04:03 20/09/2024

Nhớ câu hát ả đào phố Hàng Giấy

08:23 10/02/2016

Hàng Giấy xưa kia đây là nơi buôn bán các loại giấy (giấy sắc, giấy bổi, giấy bản…) và còn được biết đến là phố ả đào nổi tiếng của Hà Nội. Đất Thăng Long nghìn năm văn hiến chính là nơi nuôi dưỡng, xuất xứ của nghệ thuật hát ả đào (ca trù) và khiến loại hình nghệ thuật dân gian này được thăng hoa.

Diện mạo phố nghề xưa

Xưa kia, phố Hàng Giấy là một đường đê cũ từ góc đông bắc thành phố đi xuống, phân chia 2 thôn Huyền Thiên (bên phía đông) với thôn Tân Khai (đằng phía tây). Được xây dựng trên nền đất thuộc phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, phố Hàng Giấy là nơi buôn bán các loại giấy như: giấy sắc, giấy tàu bạch, giấy bản, giấy lệnh, giấy quyến, giấy moi, giấy bổi... do các thợ nghề của làng Cót, làng Bưởi làm ra.

Nhớ câu hát ả đào phố Hàng Giấy - 1
Một số loại giấy được bày bán ở phố Hàng Giấy xưa kia. Ảnh: vanhien

Phố Hàng Giấy dưới thời Pháp thuộc được gọi là Rue du Papier (dịch theo nghĩa đen) và sau năm 1945, chính quyền thành phố lại đổi tên phố về với “phố Hàng Giấy” theo cách gọi của người Việt.

Thời kỳ trước năm 1915, phố Hàng Giấy còn chưa có vỉa hè, mặt đường trải bằng gạch vụn, cảnh quan vắng vẻ, hẻo lánh đa số vẫn là nhà lá và nhà tường gạch lợp tôn chứ chưa có nhà lợp ngói. Khi này, phố Hàng Giấy chỉ có mấy hàng xén nhỏ, những quán dưa cà lụp xụp và vài cửa hiệu thầy lang bắt mạch bốc thuốc. Vào những ngày chợ phiên ở Đồng Xuân mở cửa, người dân làng Bưởi, làng Cót mới đem giấy bày bán ở hai bên đường, khu vực gần ngã tư Hàng Khoai.

Hơn 10 năm sau (khoảng từ năm 1925), diện mạo phố Hàng Giấy thay đổi đáng kể khi xuất hiện một số nhà buôn giàu có và cho xây dựng những ngôi nhà kiểu Tây rộng, có gác cao.

Nhớ câu hát ả đào phố Hàng Giấy - 2
Quang cảnh Đồng Xuân nhìn từ phố Hàng Giấy năm 1904. Ảnh: vanhien

Trong thời gian chiến tranh, địch đã bắn pháo, ném bom khiến nhiều ngôi nhà trong phố Hàng Giấy bị phá hủy. Đến thời kỳ Pháp tạm chiếm (1948-1954), những ngôi nhà bị tàn phá mới được xây dựng lại. Theo thời gian và thế cuộc, phố Hàng Giấy biến thành nơi tập trung nhiều cửa hàng tạp hóa. Duy nhất Hiệu Ích Ký, số 58 Hàng Giấy của gia đình công chức tòa Đốc lý họ Phạm còn “giữ nghề”. Ngoài bán giấy, Hiệu Ích Ký còn bày bán sách tây, mở nhà in sách, nhà xuất bản. Nhờ có Hiệu Ích Ký mà lúc đó, các truyện cổ như Phạm Công, Nữ tú tài, Phan Trần… được in bằng chữ quốc ngữ mới phổ biến trong dân gian.

Ngày nay, phố Hàng Giấy nằm trên địa bàn phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Phố dài 208m, đầu phía bắc giao cắt với phố Hàng Đậu, đầu phía nam giáp phố Hàng Khoai và nối tiếp phố Đồng Xuân, đoạn giữa cắt phố Gầm Cầu.

Hiện tại, giấy không còn là mặt hàng phổ biến, chiếm ưu thế được bày bán trên phố Hàng Giấy. Thay vào đó là những trụ sở ngân hàng, cửa hàng thời trang, giày dép, balo, túi xách, điện thoại… mọc lên như nấm. Nhưng dẫu vậy, “Hàng Giấy” vẫn là cái tên gợi nên trong lòng người một phố nghề xưa trong 36 phố phường của đất Kẻ Chợ, của Thăng Long – Hà Nội. Không những thế, tên tuổi của phố hàng này còn gắn với thú vui hát ả đào tao nhã của các vương tôn công tử.

“Phố ả đào cổ nhất của Hà Nội”

Trong cuốn “Chuyện cũ Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài đã cho rằng, phố Hàng Giấy là phố ả đào cổ nhất của Hà Nội. Từng có rất nhiều nhà hát ả đào (gọi là cô đầu) ở phố Hàng Giấy cho đến đầu thế kỷ 20, các nhà hát ả đào dạt ra các phố Khâm Thiên, Ngã Tư Sở.

Ngày nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao: “Trải qua Hàng Giấy dần dần/ cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa” khi nói về không khí sinh hoạt, biểu diễn hát ả đào sôi nổi của đất Thăng Long xưa.

Nhớ câu hát ả đào phố Hàng Giấy - 3
Một buổi biểu diễn hát ả đào ngày nay. Ảnh: Internet

Hát ả đào (hay ca trù) là một thể loại nhạc dân gian tồn tại cách đây ít nhất 700 năm (có tài liệu viết rằng hơn 1000 năm), thịnh hành từ thế kỷ 15, khi đó chỉ dành cho tầng lớp quý tộc, trí thức thưởng thức. Quy định hát ả đào rất nghiêm ngặt về số câu, số chữ, lời văn, quy định về đối ngẫu…

Từ một loại hình âm nhạc dân gian, hát ả đào được các bậc quân vương, nhà khoa bảng giỏi âm luật kê cứu, bổ sung, nâng cao thành giá trị mới, mang tính tư tưởng, thẩm mỹ đạt tầm triết học của Nhã nhạc cung đình.

Một buổi biểu diễn hát ả đào thành công là phải tạo được sự phối hợp nhịp nhàng của một số nhạc cụ dân tộc với lời ca tiếng hát. Vì thế đây được coi là bộ môn nghệ thuật truyền thống, khởi nguồn ở phía Bắc Việt Nam, là đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc. Với những đặc trưng riêng biệt đó, có thể khẳng định hát ả đào là môn nghệ thuật sang trọng, tao nhã, kén người nghe và kén luôn cả người biểu diễn.

Nhớ câu hát ả đào phố Hàng Giấy - 4
Các đào nương biểu diễn hát ả đào. Ảnh: Internet

Ban đầu, “ả đào” là từ dùng để chỉ những người con gái làm nghề hát xướng, thường được biết đến là “đào nương” hay “đào hát”. Còn “ca trù” là tên gọi phiếm chỉ để nói về nghệ thuật hát ả đào theo lối triết tự. Nếu bóc tách ra thì “ca” là “hát”, “trù” là “thẻ tre”. Đào hát khi biểu diễn hay dùng thanh tre làm phách, người nghe sẽ dùng thẻ tre ghi chữ đánh dấu, dùng thay tiền để thưởng cho các đào hát nếu thấy hay. Sau buổi biểu diễn, số lượng thẻ tre sẽ được quy đổi ra tiền mặt, ví dụ quy định mỗi thẻ 1 tiền, thì 60 thẻ được lĩnh một quan tiền.

Từ thủa sơ khai, hát ả đào đã được dùng vào loại hát thờ thần (gọi là hát “cửa đình”). Những làng nghề hát cửa đình nổi tiếng như Thanh Thần, Lỗ Khê, Kim Bảng, Phú Mỹ. Dịp lễ hội, khi các quan viên đang tế lễ trong đình, đền thì ngoài cửa đình luôn tưng bừng điệu múa câu hát của các phường hát ả đào. Hoặc khi nông nhàn, các đào kép lại khăn gói rủ nhau, hoặc có làng về tận nơi mời đi hát thờ.

Nói về lịch sử đáng tự hào của nghệ thuật hát ả đào, có một giai thoại về đào hát đã dùng tiếng hát của mình để giết quân xâm lược. Chuyện rằng, huyện Ân Thi (Hưng Yên ngày nay) hồi đầu thế kỷ 15 có một đào hát họ Đào nổi tiếng mở quán hát và quán rượu. Khi giặc Minh vào quán, bà hát cho chúng nghe và chuốc rượu độc khiến giặc gục ngã hàng loạt. Bà được vua khen thưởng vì đã lập công lớn và khi mất được lập đền thờ, phong làm phúc thần.

Nhớ câu hát ả đào phố Hàng Giấy - 5
Hát ả đào là loại hình âm nhạc dân gian kén người nghe và người biểu diễn. Ảnh: Internet

Nghệ thuật hát ả đào có sức mê hoặc lạ kỳ với nhiều nhà thơ, nhà văn. Trong thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, hát ả đào gần như đã đạt tới mức độ hoàn chỉnh khi các nhà nho lừng danh đã sáng tác những bài thơ nổi tiếng dành riêng cho các đào hát. Từ đó, thể loại nhạc – thơ này trở nên hấp dẫn người nghe vô cùng. Đó là  “Ngày tháng thanh nhàn”, “Kiếp nhân sinh”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, “Trần ai ai dễ biết ai”... của Nguyễn Công Trứ; “Hơn nhau một chữ thì”, “Phận hồng nhan có mong manh”, “Nhân sinh thấm thoắt” của Cao Bá Quát; “Hỏi phỗng đá”, “Duyên nợ” của Nguyễn Khuyến, “Gặp đào Hồng đào Tuyết”, “Hương Sơn phong cảnh” của Dương Khuê; “Xuân tình”, “Chưa say” của Nguyễn Khắc Hiếu…

Căn cứ vào nội dung và thể thơ mà các đào nương lựa chọn lối hát ả đào phù hợp. Cụ thể là hát chơi với những điệu như: Mưỡu, Hát nói, Tỳ bà, Ngâm vọng, Sẩm cô đầu...; hát cửa đình với các làn: Dâng hương, Thét nhạc, Giáo trống, Giáo hương... hay những điệu hát thi cùng sự hòa âm của 3 loại nhạc khí là phách, đàn và trống.

Có sách sử còn ghi rằng, nghề hát ả đào có xuất xứ từ kinh thành Thăng Long, nơi có nhiều bậc vương tôn công tử, khách phong lưu. Và hát ả đào là một trong những món ăn tinh thần phong phú của bậc vương giả, trí thức. Kinh thành cũng là “đất màu” khiến cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này được thăng hoa, phát triển rực rỡ và làm đắm say lòng người vì hội tụ những con người hào hoa, những nữ ca, nhạc công tài năng.

Minh Phương

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt