Lẩu hợp với những cuộc vui bạn bè, trong bữa ăn quây quần bên gia đình và dễ chiều lòng thực khách bởi ở mỗi vùng miền, món ăn lại có biến tấu riêng. Dưới đây là một số gợi ý dành cho thực khách.
Lẩu măng vịt miền Bắc
Lẩu măng vịt là một trong những món ngon và bổ dưỡng, rất được yêu thích ở miền Bắc. Món ăn có vị chua của măng và ngọt béo, đậm đà từ thịt vịt thả đồng. Trong đó, nguyên liệu chính được chế biến phải là vịt cỏ, mập thịt và hơi già để khi nấu cho vị ngọt, dai, mùi không hôi.
Vịt được làm sạch, rửa lại với ít rượu trắng để khử mùi, sau đó chặt thành từng khúc vừa miếng, ướp cùng chút gia vị cho ngấm. Tiếp theo, người làm đặt nồi lên bếp, xào qua cho vịt săn lại, trút thêm măng củ vào đảo cùng và đổ nước xâm xấp mặt thịt, đun nhỏ lửa, chờ chín mềm.
Thịt vịt béo ngậy, mềm thơm, lẫn vị măng chua nên không ngấy. Giá trung bình 150.000 – 250.000 đồng một nồi cho 2 - 4 người ăn. Ảnh: Lê Thương. |
Nhiều người miền Bắc thích ăn lẩu vịt kèm một chút măng muối chua, thường cho sẵn vào nồi hoặc ăn riêng ở ngoài. Không như các loại lẩu khác có thể ăn kèm nhiều loại rau và miến, mỳ, lẩu vịt chỉ hợp nhất với rau muống, bún.
Lẩu cá đuối miền Trung
Cá đuối có nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung, sau khi mua về được cắt bỏ mang, mổ và làm sạch, rửa lại với giấm hoặc rượu để tránh mùi tanh đồng thời tăng thêm hương vị. Người làm thái miếng vừa ăn, tẩm ướp gia vị và bày lên đĩa, ăn tới đâu nhúng tới đó.
Lẩu cá đuối hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt đậm của cá, chua nhẹ từ nước dùng nấu măng cùng hương thơm rau ngổ, mùi tàu... Người miền Trung vốn ăn mặn nên thường có bát mắm ớt đi kèm.
Món ăn hợp vị với rau muống, hoa chuối, bún… |
Lẩu mắm miền Tây
Lẩu mắm là món ăn dân dã, mang đậm phong vị ẩm thực người miền Tây. Dân bản địa nơi đây có bí quyết riêng để tạo nên hương vị độc đáo cho món lẩu. Trong đó, nồi lẩu thường có màu nâu đặc trưng của mắm chưng (có thể là mắm cá sặc hoặc mắm lóc, mắm linh) nhưng lại không quá mặn.
Với màu sắc bắt mắt, món ăn gây thiện cảm với thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ảnh: Thư Kỳ. |
Món ăn này giàu dinh dưỡng vì dễ kết hợp nhiều loại thịt, cá, tôm, cua tùy khẩu vị. Thực khách có thể ăn cùng rất nhiều loại rau đồng như cà tím, hoa bí đỏ, rau đắng, hoa súng, đậu rồng, rau trai, tàu bay, rau mác…
Cách phổ biến nhất là nhúng các nguyên liệu trên vào nồi nước dùng sóng sánh sả, tỏi, ớt băm nhỏ, tỏa hương thơm quyến rũ. Ngày nay, món ăn có mặt khắp nơi như một nét ẩm thực đặc trưng của văn hóa địa phương.
Theo VnExpress