03:37 20/09/2024

Người 'đưa' văn hóa Việt vào tranh khắc gỗ

10:44 17/03/2016

Trong địa hạt tranh khắc gỗ Việt Nam, Trần Nguyên Đán là cái tên đặc biệt. Gần 50 năm làm nghệ thuật, ông luôn tâm niệm: “Không phấn đấu để sang, mà đi theo con đường nghệ thuật mình đã lựa chọn cho dù ngoài đời là số ít”.

Giữ lại quá khứ vàng son

Người 'đưa' văn hóa Việt vào tranh khắc gỗ - 1
Bức “Chăm học chăm làm” của họa sĩ Trần Nguyên Đán. Ảnh: Lê Bích

Trong các chất liệu sáng tác đồ họa truyền thống của Việt Nam, tranh khắc gỗ là chất liệu xa xỉ và kén người làm. Bởi thế, rất ít người dày công theo đuổi đam mê đến tận cùng và tạo được thương hiệu của riêng mình trong nghiệp tranh khắc. Một số tên tuổi có thể kể đến như: họa sĩ Trần Nguyên Đán, Đỗ Đức, Mai Khanh, Nguyễn Nghĩa Duyện, Trần Tuyết Mai...

Ở lĩnh vực tranh khắc gỗ, Trần Nguyên Đán được biết đến là họa sĩ có những đóng góp quan trọng trong việc “nối bờ” truyền thống đến hiện đại. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông được biết đến như: “Chăm học chăm làm”, “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Nghệ nhân tranh phố Hàng Trống Hà Nội”, “Trở lại Tam Bạc”, “Thăng Long, Đông Đô , Hà Nội”...

Người 'đưa' văn hóa Việt vào tranh khắc gỗ - 2
Chân dung họa sĩ Trần Nguyên Đán. Ảnh: Lê Bích

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa nhận xét: “Họa sĩ Trần Nguyên Đán là một gương mặt đặc biệt trong làng Mỹ thuật Việt Nam bởi ông chuyên tâm gần như triệt để vào một chất liệu duy nhất: tranh khắc gỗ. Cả một đời nghệ thuật đến nay đúng nửa thế kỷ trôi qua, mặc những ai ai “thử sức” hay “mở rộng” ra các chất liệu khác, ông chỉ chuyên chú đến mức đắm say vào tranh khắc gỗ mà thôi”.

Tranh ông đáng chú ý ở chỗ: bao giờ cũng nổi bật tinh thần dân tộc Việt từ bố cục, mảng đậm nhạt đến đường nét, màu sắc… thậm chí cả cái duyên dáng làm điệu cũng có hồn dân tộc.

Người 'đưa' văn hóa Việt vào tranh khắc gỗ - 3
Bức tranh khắc gỗ này có tên là "Cấy". Ảnh: Lê Bích.

Có thể nói rằng, từ những năm 1980 họa sĩ Trần Nguyên Đán đã có được một vị thế độc lập trong phong cách sáng tạo nghệ thuật – nét khắc từ truyền thống đến hiện đại. Miệt mài hơn 50 năm theo đuổi sự nghiệp, Trần Nguyên Đán đã tạo nên một gia tài đồ sộ những tác phẩm nghệ thuật đồ họa, khắc gỗ đã trở thành báu vật của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Phong cách nghệ thuật mà ông kiên trì theo đuổi này cũng được chọn làm tên cho buổi triển lãm sẽ được tổ chứ từ 21 – 27/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). Du khách và công chúng yêu thích, muốn tìm hiểu về dòng tranh này sẽ có cơ hội được tham quan, chiêm ngưỡng khoảng 100 tác phẩm tranh đồ họa, chủ yếu là tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán. Đó đều là những tác phẩm được Trần Nguyên Đán sáng tác từ năm 1970 đến 2015 và dày công lưu giữ, trải qua nhiều năm tháng cùng với những biến cố, thăng trầm của lịch sử đất nước cũng như cuộc sống riêng của người nghệ sĩ, trong đó có cả bản khắc đi kèm. 

Người 'đưa' văn hóa Việt vào tranh khắc gỗ - 4
"Người bán tò he Hội An" trong tranh của Trần Nguyên Đán. Ảnh: Lê Bích

Dưới con mắt nhà nghề, người ta có thể nhanh chóng nhận ra sự kế thừa của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ trong tác phẩm của Trần Nguyên Đán. Nhưng dưới những góc độ soi chiếu của nghệ thuật, người ta cũng thấy sự tài hoa của họa sĩ Trần Nguyên Đán trong việc in tách các màu tương phản, bố cục đồng hiện, phức tạp, nhiều nét khắc tinh tế, tạo nên sự đan kết giữa truyền thống và hiện đại.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng từng nhận xét: "Tranh của họa sỹ Trần Nguyên Đán luôn gợi một cách không rõ ràng về một truyền thống nghệ thuật từ quá khứ. Nó làm ta nhớ đến bản in kinh phật hay những bản khắc vui tươi của dòng tranh Đông Hồ nhưng nó có cái vẻ riêng của bút pháp hiện đại với tính súc tích và đa dạng của đường nét".

Và những người thổi lửa đam mê

Họa sĩ Trần Nguyên Đán vẽ nhiều, nhưng ông không có ý định giữ các tác phẩm làm tài sản riêng. Thay vào đó, ông muốn trao gửi nó vào tay nhà sưu tập, bảo tàng nghệ thuật trong và ngoài nước để tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật đồ họa tranh khắc gỗ Việt Nam.

Vừa là duyên trời, vừa là kết quả của một quá trình “theo đuổi” vì cảm mến tài năng cũng như khát khao được giới thiệu đến công chúng và du khách tới Hà Nội, cuối cùng nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã may mắn được họa sĩ quyết định trao gửi bộ sưu tập tranh khắc gỗ quý giá đó.

Người 'đưa' văn hóa Việt vào tranh khắc gỗ - 5
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chẳng hiểu nguyên cớ gì khiến người phụ nữ mạnh mẽ, không thích làm điệu ấy lại “mê mệt” trước những tác phẩm nghệ thuật trông thì thô mộc nhưng lại ẩn chứa nhiều xúc cảm và mô tả chân thực nhất “hồn dân gian” Việt Nam. Từ sau năm 2007, khi họa sĩ Trần Nguyên Đán nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, nhà sưu tập Thu Hòa đã kiên trì thuyến phục họa sĩ đem những “đứa con tinh thần” của mình ra để công chúng có cơ hội thưởng lãm. Mãi đến cuối năm 2015, sự “theo đuổi” này mới thành công.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán cho biết, lúc đầu khi được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đề nghị làm triển lãm, ông cũng ngại, không muốn xuất hiện. Tuy vậy, vì sự nhiệt tình của nhà sưu tập, họa sĩ đã đồng ý và sẽ xuất hiện tại sự kiện sắp tới, cũng là dịp đánh dấu sự nghiệp hội họa ở tuổi 75 của mình.

Trước khi nghỉ hưu, họa sĩ Trần Nguyên Đán cũng đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Huế, TP.HCM,… Kể từ đó tới nay, đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng và giới mỹ thuật qua triển lãm “Nét khắc từ truyền thống tới hiện đại”. 

Chia sẻ về niềm vui, đam mê của mình với dòng tranh truyền thống này, nhà sưu tập Thu Hòa nói: “Tôi cảm thấy tự hào khi đã sưu tập được hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán. Đây là họa sĩ có nhiều tác phẩm như cây cầu nối truyền thống với hiện đại. Đây cũng là họa sĩ đầu tiên tôi sưu tập được tác phẩm một cách hệ thống, từ những tác phẩm đầu tay khi họa sĩ còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới những  áng tác gần đây của ông”.

Chị Hòa cũng mong muốn khi triển lãm mở cửa, sẽ tạo nguồn cảm hứng cho nhiều nhà sưu tập đi theo từng họa sĩ và hình thành những bộ sưu tập trọn đời. Bởi ở Việt Nam, nhiều họa sĩ hiện nay không muốn hoặc không có điều kiện để giữ lại những tác phẩm làm nên dấu ấn, thương hiệu và phong cách của mình. Do vậy, cần thêm nhiều nhà sưu tập để gìn giữ những di sản hội họa, qua đó có thể giới thiệu tới công chúng những gương mặt ấn tượng với các tác phẩm giàu giá trị và tính nhân văn.

Triển lãm "Từ nét khắc truyền thống đến hiện đại" là triển lãm thứ 2 do Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội đứng ra tổ chức, sau triển lãm “Nét xuân 2016 - Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam” hồi tháng 1 vừa qua.

 

Minh Phương

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt