Ngày trước, khi du ngoạn qua Lucca, vẻ đẹp của thành cổ này đã tạo ấn tượng mạnh nơi họ nên khi có đứa con trai đầu lòng, họ đặt luôn tên con là Lucca.
Nhà thờ San Michele in Foro được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII |
Đường đến Lucca thật đơn giản, từ Rome, Florence, Milan mỗi ngày đều có các chuyến tàu nối thẳng đến Lucca. Sau chưa đầy 20 phút ngồi xe lửa từ tháp nghiêng Pisa, tôi đã đặt chân đến Lucca để khám phá vẻ đẹp mà dân Ý rất tự hào mỗi khi nhắc đến.
Ở Lucca, người ta có thể tìm lại những bản sắc còn nguyên vẹn, từ kiến trúc, ẩm thực, mua sắm đến cả tính cách người bản địa..., tất cả đều không hề lai tạp bởi sự phát triển đô thị và làn sóng du lịch. Lucca giữ được nguyên vẹn nét độc đáo ấy chính là nhờ sự bảo thủ của cư dân thành cổ.
Tường thành Lucca
Điều ấn tượng đầu tiên khi vừa ra khỏi ga tàu trung tâm ở Lucca: nhìn sang bên đường, cả một dãy tường gạch nâu cũ kỹ, dài tít tắp, xếp thành ba lớp, cao đến hơn chục mét, bao quanh thành cổ.
Người Lucca tự hào về thành lũy này, bởi nó là thành cổ dài và nguyên vẹn nhất của toàn châu Âu, được hình thành từ thế kỷ thứ II, với kiến trúc ban đầu mang đậm ảnh hưởng của đế chế La Mã. Đến thế kỷ XI và XII, thành cổ được xây dựng lại theo đồ hình xây thành của thời Trung cổ, và phải mất đến hơn 100 năm mới hoàn thiện.
Thời chiến, tường thành kiên cố này giúp người Lucca phòng vệ, trên cả chiều dài hơn 4 cây số của thành lũy có đến 11 pháo đài được lắp đặt 120 khẩu thần công loại lớn, và cạnh các cổng chính là hệ thống hầm thông vào thành để chứa ngựa, binh lính và đạn dược phục vụ việc bảo vệ thành.
Bao quanh tường thành là các hàng cây cổ thụ vừa tạo bóng mát, vừa củng cố sự vững chắc cho thành. Bởi vậy, trải qua nhiều cuộc chiến kéo dài từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, tường thành Lucca vẫn giữ nguyên vẻ kiên cố và bề thế cho đến tận ngày nay.
Đến thế kỷ XIX, khi tường thành Lucca không còn dùng vào mục đích phòng vệ quân sự, nữ công tước Maria Luisa đã chỉ định kiến trúc sư của hoàng gia là Lorenzo Nottolini thay đổi công năng của tường thành: xây dựng một con đường lớn ngay trên thành lũy để làm lối đi chung. Đến thế kỷ XX, lối đi ấy từng nhiều lần tổ chức các cuộc đua xe hơi, và nay trở thành con đường đi bộ được yêu thích nhất ở Lucca.
Nét đẹp cổ kính của Lucca là điểm hấp dẫn khách du lịch |
Không gian Trung cổ
Qua khỏi bức tường thành bề thế của thành cổ Lucca, cảm nhận như lạc vào một thế giới khác khi cả không gian bao trùm bởi sự cổ kính từ các khối kiến trúc mang đậm âm hưởng thời Trung cổ.
Nhìn từ trên cao thấy những tòa nhà đều được lợp ngói đỏ, nổi bật là các tòa thánh đường và tháp chuông cao vút, có phần mặt tiền được trang trí bằng những trụ đá trắng - một chất liệu đặc trưng trong xây dựng thánh đường ở Lucca vào thế kỷ thứ XVIII, như Duomo di San Martino, San Michele in Foro.
Trong số những điểm đến ở Lucca có một nơi rất đông du khách, đó là Piazza Anfiteatro với kết cấu độc đáo là các ngôi nhà liền kề nhau trên nền của một đấu trường La Mã, kết nối thành một vòng tròn với bốn lối vào nối ra khoảng trống rộng thoáng, nơi có thể thấy được vẻ đẹp của các vách tường sơn nhiều màu khác biệt như một bức tranh với toàn cảnh rất đặc trưng của vùng Địa Trung Hải.
Cái thú khi len lỏi trong những con phố cổ lát đá, nhỏ hẹp như Via Becheria, Via del Battistero... tạo nên cảm giác nhịp sống ở Lucca như chậm lại, lữ khách cứ thong dong tản bộ chỉ nửa ngày là có thể đi hết các điểm tham quan trong thành cổ, xuyên qua những con đường mua sắm được bày biện đẹp mắt, với các mặt hàng đặc trưng của người bản địa, từ quần áo, mỹ phẩm đến đồ lưu niệm, nhà hàng ăn uống...
Bản sắc Lucca
Ở Lucca, thật khó để tìm một thứ gì ngoại lai, trừ khách du lịch. Đi khắp nơi trong thành cổ, có một đặc điểm dễ nhận ra là không hề thấy các thương hiệu hoặc các nhãn hàng phổ biến đến từ Anh, Mỹ hoặc các nước khác.
Người chủ khách sạn trên đường Via della Rosa tiết lộ: "Ở Lucca, các thương hiệu ngoại lai không du nhập vào được vì sự bảo thủ của cư dân thành phố. Họ sợ rằng nếu để các sản phẩm ấy tràn vào sẽ ảnh hưởng đến bản sắc và nét đẹp vốn có của thành cổ”.
Ngay cả phần ẩm thực ở các nhà hàng tại Lucca cũng chỉ toàn ẩm thực Ý, trước đây đã từng có những cuộc "thanh trừng" các món ăn ngoại lai như món bánh mì kebab của Thổ Nhĩ Kỳ khi mới chen chân vào Lucca.
Thế nên, tìm một chỗ để thưởng thức phong vị ẩm thực kiểu Ý ở Lucca là chuyện vô cùng đơn giản. Có những nhà hàng rất nhỏ, với sức chứa không quá 10 khách nhưng lại rất được ưa chuộng, như La Tana del Boia, một điểm đến thú vị để thư giãn bên ly vang sản xuất từ Lucca hay vùng Montecarlo kế cận, và nhấm nháp các dòng phô-mai đặc sản làm từ sữa cừu rất đặc trưng của Lucca để khép lại một ngày dạo chơi ở miền đất được xem là bảo thủ nhất nước Ý.
Thế nhưng, chính sự bảo thủ ấy đã giữ lại cho Lucca một sắc thái rất riêng ngoài vẻ đẹp vốn có từ kiến trúc, văn hóa đến nhịp sống thường nhật, và hẳn với những lữ khách phương xa, trong hành trình đến một nơi chốn mới, ai cũng mong được trải nghiệm những nét đẹp còn nguyên sơ như thế.
Phố mua sắm lúc hoàng hôn |
Theo DNSG