua và được ngợi khen, làng Nguyễn từ đó nức tiếng với món bánh cay độc đáo.

Tới một hôm, trong giấc mơ kỳ lạ, bà lão thấy hai mẹ con nhà cáy ôm nhau khóc. Bà liền rẽ biển đi tới theo tiếng gọi của cáy nhưng mãi không đến, cuối cùng cáy run lẩy bẩy và biến mất. Đến lúc lâm chung, bà lão dặn con cháu đưa bà về với biển. Khi xác bà vừa được đưa tới bờ biển thì nước từ từ rẽ ra mở lối đón bà đi. Từ đó, người ta gọi bánh cay là bánh cáy, ngụ ý rằng đây là bánh thần Cáy ban cho dân làng và đất nước.  

Làm từ những nguyên liệu đơn giản, sẵn có, nhưng để làm ra chiếc bánh cáy đúng vị đòi hỏi sự công phu và tỉ mẩn cao của người thợ. Trước đây, bánh cáy được làm thủ công. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, người thợ đã sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại khiến công đoạn nhào trộn, chiên, ép bánh đỡ vất vả hơn nhiều. Nhưng những người thợ bánh tâm huyết ở làng Nguyễn vẫn ngày đêm trăn trở để tìm ra công thức trộn nha để bánh ngọt vừa đủ, không quá nhạt, nấu sao cho bánh vừa chín dẻo, không cháy, không quá mềm hay bị khô, cứng.

Dù bằng cách nào, thì khi về làng Nguyễn, bạn sẽ được chứng kiến quy trình sản xuất bánh cáy công phu, kỹ lưỡng ấy. Đặc biệt, nếu tới một gia đình làm nghề truyền thống, bạn còn cảm nhận được những tâm tư, tình cảm người thợ gói ghém cẩn thận trong từng lát bánh thơm ngon của quê hương.

Để làm bánh cáy, nhất quyết không được thiếu gạo nếp thơm (nếp quýt) lấy ở vùng Tiền Hải, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) bởi chỉ loại nếp ấy mới cho hương thơm đậm đà, đặc trưng, đảm bảo độ dẻo của bánh. Ngoài ra còn có gấc, vừng, lạc, rang giòn rụm, gừng, cà rốt, vỏ quýt, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí dẻo thơm, mạch nha, mỡ phần và cả tinh chất bưởi thơm dịu để tăng sự hấp dẫn của bánh.

Phải mất nửa tháng để làm ra một mẻ bánh hoàn chỉnh. Đó là thời gian để ướp mỡ phần, cơm dừa trong đường cát trắng cho ngấm. Người thợ sẽ chia gạo nếp thành 3 phần: 2 phần nấu xôi và 1 phần rang nổ bỏng.

Phần thứ nhất, gạo nếu được ngâm nước, trộn gấc tạo thành màu đỏ thắm rồi đồ thành xôi. Phần thứ hai, đồ xôi với nức quả dành dành để tạo màu vàng tươi. Hai phần xôi được trộn vào nhau, giã nhuyễn như giã bánh giày, rồi xắt hạt lựu, đem phơi khô. Thành phẩm được gọi là “con cáy”. Phần gạo nếp thứ 3 được dành để làm “nẻ” bằng cách rang trong nồi gang đến khi xòe cánh là được.

Tiếp theo, người ta luộc chín mỡ lợn, thái thành khẩu tẩm trong đường khoảng 15 ngày. Sau đó mỡ được thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt, lấy độ trong, giòn, điều này giúp bánh ngậy, ngon và giữ độ thơm lâu hơn. Lạc, vừng rang chín, xát bỏ vỏ. Cầu kỳ hơn, người thợ còn xào cà rốt với nước đường, nước gừng; vỏ quýt tươi cũng được làm cẩn thận để giữ được mùi vị đặc trưng của bánh cáy.

Sau đó, các nguyên liệu được trộn đều với đường mía rồi chiên vàng trong mỡ lợn hay dầu ăn. Đem nấu mạch nha (ủ từ mầm lúa gạo) trên bếp than đỏ hồng, đảo đều tay cho “con cáy”, hạt nẻ, mỡ phần, cơm dừa, mứt bí, gừng sợi, và hương hoa bưởi đến khi đạt độ kết dính thích hợp. Rồi rắc thêm vừng, lạc đã được rang giòn, thơm lên mặt bánh và ép trong khuôn gỗ nhồi lúc còn nóng. Khuôn gỗ có nhiều loại, hình thù và kích thước tùy nhà sản xuất. Sau cùng mới rắc lên mặt bánh một lớp bột nếp khô để chống dính.

Ngọt dẻo bánh cáy Thái Bình - 3
Bánh cáy kết hợp với trà xanh cho hương vị tuyệt hảo. Ảnh: amthuc.vn

Bánh cáy ngon, chất lượng có độ dẻo, ngọt vừa phải, dậy mùi thơm đặc trưng của gạo nếp, lạc, vừng. Khi ăn, ta sẽ thấy được vị ngọt thanh của đường mía, béo bùi, ngọt đượm của lạc, mạch nha, một chút cay nồng của gừng tươi, chất sần sật, giòn tan của cơm dừa, lạc, vừng hay deo dẻo gạo nếp rang đan xen, hòa quyện với nhau. Thưởng thức bánh cáy kèm tách trà nóng lại càng đúng kiểu. Vị cay nóng của gừng cùng vị trà ấm sẽ khiến bạn thấy ấm lòng.

Ngày nay, bánh cáy vẫn là một trong những thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp Tết đến. Ngày sum họp, bên đĩa bánh cáy dẻo thơm đặc trưng, nồng nàn và ấm trà xanh thơm ngát càng khiến mỗi thành viên cảm nhận được hương vị gia đình ấm êm, thân thương. Bánh cáy như kết tinh của trời đất, của quê lúa và nghĩa tình của người dân Thái Bình. Phong bánh mộc mạc ấy đã theo chân những người con Thái Bình đi muôn nơi và trở thành thứ quà quê trân quý.

Thu Thủy

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt