07:55 19/09/2024

5 món bánh dân dã của Bắc Kạn

10:36 27/04/2016

Du lịch Bắc Kạn du khách đừng quên thưởng thức những loại bánh vừa bình dị, vừa gần gũi, lại vô cùng thơm ngon của vùng rừng núi.

1. Bánh gio Bắc Kạn

5 món bánh dân dã của Bắc Kạn - 1
Bánh gio đã có ở Bắc Kạn từ hàng trăm năm trước. Ảnh: Internet

Bánh gio có lẽ là món ăn không còn xa lạ với nhiều người dân miền Bắc, nhưng ít ai đã được thưởng thức bánh gio – một trong những món đặc sản trứ danh ở Bắc Kạn. Không ai nhớ bánh gio xuất hiện từ khi nào, nhưng món bánh này đã có ở Bắc Kạn từ hàng trăm năm trước.

Để làm ra món bánh gio ngon đòi hỏi người làm phải vô cùng khéo léo và tinh mắt, bởi ngay từ khâu chọn cây đốt, người ta phải chọn lọc làm sao để cho gio được trắng mịn. Sau đó, gio sẽ được hòa với nước vôi có nồng độ thích hợp, quan trọng nhất là khâu thử độ đậm nhạt của nước gio trước khi ngâm gạo. Người làm phải thật cẩn thận để nước gio không bị đậm quá khiến bánh có vị chát, hay nhạt quá sẽ làm bánh bị nhão mất ngon. Phần gio để làm bánh cũng được chế biến từ chất liệu đặc biệt, nghiền nhỏ rồi lọc từng giọt như pha cà phê phin. Để có đủ gio làm một mẻ bánh phải lọc mất 10 tiếng. Nước gio trong được đun nóng rồi đổ gạo xuống ngâm chừng 7 tiếng là có thể gói được bánh. Riêng gạo để gói bánh cũng phải là loại nếp rẫy vừa dẻo vừa thơm. Lá để gói bánh phải là lá chít bánh tẻ, chỉ có lá chít mới làm cho bánh có màu vàng sáng và dễ bóc, khi ăn có mùi thơm rất đặc trưng. Khi thưởng thức bánh gio, du khách sẽ được ăn kèm với nước mật từ đường mía được trồng trên đất cát, canh lên bảo đảm sánh, có màu vàng sậm rất ngọt và thơm. Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu. Trưa hè oi bức, bóc chiếc bánh gio chấm mật mới cảm nhận được hết hương vị của đặc sản này.

2. Bánh Coóc Mò

5 món bánh dân dã của Bắc Kạn - 2
Bánh Coóc Mò là loại bánh đặc trưng được các bà con dân tộc Bắc Kạn hay làm. Ảnh: Internet

Bánh Coóc Mò là loại bánh đặc trưng được bà con dân tộc Bắc Kạn hay làm. Theo tiếng Tày thì coóc mò có nghĩa là sừng bò (coóc: sừng, mò: bò). Gọi thế vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò, trâu. Chính vì vậy, mới đầu nhìn hình thức bánh Coóc Mò, du khách rất dễ nhầm với bánh gio. Bánh được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối hoặc lá dong, không nhân, rất đơn sơ, bình dị nhưng lại là một thứ bánh mà nhiều người ưa thích.

5 món bánh dân dã của Bắc Kạn - 3
Ảnh: Internet

Để làm bánh, gạo nếp sẽ được đem vo sạch, đãi kỹ, để cho ráo nước, còn lá chuối tươi xé từng miếng vuông vắn như chiếc khăn tay, cuốn lại như cái phễu. Tiếp đến, họ dồn gạo vào, vỗ vỗ cho chặt tay, rồi dùng lạt mềm buộc chặt lại, nhờ những đôi tay thoăn thoắt đó, chẳng mấy chốc đã gói được rổ bánh. Bánh cũng được luộc như bánh chưng nhưng mau chín hơn, chỉ chừng khoảng hai giờ là được. Bánh bóc ra có màu xanh rền, vừa rắn vừa dẻo, có hương thơm của nếp, hương thanh khiết của ruộng đồng. Bánh coóc mò ăn có vị đậm và thơm bởi không chỉ được làm từ gạo nếp nương mà còn có cả lạc nhân đỏ. Bánh khi ăn sẽ không bị ngán, dễ ăn và mùi vị hợp với nhiều người, nếu du khách ưa ngọt thì khi ăn có thể chấm với mật hoặc đường, rất hợp với những bữa điểm tâm buổi sáng. Nếu một lần ghé Bắc Kạn, du khách đừng quên thưởng thức món ăn giản dị mà hấp dẫn này.

3. Bánh Khẩu Thuy

Bánh Khẩu Thuy là thứ bánh ngon không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà vào mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng. Bánh có hình tròn như quả trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm, giòn tan nơi đầu lưỡi với hương vị mang bản sắc riêng của người Tày.

Trước đây, bánh thường chỉ có mặt tại các hội Lồng Tồng của người Tày, còn ngày nay thứ bánh này đã được bày bán để khách thập phương mua làm quà cho người thân, trở thành một đặc sản rất riêng của Bắc Kạn.

4. Bánh Pẻng phạ

5 món bánh dân dã của Bắc Kạn - 4
Bánh hội tủ đủ nguyên liệu, hương vị đặc trưng của người dân nơi đây. Ảnh: Internet

Bánh Pẻng phạ có vẻ bề ngoài không có gì nổi bật, bánh cũng có hình dáng hơi tròn, nhỉnh hơn quả nhãn lồng một chút và có bột phủ ngoài màu nâu của bánh. Tuy mộc mạc và giản đơn như vậy, nhưng không phải ngẫu nhiên mà người Tày chọn đó là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc mình để dâng lên trời đất.

Để làm nên món bánh này, người ta chọn nguyên liệu chính là gạo nếp. Gạo sau khi được đãi sạch sẽ được xay thật mịn để làm bột nếp. Tiếp theo, bột được nhào với nước chè mạn pha đặc để lấy màu nâu và vị chát rồi thêm một chút rượu trắng cho dậy mùi, sau đó được vê thành những viên cỡ quả nhãn. Bánh sau khi rán sẽ được thả vào nước đường đun sôi rồi lăn ngay vào bột làm từ gạo nếp rang vàng, xay nhỏ mịn giống như làm thính. Bánh pẻng phạ bên trong dẻo, do tác động nhiệt lớn nên bột bánh bên trong chưa kịp ngấm nhiệt lớp bên ngoài đã cứng giòn. Bánh hội tủ đủ nguyên liệu, hương vị đặc trưng của người dân nơi đây với vị cay nồng của rượu, vị ngọt của đường, vị chát rất thơm của nước chè mạn, vị béo bùi của bột nếp... rất đáng để thưởng thức.

5. Bánh ngải

5 món bánh dân dã của Bắc Kạn - 5
Ảnh: Internet

Bánh ngải là loại bánh ngon, độc đáo mà chỉ người dân tộc Tày ở Bắc Kạn mới có được. Bánh có màu xanh đặc trưng của núi rừng, và có cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi. Để làm bánh ngải thì không khó, nhưng lại đòi hỏi người người làm phải có sự khéo léo, cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu.

5 món bánh dân dã của Bắc Kạn - 6
Bánh ngải khi ăn sẽ có vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải. Ảnh: Internet

Bánh ngải khi ăn sẽ có vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường khiến ai đã từng nếm thử một lần sẽ nhớ mãi.

Lan Hương

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt