00:05 23/12/2024

Những lễ hội ngày càng trở nên nhạt nhòa

18:47 15/02/2016

Với một nước nông nghiệp như Việt Nam thì lễ hội vừa là dịp nghỉ ngơi, lại vừa chứa đựng những ý nghĩa và giá trị tốt đẹp về đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người dân. Nhưng ngày nay, nhiều lễ hội văn hóa ngày càng trở nên nhạt nhòa, kém bản sắc, bị thương mại hóa khiến du khách thấy... “bội thực”.

1. Hội Lim, Bắc Ninh  

Những lễ hội ngày càng trở nên nhạt nhòa - 1
Năm 2016, hội Lim Bắc Ninh sẽ không cho các liền anh liền chị dùng loa, đài, âm thanh loa máy công suất lớn khi biểu diễn. Ảnh: Internet

Hội Lim là một trong những lễ hội xuân lớn của vùng Kinh Bắc thường được tổ chức trong ngày 12,13 tháng Giêng âm lịch (năm nay rơi vào ngày 19 – 20/2 dương lịch). Hội Lim đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.

Dù là một lễ hội văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người dân Bắc Ninh, nhưng những năm gần đây, hội Lim dần “mất duyên” và thiếu sức hút vì quá trình thương mại hóa khiến nó trở nên nhạt nhòa và không còn bản sắc.

Vài năm trước, hội Lim trong mắt những người dân ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh cũng “mất điểm” khá lớn vì tổ chức không giống lối diễn xướng cổ của quan họ trước đây. Xưa kia, các liền anh liền chị hát giao duyên trên bến thuyền, không sử dụng micro, loa đài, thiết bị điện tử cũng như dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu như nhiều năm gần đây.

Tình trạng những người trong trang phục áo tứ thân xếp thành hàng dài để bán đĩa nhạc, thu tiền, đồng thời biểu diễn các loại nhạc khác trong khu vực lễ hội (nhạc mới, hát chèo, nhảy đồng…) cũng khiến không gian hội Lim trở nên nhốn nháo, lộn xộn chứ không còn nét duyên dáng, mộc mạc và giản dị như xưa.

Năm nay, Ban tổ chức hội Lim 2016 cho biết, tỉnh Bắc Ninh sẽ chỉ cho biểu diễn hát quan họ tại các lán trại để không làm ảnh hưởng đến không gian hội Lim, không sử dụng loa, đài, âm thanh loa máy công suất lớn vì sẽ ảnh hưởng đến độ mượt mà, mềm mại của những câu hát quan họ. Đặc biệt sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh tình trạng bát nháo bằng cách cấm các hình thức quan họ ngửa nón xin tiền, các trò chơi điện tử, xiếc, mô tô bay và tăng cường các trò chơi dân gian truyền thống (đánh đu, cờ người, bịt mắt bắt dê, đu tiên, vật truyền thống, chọi gà…) để đưa lễ hội Lim về đúng với cung cách cổ xưa của nó.

2. Hội chợ Viềng, Nam Định

Những lễ hội ngày càng trở nên nhạt nhòa - 2
Cảnh ăn xin phản cảm ở hội chợ Viềng 2016. Ảnh: Zing

Được biết đến là nơi “mua may, bán rủi”, chợ Viềng (còn gọi là chợ âm phủ) ở xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tập trung khá đông du khách vào ngày họp chợ mùng 7 Tết Nguyên đán hàng năm. Người dân quan niệm rằng, đi chợ Viềng vào đầu năm mới, đồ vật được mua về sẽ đem lại may mắn mình cả năm tới.  

Chợ Viềng thường bán nông cụ (quang gánh, liềm, cày cuốc…), cây giống, cây cảnh và thịt bò. Thịt bò được xem là lễ vật dâng mẫu Liễu Hạnh, nên đầu xuân khi đến chợ Viềng mà mua được chút ít thịt bò, người ta cũng thấy vui mừng vì như xin được lộc Mẫu. Và người mua cũng chẳng phải mặc cả, vì người bán không nói thách – một nét đẹp đặc trưng của chợ Viềng xưa.

Nhưng chợ Viềng ngày nay đã dần đánh mất đi những điều đó. Thay vì mua bán nông cụ để lấy may, nhiều người lại tìm đến những sới bạc được tổ chức ngay trong chợ Viềng để thử trò đỏ - đen hay tìm vận may. Du khách tới tham quan cũng ít hơn trước.

Trong cảm nhận của nhiều người, chợ Viềng được phân lô (giúp du khách, người dân dễ dàng tìm kiếm các gian hàng) đã khiến nét đặc trưng của lễ hội bị xóa nhòa và chợ Viềng chẳng khác nào một phiên chợ quê. Những món hàng được bày bán nhan nhản là vòng tay, trang sức, mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em... khiến phiên chợ Viềng không còn hấp dẫn như trước.

Nạn “chặt chém” du khách, xin tiền, giả làm ăn mày cũng khiến nhiều người thấy phản cảm khi tham quan, mua sắm và tìm hiểu một phiên chợ độc đáo mỗi dịp xuân về.

3. Lễ hội khai ấn đền Trần

Những lễ hội ngày càng trở nên nhạt nhòa - 3
Cảnh chen lấn xô đẩy "cướp ấn" phổ biến ở lễ khai ấn đền Trần hàng năm. Ảnh: Công Khanh

Lễ hội khai ấn đền Trần thường diễn ra vào ngày 14-15 tháng Giêng hàng năm tại khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Lễ hội bắt nguồn từ việc vua Trần tổ chức mở tiệc chiêu đãi, thưởng công, phong tước cho các quan quân có công đánh bại quân nguyên Mông lần thứ nhất vào ngày 14 tháng Giêng năm 1258. Từ đó, cứ đến ngày này, các vua Trần lại tổ chức “khai ấn” tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức cho người có công.

Hội khai ấn đền Trần vừa là hoạt động văn hóa nhân văn sâu sắc, vừa giáo dục lớp trẻ truyền thống yêu nước, “uống nước nhớ nguồn”. Ngày nay, du khách tới lễ hội khai ấn đền Trần để tế lễ, xin lá ấn với quan niệm cầu danh, cầu tài.

Với ý nghĩa tốt đẹp như vậy, nhưng lễ hội khai ấn đền Trần những năm gần đây luôn khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm vì cảnh tranh giành “cướp ấn” khiến một lễ hội dân gian đẹp đẽ bị biến tướng và trở thành tầm thường. Cảnh chen lấn, xô đẩy, dẫm dạp lên nhau để cướp ấn cũng làm cho lễ hội trở nên bát nháo, phản cảm.

Theo thống kê từ năm 2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 332 lễ hội lịch sử, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là lễ hội khác. Tính sơ sơ mỗi ngày có khoảng 22 lễ hội diễn ra trên khắp cả nước.

Không thể phủ nhận những ý nghĩa tốt đẹp mà các lễ hội văn hóa truyền thống mang lại (tôn vinh các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, cầu phúc, cầu an…). Nhưng hiện nay nhiều lễ hội văn hóa cổ truyền mang màu sắc riêng của khắp các làng, xã, thôn trong cả nước lại được tổ chức ào ạt, có phần bị thương mại hóa khiến nhiều người dân và du khách thập phương ngán ngẩm, đặc biệt là sau mỗi đợt nghỉ Tết Nguyên đán.

Thu Thủy

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt