14:44 18/10/2024

Món ăn ngoại bùng nổ ở Việt Nam

11:28 25/01/2017

Ngon, lạ, bắt mắt là những lý do khiến đồ ăn nước ngoài ngày càng hút khách, đặc biệt là thực khách trẻ tuổi. Không chỉ tạo nên các trào lưu ẩm thực mới, những món ăn ngoại nhập trong quá trình “Việt hóa” còn góp phần làm phong phú thêm nền ẩm thực Việt.

“Cơn sốt” ẩm thực ngoại

Món ăn ngoại bùng nổ ở Việt Nam - 1
Ảnh: Internet

Cùng với quá trình giao lưu văn hóa và phát triển du lịch, các món ăn nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các thực khách Việt. Trong đó, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất chính là ẩm thực đến từ 6 quốc gia: Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu có dịp dạo quanh các con phố lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ… du khách không khó để tìm thấy một quán ăn ngoại. Dù là nhà hàng bình dân hay sang trọng, bất kể ngày lễ hay ngày thường thì những địa điểm này đều tấp nập khách ra vào. Tại đây chuyên phục vụ các món ăn có nguồn gốc ngoại nhập, bao gồm những tên gọi quen thuộc như mì Ý, pizza, gimbab, mì cay, sushi, bít tết… đến những món ăn lạ miệng khác là cơm gà Hải Nam, lẩu Tứ Xuyên, bún Thái, sashimi…

Món ăn ngoại bùng nổ ở Việt Nam - 2
Ảnh: Internet

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực khách, hàng loạt chuỗi nhà hàng cao cấp cũng ra đời như chuỗi nhà hàng Ý (Pepperonis, Spaghetti Box, Al Fresco’s..), chuỗi nhà hàng Trung Quốc (Michelin, Crystal Jade Palac), Hàn Quốc (Seoul Garden, GoGi House, King BBQ), Nhật Bản (Sumo BBQ, Akaari, Sushi Bar)… Thậm chí, sự tập trung của các nhà hàng tại một số khu phố đã hình thành nên các khu ẩm thực đặc trưng. Chẳng hạn phố đồ Hàn ở khu Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) và Phạm Hai (Tp. Hồ Chí Minh), phố đồ Nhật ở Kim Mã – Linh Lang – Đào Tấn (Hà Nội), phố đồ Ấn ở Hàng Tre (Hà Nội), phố Tây Phạm Ngũ Lão (Tp. Hồ Chí Minh)… Điểm chung của các nhà hàng này là có không gian đẹp, món ăn hấp dẫn và giá cả phải chăng.

Theo chị Như Loan, chủ một nhà hàng Hàn Quốc ở đường Nguyễn Trãi (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) thì 90% thực khách đến quán hàng ngày là người Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ. Các món Hàn được nhiều người Việt ưa thích là mì đen, tteokbokki, gimbab, cơm trộn, bingsu và gần đây nhất là mì cay. Chỉ tính riêng năm 2016, mì cay Hàn Quốc đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ với sự nổ rộ của hàng trăm nhà hàng trên khắp cả nước.

Quỳnh Thu, nhân viên công ty Samsung chi nhánh Bắc Ninh cho biết, do làm việc trong môi trường toàn người Hàn Quốc nên chị cũng rất yêu thích các món ăn Hàn. “Tôi hay cùng đồng nghiệp ăn tại những quán đồ Hàn gần công ty. Dù không chuẩn vị Hàn 100% nhưng đồ ăn chế biến khá ngon và giá cả cũng hợp lý” – chị Thu nhận xét. Ngoài các món ăn quen thuộc như đồ Hàn, đồ Nhật, đồ Trung Quốc, pizza, mì Ý… thì các món ăn Thái Lan hiện nay cũng rất được ưa chuộng. Chỉ với 30.000 – 35.000 đồng, thực khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn vặt Thái Lan đang “hot” như chè Thái, xôi xoài, kem dừa, kem cuộn, bún Thái hoặc cao cấp hơn nữa là Tom Yum.

Quá trình “Việt hóa”

Món ăn ngoại bùng nổ ở Việt Nam - 3
Ảnh: Internet

Tuy du nhập từ nước ngoài nhưng các món ăn ngoại luôn được Việt hóa cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Dù vẫn đảm bảo một số tiêu chuẩn nhất định của món ăn, nhưng tùy theo phong vị của từng địa phương mà các nhà hàng sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp. “Chẳng hạn như các món ăn Hàn Quốc chuẩn vị thường mặn và rất cay. Nhưng khi chế biến tại Việt Nam thì không thể cầu kì gia vị như người Hàn mà thiên về ngọt và ít cay hơn phiên bản gốc” – chị Quỳnh Thu chia sẻ.

Món ăn ngoại bùng nổ ở Việt Nam - 4
Ảnh: Internet

Anh Masayuki Manabe (Giám đốc công ty Ajichi Farm) – một người Nhật đã sống tại Việt Nam 11 năm cho biết: “So với các món ăn nước ngoài khác thì tôi thấy đồ ăn Nhật Bản chế biến ở Việt Nam khá giống hương vị chuẩn. Có thể là do phần lớn nguyên liệu được nhập chủ yếu từ Nhật và các nhà hàng này cũng sử dụng đầu bếp là người Nhật để chế biến. Tuy nhiên, giá đồ ăn Nhật ở Việt Nam cũng không hề rẻ.” Nhiều thực khách nhận định, họ tìm đến với nhà hàng bán đồ ăn ngoại một phần vì tò mò, nhưng quan trọng hơn là cảm thấy hài lòng về không gian thoáng mát, phục vụ chu đáo và quy trình chế biến đồ ăn sạch sẽ.

Có thể thấy, sự xuất hiện ngày càng nhiều các trào lưu ẩm thực ngoại nhập ở Việt Nam đã thể hiện sự bắt kịp khá nhanh với xu thế hội nhập của thời đại. Ngược lại lịch sử, nhiều món ăn Việt Nam có nguồn gốc nước ngoài như bánh mì (xuất xứ từ bánh mì Baguette do người Pháp mang đầu thế kỉ XIX); bánh bao, hủ tiếu (nguồn gốc Trung Quốc); súp, salad (nguồn gốc châu Âu)… khi du nhập vào Việt Nam đã được biến đổi cho thuần Việt, thậm chí trở thành đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Không thể phủ nhận, sự giao thoa này đã khiến nền ẩm thực Việt Nam trở nên phong phú và ngày càng hấp dẫn.

Hoàng Anh

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt