Lễ hội chùa Hương
Đông đảo du khách đến dự lễ hội chùa Hương. Ảnh: Internet |
Nằm trên địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, chùa Hương là luôn điểm đến thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên cả nước tìm đến mỗi dịp tết đến, xuân về. Khai hội từ ngày mùng 6/1 và kéo dài cho tới hết tháng 3 âm lịch, lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội dài nhất tại Việt Nam. Đến tham dự lễ hội, du khách không chỉ được trải nghiệm hành trình về miền đất Phật – nơi Quan Thế Âm bồ tát ứng hiện tu hành mà còn được đắm mình trong không gian mênh mông non nước với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.
Hội gò Đống Đa
Nghi lễ trang trọng trong hội gò Đống Đa. Ảnh: Internet |
Diễn ra vào ngày mùng 5 Tết hàng năm tại gò Đống Đa, hội gò Đống Đa là lễ hội tưởng nhớ công tích lừng lẫy của hoàng đế Quang Trung – người anh hùng dân tộc đã đập tan quân Thanh xâm lược.
Bên cạnh những nghi lễ trang trọng, sức hấp dẫn của hội gò Đống Đa còn đến từ những trò chơi vui khỏe và đầy tinh thần thượng võ, đặc biệt là trò rước Rồng lửa Thăng Long vô cùng độc đáo.
Lễ hội đền Gióng
Hội đền Gióng để tưởng nhớ chiến công của Thánh Gióng. Ảnh: Internet |
Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là cuối cùng Thánh Gióng dừng chân trước khi bay về trời. Chính vì vậy, vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm, người dân nơi đây đều mở hội linh đình để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng trong truyền thuyết.
Ngoài những nghi lễ trang nghiêm, lễ hội đền Gióng cũng vô cùng sôi động với những trò chơi dân gian như cờ tướng, chọi gà cùng những tiết mục hát ca trù, hát chèo đặc sắc.
Lễ hội Yên Tử
Khách hành hương tìm về chiêm bái ở Yên Tử. Ảnh: Internet |
Yên Tử từ lâu đã trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách cả trong và ngoài nước ghé thăm. Đến Yên Tử, du khách sẽ choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên cùng với những giá trị văn hóa, tinh thần lớn lao ở trung tâm Phật giáo này. Đặc biệt, khoảng thời gian từ ngày mùng 10 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch là thời điểm diễn ra lễ hội Yên Tử, lượng khách hành hương tìm về đây chiêm bái lại càng tăng lên mạnh mẽ.
Hội Lim
Hội Lim - lễ hội nổi tiếng của Bắc Ninh. Ảnh: Internet |
Là lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, hội Lim là nơi sinh hoạt văn hóa đặc sắc với làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng. Hội Lim được coi là kết tinh độc đáo của nét văn hóa vùng Kinh Bắc với sự góp mặt của các liền anh, liền chị trong những khúc hát giao duyên, hát đối đáp. Không chỉ có vậy, những trò chơi dân gian như đu tiên, đấu cờ, đấu vật, đấu võ hay thi dệt cửi, nấu cơm cũng góp phần không nhỏ tạo nên sức lôi cuốn của lễ hội này.
Hội Cầu Ngư
Hội cầu ngư tưởng nhớ vị Thành Hoàng - Trương Quý Công. Ảnh: Internet |
Cứ đến ngày 12 tháng giêng hàng năm, khi ghé thăm làng Thai Dương Hạ ở xã Hương Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, du khách lại được hòa mình vào những hoạt động sôi nổi trong lễ hội Cầu Ngư của người dân nơi đây. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ Trương Quý Công – vị Thành Hoàng của làng với lễ cúng cùng các văn hóa, văn nghệ vô cùng đặc sắc và thú vị.
Lễ hội khai ấn đền Trần
Rất đông du khách đến dự lễ hội khai ấn đền Trần. Ảnh: Internet |
Hàng năm, cứ đến dịp diễn ra lễ hội khai ấn đền Trần (từ ngày 14 đến ngày 15 tháng giêng), du khách từ khắp mọi nơi lại nô nức kéo nhau về tham dự lễ hội khai ấn đền Trần với tâm điểm là đêm ngày 14 tháng giêng. Lễ hội diễn ra trong không khí vô cùng náo nhiệt với nghi lễ rước kiệu ấn cùng nhiều hoạt động truyền thống như biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn, đấu vật, cờ người, hát chầu văn, hát chèo, múa lân, múa rồng…
Lê Long