Rời khỏi Napoli ồn ào và bụi bặm và đi ngang qua thành phố cổ đổ nát Pompeij, chúng tôi đi tàu xuôi xuống phía nam theo gờ trên của chiếc ủng trứ danh nước Ý. Vùng bờ biển nổi tiếng này có tên tiếng Ý là Costiera Amalfitana dài khoảng 50km với các địa danh trữ tình Vietri sul Mare, Maiori, Tramonti, Minori, Ravello, Scala, Atrani, Amalfi, Conca dei Marini, Furore, Praiano and Positano. Con đường ngoằn ngoèo ven biển đưa lữ khách vào miền cảm xúc thăng hoa trong hương chanh thơm mát.
Trở về Sorrento
Nơi ở chính của kỳ nghỉ chúng tôi là tại Sorrento, thành phố nổi tiếng thế giới qua bản nhạc Come back to Sorrento. So với các đại thành phố như Rome, Paris thì Sorrento đúng là một chốn quê mùa nhưng ở dải bờ biển Amalfi thì nơi đây vẫn ra dáng phố lớn lắm rồi. Các khách sạn sang trọng đều nằm sát bên biển xanh gió lộng. Những trang trại chanh, cam rộng lớn phủ xanh thẫm cả triền đồi thoai thoải. Phố xá tấp nập xe cộ, còn ở khu trung tâm dành cho người đi bộ thì đêm ngày nườm nượp khách du lịch. Sorrento đâu có phải quê nhà của mọi người, mà sao ai nấy đều muốn trở về Sorrento?!
Giai điệu tuyệt vời của bản nhạc này có khả năng dìu hồn người ta vào những giây phút mê đắm, nhưng khi có mặt ở thành phố Sorrento và sờ vào mọi nhạc cụ tự động, chạm vào phần lớn những đồ chơi phát ra âm thanh, các loại đồ lưu niệm và trên các quảng trường, góc phố, các nhạc công đường phố đều đồng loạt tấu lên giai điệu Come back to Sorrento, liệu lúc đó bạn có muốn phát điên?
Mang thân khách du lịch nhưng chiều chiều tạt vào cửa hàng thực phẩm nhỏ gần khách sạn mua ít quả ôliu ngâm dầu cứ như người miền Bắc chạy ra đầu ngõ mua 2.000 đồng cà pháo, xách thêm chai vang đỏ về phòng ngồi nhâm nhi, thấy ấm áp gần gũi như đang ở nhà. Các bà mẹ Ý ở cùng khu phố thấy khách ở dài quen mặt là chào hỏi rộn rã. Các bà chẳng cần nói tiếng Anh, tiếng Pháp gì vẫn hồ hởi bắt chuyện thản nhiên bằng tiếng Ý. Người dân Nam Âu hay chuyện và không e dè tiếp xúc với khách quốc tế. Lần chúng tôi đi bộ từ Ravello tới Amalfi, muốn hỏi đường tắt tới nhà thờ Amalfi nổi tiếng với các chi tiết tinh xảo, đi hoài mới gặp một bà cụ. Cụ tuôn ra một tràng tiếng Ý làm cả bọn ngơ ngác nhưng cứ theo hướng tay chỉ mà rồi cũng tới nơi đúng ý.
Cung đường ven biển đẹp tựa trong mơ
Chúng tôi thử đi các kiểu phương tiện ở dải bờ biển vàng Amalfi để thử cảm giác lượn vòng quanh co trên cung đường cực hẹp ngay sát mép vực. Chóng mặt vì các khúc cua và vì cảnh đẹp mở ra sau từng khúc cua, mọi người trên xe đều liên tục thốt lên các kiểu thán từ! Chặng ngược lại chúng tôi quyết định lững thững đi bộ bằng đường tắt, xuyên qua các triền đồi trồng nho, những vườn cam chanh lúc lỉu được phủ vải thưa màu đen để tránh chim chóc rỉa quả chín, trèo lên rồi lại trèo xuống những lối đi bậc thang dài cả trăm mét dốc ngược.
Trekking như vậy lại khám phá được nhiều điều dọc đường đi. Rẽ ngang rẽ dọc, dừng lại bất kỳ đâu mình muốn và loăng quăng được ở nhiều thị trấn xinh xắn đẹp mê ly. Những lối trekking này đều có ký hiệu riêng và có biển chỉ dẫn rất rõ ràng để du khách không bị lạc lối. Có hôm thì chúng tôi lại thử đi canô máy ra khu bãi tắm Massa Lubrense lượn vào mấy vũng biển nhỏ xanh ngắt và cực kỳ yên tĩnh để thoả sức vẫy vùng.
Ở Ravello, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Richard Wagner từng bật khóc trước cảnh đẹp thơ mộng của núi, của biển xanh biếc màu ngọc thạch trong văn vắt. Nắng vàng mật ong, trời xanh và biển cũng xanh và từ trên cao người ta có cảm giác như đang hoà vào mây vào gió, nhất là khi đứng trong vườn của villa Rufolo, nơi Richard Wagner đã lấy làm bối cảnh cho vở nhạc kịch bất hủ của ông – vở Parsifal!
Với nhà văn đoạt giải Nobel văn chương John Steinbeck (tác giả Chùm nho nổi giận, Phía đông vườn địa đàng, Chuột và Người…) thì thế giới ở Positano là “một thế giới dựng đứng”.
Nhà cửa cheo leo trên núi, bám vào vách núi. Ở đâu cũng có bậc thang, bạn bè thăm nhau không thể đi bộ nguyên cả quãng đường mà phải leo bậc, trèo núi. Những ngôi nhà sơn màu sáng rực rỡ như xếp chồng lên nhau tạo thành các luống ruộng bậc thang nhà, làm nên vẻ đẹp hài hoà có một không hai.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị