Mùa xuân trên bản làng người Mông ngập tràn trong hoa mận trắng ngần. Ảnh: Nguyễn Trung Quân |
Không giống như các dân tộc khác trên đất nước Việt, người Mông đón Tết cổ truyền sớm vì có cách tính thời gian khác. Người Mông quan niệm, mỗi tháng có 30 ngày, không có tháng thiếu, tháng thừa hay năm nhuận nên họ luôn luôn đón Tết vào ngày thứ 361 (mùng 1 Tết của người Mông).
Thời gian này lúa đã gặt xong, ngô, khoai đầy bồ, lợn, gà, trâu, bò đầy sân, nhà cửa đã được sửa sang và dọn dẹp sạch sẽ. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu cuối cùng trên bộ váy áo mới để cả nhà kịp diện chơi Tết, đàn ông thì tất bật mổ gà lợn chuẩn bị ẩm thực cho gia đình. Thế là người Mông sẵn sàng để đón cái Tết tươm tất, đủ đầy.
Chỉ cần một buổi ra chợ sắm đồ, mua muối, thịt và áo quần mới cho bọn trẻ con trong nhà là sẽ có một cái Tết ấm. Tết như đang cận kề! Khắp các xã bản của người Mông ở Mộc Châu như: Pà Cò, Tân Lập, Chiềng Xuân, Chiềng Sơn, Lóng Luông, Lóng Sập… đang ngập chìm trong không khí đón xuân rộn ràng và tưng bừng.
Trẻ em Mông vui chơi ngày Tết. Ảnh: Travel |
Vì có ít lễ hội nên người Mông rất mong chờ Tết. Càng gần Tết, những khuôn mặt càng thêm rạng rỡ, háo hức và hân hoan. Tiếng cười đùa của lũ trẻ càng khiến hương vị Tết thêm ấm áp và đáng mong chờ. Tết cũng là ngày người Mông đoàn viên, sum họp, tham gia hội hè, nghỉ ngơi và tận hưởng niềm vui bất tận sau những ngày lao động vất vả.
Tết cổ truyền của người Mông thường diễn ra vào đầu tháng Chạp (năm nay rơi vào ngày 10/1 dương lịch) và kéo dài trong 3 ngày. Tiếp đó là đến mùa hội với nhiều trò chơi dân gian độc đáo và vui nhộn đến hết rằm tháng Giêng. Bởi vậy, so với các dân tộc khác thì người Mông ăn Tết dài hơn cả.
Bánh dày là món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của người Mông. Ảnh: vietmynews |
Món ăn không thể thiếu của người Mông trong ngày Tết cổ truyền là bánh dày (cũng như bánh chưng, bánh tét của người Kinh). Bánh dày vừa tượng trưng cho nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật, cũng là sản phẩm của sự khéo léo, đảm đang của những người quanh năm làm bạn với ruộng nương, vừa là ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Do đó, càng gần ngày 30/11 âm lịch, nếu có dịp ghé qua những bản làng của người Mông, bạn sẽ nghe thấy tiếng chày giã nhịp nhàng xen lẫn tiếng nói cười rôm rả khi người dân làm bánh dày chuẩn bị đón Tết.
Việc giã bánh dày do những người đàn ông khỏe mạnh đảm nhiệm. Ảnh: vietmynews |
Bánh dày được làm từ nếp nương giã thật nhuyễn, bọc trong lá cuối, chia thành các cặp. 6 cặp bánh đầu tiên (biểu tượng cho 12 tháng trong năm) được bày trên ban thờ, dâng lên trời đất và vị thần mùa màng. Còn những chiếc bánh khác sẽ được xếp ngay ngắn trong hũ gỗ pơ - mu để dành ăn dần và chiêu đãi khách quý tới nhà.
Theo truyền thống, người Mông thờ ma nhà (tổ tiên) cùng những nông cụ giúp họ sinh sống. Họ quan niệm, con người được nghỉ ngơi vui chơi vào ngày Tết thì các vật dụng trong nhà cũng cần được nghỉ ngơi. Có như vậy thì năm mới sẽ làm ăn thuận lợi, mùa màng sẽ tốt. Thế nên, đến chiều ngày 30/11 âm lịch, người Mông dán giấy màu lên ban thờ, vì kèo, cột nhà và cả những nông cụ như cày, cuốc, xẻng, dao, cào... dựng ở cạnh góc bàn thờ 10 ngày rồi mới mang ra dùng.
Người Mông không đón giao thừa như người Kinh vẫn làm trong đêm 30 Tết. Thay vào đó, họ chỉ cúng ma nhà bằng một con lợn sống, một con gà trống sống (tốt nhất là gà trống tơ). Người Mông thờ một con gà sống với ngụ ý tiếng gà gáy sẽ gọi thần mặt trời dậy, để trời đất thoát khỏi cảnh tối tăm.
Sau khi làm lễ cúng bái tươm tất, gà và lợn được mang đi giết thịt. Lúc này, gia đình sẽ quây quần bên mâm cơm, uống rượu thịt và chia sẻ với nhau những câu chuyện về dòng họ, làng bản và chờ đến khi con gà đầu tiên cất lên tiếng gáy thì khi ấy năm mới chính thức bắt đầu.
Trong 3 ngày Tết, đàn ông Mông sẽ thay phụ nữ làm hết mọi việc trong gia đình như: nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, cho gia cầm gia súc ăn uống… Vì họ quan niệm đàn ông là trụ cột, cáng đáng mọi việc trong gia đình nên phải “làm gương” để giữ truyền thống cho năm tới.
Thiếu nữ Mông đi chơi Tết. Ảnh: Nguyễn Trung Quân. |
Từ mùng 4 trở đi, người Mông bắt đầu diện quần áo ra khỏi nhà và chơi Tết. Những ngày Tết, mọi hoạt động nương rẫy, trồng cấy đều ngừng lại. Tết cũng là dịp các đôi trai gái người Mông hẹn hò. Suốt hơn một tháng trời, người Mông chỉ vui chơi, tổ chức ăn uống, hát ca, sang chơi nhà nhau và cùng thưởng thức miếng bánh dày dẻo thơm, cạn chén rượu ngô nồng nàn trong khung cảnh đáng yêu của mùa xuân. Họ sẽ say trong chất men ngọt lừ của ngụm rượu ngô thơm nồng, chếnh choáng trong men xuân ấm áp của đất trời, giữa những bóng váy xòe hoa sặc sỡ dập dìu và tiếng khèn sáo rộn rã.
Tuấn Nghĩa