07:33 19/09/2024

Các làng bánh chưng xanh rộn ràng đón Tết

12:32 11/01/2016

Giáp Tết Nguyên đán, ghé thăm các làng bánh chưng ở miền Bắc, bạn sẽ thấy không khí rộn ràng và náo nức cùng nhiều cặp bánh chưng thơm ngon, vuông vức. Dưới đây là những địa chỉ làng nghề bánh chưng lâu đời và nổi tiếng nhất miền Bắc cho du khách khám phá.

1. Làng bánh chưng Tranh Khúc

Các làng bánh chưng xanh rộn ràng đón Tết - 1
Làng bánh chưng Tranh Khúc rộn ràng chuẩn bị Tết. Ảnh: cstc

Từ bao đời nay, bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã vang tiếng xa gần và được nhiều người biết đến vì chất lượng thơm ngon, chiếc bánh dày dặn và bảo quản được lâu. Không chỉ trong dịp Tết cổ truyền mà ngày thường, làng bánh chưng Tranh Khúc lúc nào cũng đỏ lửa để luộc bánh. Làng cung cấp tới 50-60% lượng bánh chưng cho Hà Nội.

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đã có khoảng 100 năm tuổi, trong làng có 281 hộ dân thì có hơn 100 hộ làm nghề. Những người thợ ở Tranh Khúc làm bánh rất nhanh mà không cần dùng khuôn, chiếc bánh nào cũng vuông chằn chặn, đều, đẹp. Mỗi tiếng, một người gói được khoảng 80 chiếc bánh chưng.

Các làng bánh chưng xanh rộn ràng đón Tết - 2
Bánh chưng Tranh Khúc vuông vức, dày dặn và nổi tiếng thơm ngon. Ảnh: cstc

Bánh trưng Tranh Khúc được làm theo công thức gia truyền nên người thôn khác rất khó  “học lỏm”. Đến nay, người Tranh Khúc vẫn làm bánh chưng theo cách hoàn toàn thủ công và họ thực sự là “bậc thầy” trong việc gói bánh chưng. Ngoài chọn những nguyên liệu tươi ngon làm bánh, lá dong gói bánh cũng phải được rửa sạch sẽ rồi lau khô, nếu không bánh sẽ nhanh mốc, than đun cũng phải chọn loại than tốt, bánh được luộc đủ giờ thì mới rền, ngon, không bị “lại gạo”.

Ngày nay, khi mang bán ở thị trường, bánh chưng làng Tranh Khúc còn được ép chân không và bảo quản trong khoảng 1 tháng mà bánh vẫn xanh, dẻo, rền và thơm ngon.

2. Làng bánh Lỗ Khê

Các làng bánh chưng xanh rộn ràng đón Tết - 3
Bánh chưng Lỗ Khê cũng khá nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: guu

Tuy không nổi tiếng như bánh chưng Tranh Khúc nhưng hương vị đậm đà của bánh chưng làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) cũng khiến nhiều người nhớ mãi.

Điểm làm nên sự khác biệt cho bánh chưng Lỗ Khê là phần nhân bánh được làm rất cầu kỳ, mang đến vị bùi bùi, đậm đà vừa miệng.

Đỗ xanh được chọn làm nhân phải đều hạt, là đỗ hạt tiêu nhỏ, tròn, mẩy, đem tróc vỏ rồi đãi sạch, để ráo, hấp chín. Người làng Lỗ Khê chọn thịt lợn nạc vai có dính ít mỡ để tạo vị béo ngậy cho bánh, sau đó trộn cùng hạt tiêu xay. Vỏ bánh được làm từ các loại gạo nếp ngon như nếp hoa trắng, nếp cái hoa vàng, nếp nhung.

Đặc biệt hơn, bánh chưng Lỗ Khê còn được gọi là “bánh đặc chủng” do cách làm độc đáo. Người làng Lỗ Khê phải luộc bánh xong xuôi, vớt ra rửa sạch cho hết nhớt, mỡ, để ráo nước rồi mới đem gói lại và dùng tay lăn. Để khối bánh vuông vức, người ta ép và nén bánh chưng bằng cối đá, rồi lại vỗ bằng tay để gạo kết dính, quyện với nhau thì bánh sẽ rền, dẻo như bánh dày.

Những ngày này, nếu ghé qua làng bánh chưng Lỗ Khê, du khách sẽ cảm nhận rõ hơn không gian tấp nập, hối hả của những chuyến xe hàng ngược xuôi đem lá dong, gạo nếp, đỗ xanh đến cho các hộ làm nghề. Nhà nào làm lớn thì có thể xuất tới 5.000 chiếc bánh chưng trong 3 ngày từ 27 tới 29 Tết.

3. Bánh chưng làng Bạc

Làng Bạc ở Phú Thượng, Tây Hồ không có nhiều lò bánh chưng như làng Tranh Khúc hay Lỗ Khê, nhưng cũng khá nổi tiếng ở đất Kinh kỳ. Từ bao đời nay, làng Bạc có những chiếc bánh chưng được sản xuất từ những dòng họ có kinh nghiệm lâu đời và vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng, truyền thống. Bởi thế, bánh chưng làng Bạc được ví như “vàng bạc” bởi giá cả đắt đỏ và chất lượng xếp vào bậc hảo hạng.

“Thịt nằm kín trong đỗ, đỗ nằm kín trong gạo” là 10 chữ “vàng” mà thợ làm bánh nào ở làng Bạc cũng nằm lòng khi gói bánh để tạo ra những chiếc bánh gói chặt tay, dày dặn và vẫn rền, dẻo, thơm.

4. Bánh chưng làng Đầm

Các làng bánh chưng xanh rộn ràng đón Tết - 4
Bánh chưng làng Đầm lưu giữ được hương vị truyền thống. Ảnh: guu

Bánh chưng làng Đầm (xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm) là thương hiệu bánh chưng nổi tiếng ở tỉnh Hà Nam. Làng Đầm cách thành phố Phủ Lý 5km, đã có truyền thống làm bánh chưng từ hàng trăm năm nay. Những ngày cận Tết, cả làng trở nên sôi nổi, thơm nức trong mùi bánh chưng khi nhà nhà đều thổi lửa, bắc nồi bánh chưng xanh lên bếp và chờ đợi những mẻ bánh ra lò.

Nét đặc biệt tạo nên hương vị thơm ngon không lẫn vào đâu được của bánh chưng làng Đầm là bánh được luộc theo cách truyền thống: bằng nước mưa, trong những nồi luộc bằng tôn.

5. Bánh chưng Bờ Đậu

Các làng bánh chưng xanh rộn ràng đón Tết - 5
Người dân làng Bờ Đậu nấu bánh chưng ngay ven đường. Ảnh: Vietnam+

Gần Tết, nếu có dịp đi qua Thái Nguyên, bạn sẽ nhận ra nơi đây không chỉ có chè Tân Cương nổi danh mà còn có làng bánh chưng Bờ Đậu nổi tiếng của tỉnh. Làng bánh chưng Bờ Đậu nằm ở xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, trên km 8 đến km10 tại quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên đi Bắc Cạn.

Ngoài loại bánh chưng vuông truyền thống, làng Bờ Dậu cũng có bánh chưng tròn cũng chắc nịch, dẻo, rền thơm ngon. Bánh chưng Bờ Dậu được làm từ nếp nương đặc sản của Định Hóa cùng đỗ xanh quê mỏng vỏ vàng lòng, thịt ba chỉ tươi rói, săn chắc, gói trong lá rong rừng. Bánh được luộc bằng nguồn nước chảy từ trong núi ra nên có mùi thơm đặc trưng của rừng núi Tây Nguyên, từ trong bánh ra đến lá bọc.

Phương Nga

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt