Hội thả diều làng Bá Giang ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội là một lễ hội truyền thống lớn nhất miền Bắc, diễn ra vào ngày rằm tháng ba âm lịch. Không biết chính xác lễ hội có từ khi nào, nhưng dân gian vẫn lưu truyền hai truyền thuyết ly kỳ và hấp dẫn cho đến tận ngày nay.
Lễ hội thả diều làng Bá Giang. Ảnh: Internet |
Truyền thuyết thứ nhất kể rằng lễ hội thả diều để tưởng nhớ tới công trạng của một vị thành hoàng làng được thờ ở đình Bá Giang. Xưa kia, vị thành hoàng làng là đại tướng quân Nguyễn Cả, được sinh ra từ mẹ và Hầu Công (con khỉ) tại một hòn đá xanh trên gò đất đầu làng. Lớn lên, ông chiêu mộ quân sĩ theo Đinh Tiên Hoàng thu phục 12 xứ quân, thu giang sơn về một mối. Nhờ chiến công, ông được nhà vua trọng dụng làm quan ở triều nhà Đinh. Sau này nhà Đinh suy thoái, ông tiếp tục xây dựng ấp Bá thịnh giàu. Khi rảnh rỗi, ông thường bày trò chơi thả diều vui thú cùng trẻ con mục đồng bên cảnh điền viên thôn dã. Thế rồi một ngày kia, bỗng nhiên trời đất nổi cơn phong ba bão táp, mưa gió mịt mùng, hòn đá phẳng nơi ông đứng từ từ bay lên không trung. Dân làng Bá ngóng lên trời cao thấy hòn đá nhỏ dần như một cánh diều lơ lửng rồi biến mất giữa tầng không, xung quanh tỏa ra muôn ánh sao vàng rực rỡ. Từ đó, nhân dân trong làng luôn nghĩ những cánh diều bay lơ lửng giữa trời kia như hình ảnh thiêng liêng của vị thần Nguyễn Cả. Chính vì vậy, hàng năm cứ đến ngày rằm tháng 3, làng lại mở hội thả diều để tưởng nhớ đến ông. Dần dần, nó trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc và nổi tiếng ngày nay.
Trẻ con thả diều trên triều đê. Ảnh: Internet |
Truyền thuyết thứ 2 gắn với sự tích của ngôi Miếu Châu Trần. Xưa kia, làng Bá Giang có tới 21 xóm nhỏ. Trên vùng đất bãi sa bồi của dòng sông Nhị Hà, người dân chăm chỉ cần cù làm ăn, sinh sống. Ngày ngày, người lớn ra đồng cấy lúa, trồng màu, trẻ con lùa trâu bò sang bãi chăn thả. Khi đàn trâu đang ung dung gặm cỏ thì bọn trẻ bày các trò chơi như đánh vật, kéo co hoặc bơi lội. Rồi một hôm, khi bọn trẻ mải mê ngắm nhìn đàn chim bay lượn thì bị thu hút bởi một con diều hâu giang đôi cánh rộng chao liệng giữa bầu trời. Bọn trẻ liền liên tưởng tới một trò chơi mới. Chúng tìm tre uốn thành đôi cánh như hình tượng một con chim rồi lấy giấy bản dán vào khung tre, lấy dây nối vào thân chim tre. Sau khi hoàn thành, thật bất ngờ những con “chim giấy” ấy cũng bay được cũng chao liệng như con chim thật khi trời có gió. Để chim giấy” bay được cao hơn, lũ trẻ lại tìm dây nối thêm cho thật dài và trò chơi thả diều dần được nhiều trẻ con yêu thích.
Thời gian trôi qua, những con diều được biến tấu theo nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Một số loại được đeo thêm sáo ống, sáo vằng, tạo thành tiếng kêu vi vu lý thú. Chính vì vậy, hàng loạt sáo diều lại ra đời, trở thành trò chơi vô cùng hấp dẫn của trẻ con và cả người lớn tuổi.
Sân miếu Châu Trần trở thành nơi tế lễ mở hội thả diều. Ảnh: Lao Động |
Vào một hôm, trên vùng đất sông Bá Giang xưa, bọn trẻ kéo nhau tìm đến gò cao ở đầu bãi để thi xem diều nào lên được cao nhất. Ngày hôm sau, chúng đua nhau đi lấy cây que, dựng tạm trên gò một ngôi miếu nhỏ. Chẳng ai bảo nhưng chúng ý thức rằng, mỗi khi thả diều lên đều phải làm lễ trình trong miếu để khấn cầu thần linh bản thổ phù hộ cho diều của mình được nhất. Ấy thế mà tâm nguyện của bọn trẻ như động đến thần linh bản thổ thật, từ hôm có ngôi miếu, chiều nào cũng có gió nồm nam thổi nhẹ. Cũng từ đấy, năm nào gió cả, diều lên thì dân làng làm ăn thịnh vượng, còn ngược lại thì đời sống nhân dân gặp khó khăn. Sau này, dân làng Bá Giang đồng tâm, đồng lòng cùng nhau xây cất ngôi miếu thờ thần linh bản tổ to đẹp hơn để đủ chỗ cho dân làng tế lễ mở hội thả diều.
Đúng ngày 15 tháng 3 âm lịch, khi ngôi miếu được hoàn thành thì một chuyện kỳ lạ xảy ra. Lúc già làng đặt mâm lễ khấn vái thần linh xong thì bỗng nhiên trời tối đen lại, gió mưa gầm rít, cát bụi bay mù mịt làm dân làng vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên, chỉ trong chốc lát gió chợt ngừng thổi, mây đen tan biến, bầu trời bừng sáng trở lại và hiện ra trước mắt mọi người là một ngôi miếu thờ thần bản thổ đẹp hơn. Dân làng cho rằng thần linh đã ứng nghiệm về ngự giá nên đặt tên là Miếu Châu Trần. Mọi người cùng bắt tay mở hội, tế lễ cầu an, mong cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt và buổi chiều mở hội thả diều.
Những cánh diều vẫn bay cao trên bầu trời xanh. Ảnh: Internet |
Từ đó, cứ đến rằm tháng 3 âm lịch hàng năm là dân làng nghỉ ngơi, cúng giỗ thần linh và mở hội thi thả diều truyền thống. Lễ hội đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, thể hiện thú chơi thanh tao, cao thượng. Dù những người nông dân quanh năm lao động cực nhọc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thế nhưng, tâm hồn họ lại rất trong sáng giản dị, luôn mơ ước về những điều cao đẹp.
Trang Đàm