Thế giới phát triển mạnh mẽ
Không chỉ là một môn thể thao phổ biến tại nhiều quốc gia, golf còn góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và du lịch. Theo thống kê của Hiệp hội các tổ chức du lịch Golf quốc tế (IAGTO), hiện có khoảng 56 triệu golf thủ trên thế giới và ngành du lịch golf xếp thứ 3 về động cơ du lịch châu Á. Đây cũng là khu vực có số lượng người chơi golf nhiều thứ hai, chỉ đứng sau Mỹ.
Tính tới thời điểm hiện tại, có 169 các tổ chức du lịch golf tại 41 quốc gia là thành viên của Hiệp hội các tổ chức du lịch Golf quốc tế IAGTO đang khai thác du lịch golf tại thị phần châu Á. Các thành viên thuộc tổ chức IAGTO cũng nắm 87% thị phần kinh doanh các gói du lịch chơi golf toàn thế giới với tổng doanh thu hằng năm hơn 2,1 tỷ euro năm 2015. So với nhiều mô hình khác thì chi tiêu về du lịch golf cũng cao gấp nhiều lần.
Trung bình, một khách du lịch golf chi tiêu hơn 125% so với khách du lịch bình thường. Một trong những điểm du lịch kết hợp chơi golf nổi tiếng nhất thế giới chính là Thái Lan.
Hiện nay, Thái Lan đang sở hữu gần 300 sân golf với nguồn thu thông qua du lịch golf đạt trên 1,2 tỷ USD/năm. Đất nước Chùa Vàng cũng trở thành lựa chọn hàng đầu của các golfer trên toàn thế giới, đặc biệt là những golfer đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Úc và những golfer đến từ những thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ.
Sở dĩ như vậy vì Thái Lan có nhiều sân golf thiết kế độc đáo, dịch vụ đa dạng, đội ngũ caddy được đào tạo bài bản, chi phí chơi golf rẻ, đặc biệt có thể phục vụ những người đam mê golf tại bất cứ thời điểm nào trong năm.
Việt Nam: Chỉ mới bắt đầu
Là một đất nước có đường bờ biển kéo dài và nhiều cảnh quan thiên nhiên kì thú, Việt Nam đã trở thành “vùng đất màu mỡ” cho nhiều loại hình du lịch phát triển, trong đó có du lịch golf.
Điều này đã được thể hiện qua giải thưởng “Điểm đến của golf châu Á – châu Đại dương” do Hiệp hội Quốc tế các Tổ chức Lữ hành Golf (IAGTO) trao tặng cho Việt Nam vào 2 năm 2013 và 2015.
Tuy nhiên, dù đã xuất hiện và phát triển ở Việt Nam hơn 20 năm nhưng loại hình du lịch quý tộc này vẫn chưa đạt được sự phát triển đúng tầm với tiềm năng của nó. Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ có 40 sân golf được cấp phép với khoảng 15.000 người chơi. Mỗi năm, chúng ta cũng chỉ thu hút được 35.000 khách chơi golf đến từ nước ngoài, chiếm khoảng 0,5% trên tổng số hơn 10 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.
Tỷ lệ này là quá thấp so với các nước láng giềng là Malaysia với 2% (trên 25 triệu khách) và Thái Lan với xấp xỉ 9% (trên 23,2 triệu khách). Đánh giá về khả năng còn bỏ ngỏ của du lịch golf tại Việt Nam, ông Mark Siegel – Tổng giám đốc Golffasian khẳng định: “Việt Nam là một trong những điểm chơi golf hấp dẫn trên thế giới trong tương lai”.
Những năm gần đây, nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của các khu nghỉ dưỡng 5 sao có sân golf đi kèm, ngành du lịch golf ở Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc. Nhiều tổ hợp khách sạn – sân golf được quy hoạch và đưa vào hoạt động như: khách sạn Sofitel Dalat Palace với sân golf 18 lỗ, Novotel Ocean Dunes & Golf Resort - Phan Thiết, Sealink, Montgomerie Links, Danang Golf Club, sân golf Đà Lạt, Long Thành…
Tuy nhiên, thú vị nhất phải kể đến những câu lạc bộ mới mở cửa như Diamond Bay, Vinpearl Golf Club với sự kết hợp hoàn hảo giữa golf và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển. Sự kết hợp này không chỉ góp phần đa dạng hóa các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn cộng thêm nhiều giá trị cho ngành du lịch.
Ông Bùi Quang Vinh – nguyên Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu Tư
Là một thành phố du lịch nổi tiếng ở miền Trung, Đà Nẵng có nhiều đường bay quốc tế và khí hậu ở đây cũng rất ấm nóng, tạo cơ hội để phát triển ngành du lịch quý tộc này. Thực tế, Đà Nẵng đã đón rất nhiều đoàn khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến chơi golf dưới hình thức các tour du lịch golf. Chúng tôi cũng góp ý thành phố cần phải phát triển nhiều sân golf hơn vì Đà Nẵng nhiều đồi núi khô cằn và roi cát nên không thể phát triển nông nghiệp được. Việc đăng cai tổ chức Đại hội Golf châu Á tháng 5 sẽ tạo điều kiện tốt để Đà Nẵng quảng bá về thế mạnh của mình, đồng thời cũng thúc đẩy ngành golf Việt Nam nói chung phát triển.
Thực tế cho thấy, du khách đã bắt đầu đến các khu du lịch trên và sử dụng các dịch vụ golf tại đây. Chẳng hạn như khu nghỉ dưỡng The Nam Hải có trên 30% khách du lịch lưu trú chơi golf, trong đó đa số là khách nghỉ dưỡng và khách đoàn.
Nhắc đến du lịch golf ở Việt Nam, không thể không nhắc đến miền Trung với “thủ phủ golf” Đà Nẵng. Thành phố này sớm nổi tiếng là điểm chơi golf hấp dẫn nhờ sân bay quốc tế với những chuyến bay thẳng từ Seoul và Tokyo – 2 quốc gia có lượng người chơi golf chiếm số đông, các resort cao cấp và gần địa điểm du lịch ưa thích là Hội An.
Do đó, việc Đà Nẵng đăng cai tổ chức Đại hội du lịch golf châu Á 2017 (AGTC 2017) vào ngày 7-13/5 tới đây chính là cách quảng bá hiệu quả cho du lịch du lịch golf ở Đà Nẵng nói riêng và ngành du lịch golf ở Việt Nam nói chung. Đại hội chính là sự kiện lớn nhất trong ngành công nghiệp golf châu Á năm 2017, hứa hẹn thu hút 650 đại biểu đại điện cho các nhà điều hành tour du lịch golf, các công ty lữ hành, khách sạn… tại 36 quốc gia trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để thu hút đầu tư và thúc đẩy ngành du lịch đặc thù này ở Việt Nam phát triển.
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch tập đoàn BRG
Tại Việt Nam, golf là môn thể thao chưa thật phổ biến với mọi người nhưng nó thực sự tốt cho sức khỏe và giúp mọi người giải trí sau một tuần làm việc căng thẳng. Là một người làm việc lâu năm trong ngành golf, tôi có thể khẳng định rằng trong tương lai gần, ngành du lịch golf của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên gần gũi hơn với mọi người.
Hoàng Anh