08:17 19/09/2024

Ăn gì khi du lịch miền Tây?

10:50 11/08/2015

Miền Tây sông nước có nhiều đặc sản “hớp hồn” thực khách. Đó là những món ngon mang hương vị miền Tây và chỉ riêng nơi đây mới có. Khi có dịp du lịch miền Tây, bạn không nên bỏ qua một số đặc sản hấp dẫn như: gỏi sầu đâu, ,lẩu mắm, cháo cá lóc rau đắng ...

1. An Giang - Gỏi sầu đâu, cơm tấm, bánh bò Tân Châu

Ăn gì khi du lịch miền Tây?  - 1
Gỏi sầu đâu - đặc sản An Giang. Ảnh: Internet.

Sầu đâu là một trong những loài cây đặc trưng của miền Tây. Không những thế, người dân miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là An Giang có cách chế biến gỏi sầu đâu ngon nổi tiếng.

Đặc sản gỏi sầu đâu được làm bằng những nguyên liệu dân giã: chòm nụ sầu đâu và những đọt lá non (xé nhỏ mà không cần sơ chế), cá lóc hay khô cá sặc nướng xé nhỏ thịt vừa ăn, thịt lợn ba chỉ luộc vừa chín tới thái sợi với tôm thẻ luộc bỏ vỏ, bỏ đầu. Tất cả trộn cùng dưa chuột, cà chua thái mỏng, me chín, xoài xanh thái sợi, nước chấm dùng là nước mắm ngon dằm me, ớt, bột ngọt và đường.

Khi hoàn thành, món gỏi sầu đâu có mùi thơm của thịt cá sặc nướng, vị ngọt béo của thịt ba chỉ... hòa lẫn cùng vị đắng của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác, dân dã, lạ miệng và rất tinh tế. Món gỏi này có thể dùng kèm với cơm nóng rất ngon miệng.

Ăn gì khi du lịch miền Tây?  - 2
Cơm tấm Long Xuyên. Ảnh: Internet

An Giang không chỉ nổi tiếng với món gỏi sầu đâu mà còn có đặc sản cơm tấm Long Xuyên ngon, lạ miệng. Sườn và trứng kho không giữ nguyên miếng to bản mà được thái thành từng lát mỏng vừa miệng, ăn kèm bì, mỡ hành, dưa chua, nước mắm pha đường hơi sánh có vị cay nhẹ, đậm đà, ngon miệng.

Ngoài ra, mảnh đất An Giang còn có đặc sản bánh bò Tân Châu làm từ đường thốt nốt – thứ quả đặc trưng của vùng đất này.

2. Sóc Trăng -  Cháo cá lóc rau đắng

Ăn gì khi du lịch miền Tây?  - 3
Cháo cá lóc rau đắng. Ảnh: Internet.

Cháo cá lóc rau đắng là món ăn phổ biến của miền Tây Nam Bộ, nhưng vùng đất biến món ăn này trở thành đặc sản lại là Sóc Trăng. Không phải ai cũng thích đặc sản cá lóc rau đắng Sóc Trăn, món ăn này đặc biệt phù hợp với những người thích vị ngọt sau đắng. Cháo cá lóc rau đắng được chế biến từ gạo, cá lóc và rau đắng.

Cá lóc đồng sau khi làm sạch, luộc chín, lột da, gỡ xương, chỉ còn thịt cá trắng tinh được xếp gọn trên đĩa. Cháo ninh kĩ múc ra tô, thêm một chút thịt cá lóc, rổ rau đắng mỡ màng bên cạnh để ăn kèm nữa là tròn vị.

Cá lóc đồng thơm ngọt ăn cùng rau đắng giòn giòn, vị nước mắm đậm đà, chua thanh của chanh lan tỏa trong miệng cùng thìa cháo ám nóng mang đến hương vị khó quên của ẩm thực Sóc Trăng. Trong những ngày nắng nóng, cháo cá lóc không chỉ là món ăn ngon miệng mà còn có tác dụng giải nhiệt rất tốt.

3. Tiền Giang – Bánh canh vịt

Ăn gì khi du lịch miền Tây?  - 4
Bánh canh vịt Cai Lậy. Ảnh: Internet.

Bánh canh vịt là đặc sản, niềm tự hào của người dân Cai Lậy, Tiền Giang. Muốn có bát bánh canh vịt ngon, người thợ phải chú ý ở khâu chọn vịt và chế biến thành phẩm.

Vịt được chọn là vịt cỏ thả rông trên cánh đồng bạt ngàn ở miền Tây, thịt săn chắc, ngọt, không có mỡ. Vịt khi đã qua sơ chế được chào xát với rượu và gừng rồi đem luộc chín. Nước luộc vịt được nêm lại gia vị vừa ăn làm nước lèo.

Nhìn qua, bát bánh canh vịt không có gì đặc biệt, thịt vịt cắt lát rải đều trên bề mặt những sợi bánh to, nước dùng trong vắt. Nhưng khi thưởng thức, thực khách sẽ ngay lập tức bị “bắt hồn” vì vị thanh ngọt của nước dùng, thịt vịt mềm ngọt, đậm đà vừa miệng.

4. Bạc Liêu – Cơm tấm phá lấu, ba khía

Ngoài cơm tấm Long Xuyên (An Giang), cơm tấm phá lấu Bạc Liêu cũng là một trong những đặc sản du khách nên nếm thử nếu có dịp du lịch miền Tây. Phá lấu được thái lát vừa ăn, thêm một ít đồ chua, mỡ hành và chén nước chấm. Phá lấu giòn, hơi dai kết hợp cùng vị chua ngọt của đồ chua, quyện với vị béo của mỡ hành chắc chắn sẽ khiến thực khách thỏa mãn khi thưởng thức.

Ăn gì khi du lịch miền Tây?  - 5
Món ba khía muối. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn nổi tiếng với những đặc sản chế biến từ con ba khía (động vật giáp xác, gần giống cua đồng). Chỉ những người sinh và và lớn lên ở vùng đất Bạc Liêu mới phân biệt được ba khía và cua. Ba khía nhỏ hơn cua, sống chủ yếu ở vùng nước mặn.

Các món ngon từ ba khía như: ba khía ram, ba khía luộc, ba khía rang muối, ba khía trộn chua ngọt, mắm ba khía, gỏi ba khía đu đủ... đều hội tụ và mang đậm nét văn hóa ẩm thực thời khẩn hoang của người Nam Bộ xưa.

5. Cần Thơ – Lẩu mắm

Ăn gì khi du lịch miền Tây?  - 6
Lẩu mắm. Ảnh: Internet.

Lẩu mắm Cần Thơ có từ rất lâu đời và được đánh giá là đặc sản ngon nhất nhì ở miền Tây. Từ các loại cá đồng, cá sông cùng nhiều loại rau có sẵn trong vườn nhà, người dân miền Tây đã tạo ra một món lẩu lạ tai lạ miệng được nhiều du khách yêu thích: lẩu mắm.

Lẩu mắm được chế biến từ mắm sặc hay mắm cá linh ở Châu Đốc (An Giang), nước lẩu nấu từ mắm với nước dừa hoặc nước ninh xương heo. Tùy theo sở thích, khẩu vị của từng gia đình, lẩu mắm được thêm thịt heo, tôm, mực, các loại cá như: cá lóc, cá kèo, cá bông lau...cùng các loại rau vùng miệt vườn như: bông súng, kèo nèo, bắp chuối, cải xanh, rau đắng, cà tím, rau nhút, bông bí...

Thu Thủy

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt