Trà sữa túi zipper
Những túi trà sữa bắt mắt, phù hợp thị hiếu của giới trẻ. |
Những cốc trà sữa đã trở thành món đồ uống quen thuộc của giới trẻ. Nhưng cách biến tấu cho trà vào túi nhỏ xinh, tiện lợi khi mang đi và phù hợp với thẩm mỹ, khiến trà sữa zipper trở thành trào lưu nho nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh rồi lan tới Đà Nẵng. Sau loại hình café “take away” (mang đi), trà túi zipper hứa hẹn thành cơn sốt nhẹ.
Loại hình trà sữa mới xuất hiện ở một số quán trên đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú (Đà Nẵng). Ngoài vị truyền thống, trà sữa được trộn thêm nhiều hương vị kèm trân châu hoặc thạch. Chiếc túi zip nhỏ xinh mang nhiều tiện lợi, ngoài chiếc khóa kéo, trà đựng trong túi giữ được nguyên vị mát lạnh đến giọt cuối.
Kem ni tơ
Món kem có cái tên lạ tai đã du nhập vào Việt Nam từ năm 2010, nhưng chính thức “nổi” ở Đà Nẵng vào dịp hè năm nay. Ban đầu, món kem chỉ xuất hiện trong thực đơn các nhà hàng “sang chảnh”, sau rồi trở nên quen thuộc hơn với giới trẻ.
Kem sử dụng ni tơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C nên mỗi ly kem được làm rất nhanh. Một phần kèm đầy đặn gồm viên kem to đủ hương vị táo, việt quất bốc khói ni tơ trắng, kèm thêm vài phụ liệu như chocolate, ốc quế… Kem ni tơ bán tại một số quán trên đường Hải Phòng, Hoàng Văn Thụ, Ngũ Hành Sơn.
Kem cuộn chảo Thái
Loại kem này xuất xứ từ đất nước chùa tháp Thái Lan và du nhập vào Đà Nẵng cách đây không lâu. Quán kem cuộn chảo xuất hiện đã trở thành trào lưu nho nhỏ trong giới trẻ, góp mình trong danh sách những món ăn lạ.
Để có món kem cuộn chảo đúng điệu, người bán hàng sẽ dùng các nguyên liệu hoa quả để lên chảo băng sau đó dùng dụng cụ băng nhỏ. Hỗn hợp sữa được đổ lên trên, chảo băng sẽ làm đông cứng trở thành kem. Sau đó, kem được tán đều thành lớp mỏng, người bán hàng sẽ dùng xẻng kéo léo nạo từng lớp kem thành cuộn tròn nhỏ xinh. Muốn tăng hương vị, thực khách có thể dùng kèm với siro, chocolate dạng lỏng.
Bánh nướng tổ ong Waffle
Bánh Waffle là loại bánh truyền thống của Bỉ, được người dân châu Âu ưa thích. Nếu như ở nước ngoài, món bánh này thường dùng kèm với các loại siro, mứt hay hoa quả tươi như món đồ ăn sáng, thì tới Việt Nam, bánh tổ ong trở nên bình dân hơn.
Nguyên liệu chính làm bánh gồm sữa, bột mỳ, đường và trứng trộn theo tỷ lệ và cho vào khuôn. Sản phẩm ra lò có những hình tròn nổi trên bề mặt như tổ ong nên được gọi với cái tên giản dị “bánh tổ ong”. Bánh ngon nhất khi ăn nóng, tỏa hương thơm béo ngậy của đường sữa. Thực khách có thể tìm món bánh này tại cửa hàng nằm trên đường Phan Châu Trinh.
Theo Dantri