Những ngày tết , bánh đậu xanh luôn có mặt trong các gia đình tại Hội An. Ảnh: T.Ly |
Những ngày này, rong ruổi qua con phố nhỏ, nơi các hộ gia đình đang làm bánh, ai cũng cảm nhận được mùi hương thơm thoảng thoảng của đậu xanh.
Nghề làm bánh đậu xanh ở Hội An có từ lâu đời, trước thế kỉ thứ 18. Loại bánh này đã từng được cư dân dùng để tiến vua. Nối tiếp truyền thống của cha ông để lại, bằng cái tâm với nghề các hộ gia đình đã biến những chiếc bánh đậu xanh bình dị trở thành đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước.
Đến thăm lò bánh của gia đình bà Trinh ở đường Lê Lợi, TP Hội An (Quảng Nam), lò bánh nổi tiếng nhất nơi phố cổ, không khí tết càng hiển hiện rõ. Hơn 50 năm giữ lửa nghề, chị Trần Thị Liễu - con dâu bà Trinh cho biết ngày nào gia đình bà cũng cho ra đời hàng trăm chiếc bánh để phục vụ du khách và người dân Hội An.
Gần tết khách hàng đặt mua bánh hơn gấp nhiều lần ngày thường nên lò phải thuê thêm nhiều lao động mới đủ lượng hàng để bán.
Trời vừa hửng sáng, các tay thợ đã vội vàng bắt đầu công đoạn làm bánh. Theo mô hình kinh tế hộ, cũng như các lò bánh khác, gia đình bà Trinh trực tiếp quán xuyến tất cả các công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải khẻo léo, tỉ mẩn. Từ chọn nguyên liệu đến sấy khô, đóng gói cũng không hề dễ dàng.
Để đậu xanh cho ráo trước khi đem xay nhuyễn. Ảnh:T.Ly |
Cho đậu xanh vào nồi nấu chín thật mềm. Ảnh: T.Ly |
Đầu tiên, đậu xanh phải chọn cho được loại hạt nhỏ, ruột vàng. Đậu mang đi ngâm, vo sửa sạch trước khi bắt lên luộc trên bếp lửa. Đậu chín tiếp tục cho vào cối hoặc máy nghiền nát thành bột.
Tiếp tục ngào bột với nước đường rồi nhồi trộn bột từ từ từng ít một, để bột vừa đủ độ ẩm, không được ướt hoặc khô quá vì như vậy bánh sẽ không chắc và khó kết dính. Bột sau khi ngào xong tiếp tục ủ qua một đêm để bột khô hơn.
Riêng bánh đậu xanh mặn có thêm phần nhưn bánh làm bằng mỡ heo. Mỡ được rán vừa độ lửa sao cho thật khéo léo, nếu mỡ rán quá già, bánh sẽ có mùi khét; nếu mỡ quá non bánh sẽ mất mùi thơm và có vị ngậy.
Tuy nhiên, để có được chiếc bánh đậu xanh “đặc hạng” như ở Hội An, phần nhưn bánh còn trộn thêm gia vị đường, muối, tiêu... theo tỉ lệ hợp lí.
Cuối cùng là in bánh. Thợ in bánh trên khuôn đồng dạng tròn hoặc vuông. Cho bột vào đầy các lỗ khuôn, thêm nhưn (nếu là bánh mặn) ở giữa, ém chặt bột, úp ngược mặt khuôn xuống và gõ nhẹ đáy khuôn để lấy bánh ra.
Đậu xanh nấu chín cho vào máy xay nhuyễn thành bột. Ảnh: T.Ly |
Bột được cho vào khuôn để in thành bánh. Ảnh: T.Ly |
Trước khi cho vào phong bao, đem bánh sấy chín. Ảnh: T.Ly |
Trước khi cho vào phong bao, bánh đem sấy chín lần nữa cho có độ giòn và thơm. Chỉ cần vài ba động tác khéo léo từ đôi bàn tay người thợ đã cho ra đời những chiếc bánh đậu xanh vừa thơm lựng lại đẹp mắt.
Có lẽ không mấy ai còn lạ lẫm với bánh đậu xanh nhưng bánh đậu xanh Hội An thì chắc không phải ai cũng có dịp được thưởng thức.
Vẫn chỉ là những nguyên liệu vườn quê như bao nơi khác, nhưng bánh đậu xanh Hội An lại mang một phong vị, một đặc trưng riêng của vùng đất xứ Quảng nhỏ bé hiền hậu. Thế nên cứ mỗi độ tết đến xuân về, người con phố Hội đi xa vẫn cứ nhớ hoài mùi hương đậu xanh phảng phất.
Và mỗi du khách khi đến Hội An, cũng tìm cách để được thưởng thức hay tận mắt chứng kiến cách làm những chiếc bánh nhỏ nhắnđể lại hăm hở mua để về làm quà cho người thân.
In hạn sử dụng cho bánh. Ảnh: T.Ly |
Du khách tìm mua để thưởng thức hoặc làm quà gửi cho người thân. Ảnh: T.Ly |
Theo Tuoitre