08:01 19/09/2024

Những đặc sản nổi tiếng của quê hương Trần Lập

11:16 22/03/2016

Nam Định – quê hương của ca sĩ Trần Lập không chỉ nổi tiếng với phở bò hay giò lụa mà còn có nhiều đặc sản truyền thống dân giã và hấp dẫn khác.

1. Bánh gai Bà Thi

Những đặc sản nổi tiếng của quê hương Trần Lập - 1
Bánh gai Bà Thi nổi tiếng từ xa xưa. Ảnh: Internet

Nhắc đến Nam Định thì không thể không nhắc tới bánh gai Bà Thi nổi tiếng từ xa xưa và ngày nay vẫn lưu giữ được hương vị truyền thống. Chẳng ai biết bánh gai Bà Thi có từ bao giờ, chỉ biết rằng bà Thi vốn là người Sài Gòn, khi đất nước giải phóng, bà trở lại Thành Nam mang theo công thức làm bánh gai từ Sài Gòn ra. Bà Thi không trực tiếp làm bánh gai mà truyền công thức cho người quen cũ rồi nhận bánh ở đây đi bán trên đường Trần Hưng Đạo. Với gương mặt phúc hậu và cách tiếp khách niềm nở, ân cần, bà Thi đã lấy được thiện cảm của thực khách và từ đó thương hiệu bánh gai Bà Thi ra đời.

Để làm ra được món bánh gai tuyệt vời ấy, người ta phải đặt mua lá gai từ tháng 3 hoặc tháng 4 và phải là lá gai ở Trực Ninh, Xuân Trường vì lá gai ở đây ít chát, có độ ngậy và thơm. Nếp cũng phải chọn nếp hương hoặc nếp tháng 3, đem xay mịn rồi trộn với bột lá gai nguyên chất, bột nếp hương kèm đường vàng để làm vỏ bánh. Phần nhân được làm từ những hạt đậu xanh đều nhau, không bị sâu rồi đem ngâm nước ấm, đãi sạch vỏ và đồ chín. Sau đó nhân đỗ xanh được trộn cùng hạt sen nguyên, cùi dừa nạo nhỏ đem xào với đường kính trắng. Cuối cùng là vừng trắng đãi sạch vỏ  rang lên thật thơm. Điều đặc biệt làm lên sức hấp dẫn của bánh gai là bánh được gói bằng lá chuối ngự khô nhưng mềm, có độ dai vừa phải nên nhìn rất đẹp mắt. Sau khi gói xong, bánh sẽ được hấp từ 2,5 - 3 giờ rồi ủ vào thùng giữ nhiệt để bánh được ấm nóng, thơm ngon.

Nếu một lần dừng chân tại quê hương ca sĩ Trần Lập – Nam Định, du khách đừng quên mua về cho gia đình, người thân và bạn bè món quà quê bình dị nhưng vô cùng tuyệt vời này.

2. Bánh nhãn Hải Hậu

Những đặc sản nổi tiếng của quê hương Trần Lập - 2
Ảnh: Internet

Bánh nhãn Hải Hậu là món đặc sản dân dã của người dân Nam Định. Tên gọi này không phải là do bánh làm từ nhãn tươi mà có nguồn gốc từ dân gian, bởi bánh có hình thù tròn tròn, nho nhỏ, vàng tươi như quả nhãn. Đồng thời, người ta cũng muốn nâng tầm chất lượng của món bánh này nên gọi nó bằng tên một loại quả quý đã từng được tiến vua.

Bánh nhãn có nguồn gốc từ làng Đông Cường, xã Quần Phương Hạ, gần với khu phố Đông Biên, thị trấn Yên Định (Hải Hậu). Bánh được làm từ những nguyên liệu truyền thống sẵn có như gạo nếp Hải Hậu thơm ngon, trứng gà, đường phèn... Nhưng để làm ra được những chiếc bánh nhãn tròn ngon đó thì cần phải chú trọng đến khâu lựa chọn nguyên liệu kết hợp với sự tỉ mỉ, khéo tay của những người sản xuất. Bột nếp phải xay mịn thì bánh mới đẹp và không được trộn với bất kỳ loại bột nào khác hay pha thêm nước, nếu không bánh sẽ nứt và cháy gây mất thẩm mĩ. Người làm bánh phải nặn từng viên nhỏ, đều tay và chiên vừa lửa và khi bánh đã chín thấu, vớt bánh ra để khô, nguội rồi mới cho đảo đều với nước đường đã được đun sánh lại. Vậy là một mẻ bánh đã hoàn thành, mang tới hương vị ngon, ngọt, dịu dàng.

3. Giò lụa Nam Định

Những đặc sản nổi tiếng của quê hương Trần Lập - 3
Giò lụa Nam Định là thứ đặc sản nổi tiếng, vang danh khắp Việt Nam. Ảnh: Internet

Giò lụa Nam Định là đặc sản nổi tiếng và là món ăn khiến du khách không thể nào quên. Để làm món giò luạ chất lượng, người ta phải chọn những con lợn chắc thịt và được nuôi hoàn toàn bằng cám, gạo, ngô.

Công đoạn để làm ra món giò lụa nổi tiếng tuy đơn giản nhưng lại cần sự tỉ mỉ, tập trung và khéo léo. Phần thị nạc mông hoặc thăn không rửa nước mà được lọc bỏ hết mỡ, gân, xơ, thái vuông quân cờ cho vào cối đá giã, mỗi mẻ 400­ - 500g, giã thật đều tay bằng hai chày liên tục. Khi giò gần được thì thêm nước mắm cá thu, hạt tiêu và hòa quyện lại cho thật nhuyễn. Để gói giò, người ta dùng lá chuối bánh tẻ tươi, sau đó luộc sao cho vừa đủ chín. Một khoanh giò lụa ngon khi thái ra sẽ có màu hơi hồng, thơm, vị ngọt, giòn và không bị bã, đặc biệt giò để lâu không bị thiu, nếu để cả cuộn có thể được 10 ngày.

Giò lụa Nam Định không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho vùng đất này mà còn trở thành một món ăn lâu đời, ngon, bổ và rẻ.

4. Phở bò Nam Định

Những đặc sản nổi tiếng của quê hương Trần Lập - 4
Ảnh: Internet

Bên cạnh phở Hà Nội còn có món phở bò Nam Định nổi tiếng dành cho du khách mọi miền. Phở bò Nam Định xuất phát từ làng Vân Cù, xã Đông Xuân, Nam Trực, Nam Định – là ngôi làng chuyên nghề phở duy nhất ở Việt Nam. Mỗi gia đình trong làng lại phụ trách một phần riêng, nhà thì chuyên làm bánh, nhà thì chuyên mổ bò nhưng hầu như nhà nào cũng biết làm phở sao cho thật ngon.

Qua thời gian, món phở bò gia truyền càng ngày càng trở nên nổi tiếng bởi sợi phở mềm ngon, nước dùng ngọt thơm và những miếng thịt bò thái mỏng đập dập tươi ngon tuyệt vời.

5. Bánh xíu páo

Những đặc sản nổi tiếng của quê hương Trần Lập - 5
Bánh xíu páo bắt nguồn từ những gia đình người Hoa định cư tại Nam Định. Ảnh: Internet

Bánh xíu bắt nguồn từ những gia đình người Hoa định cư tại Nam Định. Bánh có hình tròn đầy đặn, vẻ ngoài khá giống bánh bao nhưng trông xinh xắn hơn nhiều, nhưng hấp dẫn du khách nhất lại chính là hương vị mà xíu páo mang lại.

Tùy theo cách làm của từng gia đình mà nguyên liệu làm bánh cũng khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là bột mì, trứng, thịt...Phần vỏ bánh làm hoàn toàn bằng bột mì, khi nướng quết lên một lớp dầu mỏng và trứng để bánh chín đều, thơm, giòn, béo ngậy, vừa ngọt vừa mặn. Còn phần nhân bánh luôn có 2 nguyên liệu chính là thịt và trứng với vị gần giống món sườn xào chua ngọt hoặc món thịt kho tàu... Nhưng để bánh ngon, người ta thường ướp thịt lợn thăn với tỏi băm, ngũ vị hương, dầu hào, mật ong rồi đem rán cho đến khi chuyển sang màu cánh gián thơm nức.

Bánh tuy nhỏ bé nhưng lại mang mùi vị hấp dẫn không thể chối từ và cung cấp cho thực khách khá đầy đủ về chất dinh dưỡng. Vì vậy, nó không chỉ là một đặc sản chỉ Nam Định mới có mà còn là món ăn được nhiều người ưa thích.

6. Nem nắm Giao Thủy

Những đặc sản nổi tiếng của quê hương Trần Lập - 6
Nem nắm Giao Thủy đã có từ rất lâu đời ở Nam Định. Ảnh: Internet

Nem nắm Giao Thủy đã có từ rất lâu đời ở Nam Định. Không giống như những món nem khác, nem nắm Giao Thủy cầu kỳ ở khâu chế biến. Đầu tiên là phần nắm nem, để có nắm nem ngon, nguyên liệu bì lợn phải được lựa chọn từ những con lợn khỏe nhất, những miếng bì không được dày quá hay quá nhiều mỡ để người ăn không bị ngán và nắm nem không bị ướt nhão. Còn phần thịt lợn phải được lấy từ lò mổ, khi miếng thịt còn nóng hổi nên chế biến ngay, quan trọng nhất là thịt không được đặt xuống đất, không được rửa nước lạnh để thịt giữ được độ ngon và dẻo.

Thính – là phần làm nên mùi thơm quyến rũ của nem nắm Giao Thủy. Thính phải được làm từ gạo tám Nam Định mới dậy mùi. Sau khi gạo được ngâm trong nước qua một đêm rồi để ráo nước sẽ được đem rang lên rồi xay thành bột, mang màu vàng ngà ngà, thơm phức, vị ngậy. Khi hai phần thính và nem nắm hoàn thành sẽ trộn lại với nhau. Từng hạt thính nhỏ vàng thơm phức sẽ quyện chặt lấy từng sợi bì rồi cuốn với lá sung, lá đinh lăng chấm với nước mắm pha tạo nên món ăn thơm, ngon, giòn ngậy vô cùng thích thú.

7. Bún đũa

Những đặc sản nổi tiếng của quê hương Trần Lập - 7
Ảnh: Internet

Thoạt nhìn, du khách dễ lầm tưởng bún đũa Nam Định với bánh canh miền Nam, cũng bởisợi bánh to như đầu đũa, trắng muốt mềm mượt, săn chắc chứ không hề bị nhũn, nhưng khác nhau lại chính ở nước dùng. Nước dùng cho món bún đũa có vị riêu cua, chua chua, béo ngậy mà lại ngọt đậm. Bao giờ nồi riêu cua cũng được tô điểm bởi màu vàng của hành phi, gạch cua óng ánh, thêm màu đỏ của cà chua và ớt bột khô chưng vô cùng hấp dẫn. Mặt nồi riêu nổi chìm lập lờ từng mảng gạch cua màu vàng mới trông đã thấy xôm xốp, ngọt ngào và chỉ muốn được thưởng thức ngay. Với món ăn này, thực khách sẽ ăn kèm với những loại rau theo mùa như rau muống, rau cải hay rau kinh giới... hoặc thêm một ít giá sống.

Trang Đàm

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt