Hội Trò Trám được xem là di sản văn hóa tiêu biểu của vùng đất Tổ Hùng Vương. Ảnh: Lê Bích |
“Xưa bà ẵm cháu, mẹ bồng con
Xem tích Trò Trám nay vẫn còn
Tiên tổ truyền kỳ di vật báu
Miếu Trò linh nghiệm dấu vàng son
Ai vãng Đền Hùng thăm đồ trận
Nhớ về miếu Trò nẻo sườn non
Nén hương vọng dâng vật kỳ tích
Ngàn thu đá tạc mãi trường tồn”
Trong số các lễ hội truyền thống tiêu biểu cho cư dân nông nghiệp thì hội Trò Trám của người dân xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) có lẽ là lễ hội khá độc đáo và lạ lẫm với nhiều người. Xưa kia, vào dịp đầu xuân năm mới, lễ hội Trò Trám lại được tổ chức tại ngôi miếu cổ trong rừng trám (gọi là miếu Trò Trám, miếu Trò hay miếu Đụ Đị) 2 hoặc 4 năm một lần, trong những năm chẵn. Hội thu hút bởi những tích trò thể hiện hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân tại 4 ngành nghề: sĩ, nông, công binh, đồng thời đem lại tiếng cười vô cùng sảng khoái.
Trong dân gian, hội Trò Trám còn được gọi là hội “linh tinh tình phộc” hay “hội Nõ Nường” với ý nghĩa là lễ hội “vòng đời”. Theo lời ông thủ từ miếu Trò Nguyễn Thành Ngữ (68 tuổi): “Thực ra đây là lễ hội để khép kín một vòng đời. Con người chết nhiều vì bệnh tật, nên nghi thức nõ – nường để cầu mong nòi giống sinh sôi nảy nở, muốn “khép kín” để bảo vệ và có những nguồn gen chống lại bệnh tật”.
Qua bao bể dâu của thời gian, của loạn lạc chiến tranh, có khi lễ hội Trò Trám tưởng chừng như bị quên lãng sau gần 60 năm “bặt vô âm tín”. Từ năm 1993, lễ hội này được phục dựng, tổ chức đều đặn vào đêm ngày 11 về sáng ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Nhân dân địa phương rất tự hào, trân trọng và gìn giữ lễ hội dân gian được các nhà văn hóa đánh giá là “lễ hội đáng quý”, mang đậm tính dân tộc này.
Diễn xướng "Tứ dân chi nghiệp" đem lại tiếng cười sảng khoái cho nhân dân qua những câu hát vui, ý nhị. Ảnh: Lê Bích. |
Đến nay, mỗi khi gần tới lễ hội xuân ấy, người dân Tứ Xã lại háo hức chờ mong để được hòa mình trong những trận cười sảng khoái khi xem các trò diễn trong ngày hội. Vì “Cuộc đời vất vả sớm hôm/ Đi xem Trò Trám đủ ôm miệng cười”, ngày hội dân gian này trở thành sự kiện được mong đợi nhất trong năm đối với những người nông dân lam lũ cũng như mọi thành viên trong làng.
Có thể nói “tinh hoa” của hội Trò Trám chính là nghi thức “lễ Mật tắt đèn” vào đúng 0 giờ ngày 12/1 âm lịch ngay trong miếu Trò. “Lễ Mật” tái hiện cảnh giao hợp, sự giao hòa âm dương khi để 2 linh vật là nõ (được tạo hình theo sinh thực khí tượng trưng cho giống đực) và nường (biểu trưng cho giống cái) chạm vào nhau với mong muốn cầu xin giống nòi sinh sôi, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đơm hoa kết trái. Dân làng xưa tin rằng, dưới sự chứng giám của thần linh, trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao từ ngày cũ sang ngày mới, mọi vật mới linh ứng.
Đúng 0 giờ, mọi ánh nến đều tắt hết, phần lễ sẽ được tiến hành một cách trang trọng trong khói nhang nghi nghút và không gian cổ kính, thiêng liêng của miếu Trò. Linh vật nõ – nường sẽ được cụ thủ từ trao cho một đôi trai gái được chọn sẵn. Người nữ cầm nường, nam cầm nõ.
Nghi thức "lễ Mật tắt đèn" nói về sự hòa hợp âm dương, cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở. Ảnh: vietbao.vn |
Cụ thủ từ sẽ hô 3 lần “linh tinh tình… phộc”, theo từng lần hô, người nữ sẽ hát: “Bên kia có nứng cùng chăng/ Bên này lủng lẳng như giằng cối xay”. Hát xong, người nam sẽ cầm nõ đâm vào nường, thể hiện cho sự giao kết của 2 linh vật, sự hài hòa của âm dương, đất trời. Dựa vào tiếng động phát ra người ta sẽ biết được nghi thức thành công hay không.
Mỗi lần nõ đâm trúng nường, từng hồi chiêng trống lại nổi lên rộn ràng, dân làng hò reo hoan hỉ. Theo quan niệm, nếu đâm trúng cả 3 lần là báo trước điềm lành, mọi mong cầu của người dân được như ý. Nếu không, năm tới sẽ là năm gian khó mà dân làng phải nỗ lực vượt qua.
Nghi thức “lễ Mật” chỉ được tiến hành một lần trong năm. Sau đó, nõ – nường là 2 linh vật được làm bằng gỗ mít, sơn son sẽ được bọc vải đỏ, cất giữ cẩn thận trong một tráp son hình chữ nhật đặt trong miếu thờ.
Kết thúc lễ Mật, cụ thủ từ hô “Tháo khoán!” nghĩa là đã đến thời gian dành cho các đôi trai gái có thể yêu đương, tự tình với nhau mà không bị làng bắt vạ. Vì thế, đêm hội ấy còn được coi là “đêm tình yêu”.
Theo lệ làng, trước đây, trong đêm “tháo khoán”, nam nữ có thể thoải mái chòng ghẹo nhau (nhưng không phải do tùy tiện mà có sự ưng thuận của đôi bên từ trước). Những đứa trẻ ra đời từ đêm đó không bị chê cười mà còn được xem là điều may mắn. Và sau đêm “tháo khoán”, những đôi trai gái nghèo chỉ cần đem cơi trầu trình làng là có thể trở thành vợ chồng, ở với nhau đến suốt đời.
Ngày nay, lễ “tháo khoán” không còn, thay vào đó, các đôi trai gái sẽ quây quần với nhau bên mâm cỗ lộc trước sân miếu. Nhưng hội Trò Trám vẫn vẹn nguyên ý nghĩa tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp và là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của vùng đất Tổ Hùng Vương.
Phương Nga