Hội Lim: Hội của hẹn hò
Hội Lim là một trong những lễ hội đầu xuân được chờ đón ở Bắc Ninh. Ảnh: duongbo |
Từ lâu, hội Lim đã trở thành ngày hội văn hóa lâu đời và đặc trưng nhất của vùng Kinh Bắc xưa (nay là Bắc Ninh), thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng ngoạn. Năm nay, hội Lim xuân Bính Thân 2016 được khai mạc vào đúng ngày 19/2 dương lịch.
Trong 2 ngày 12-13/1 âm, hội Lim được tổ chức tưng bừng và rộn ràng tại 3 địa điểm tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão. Hội Lim là ngày dành cho tất cả mọi người, bậc trung niên, cao niên thì tới trẩy hội du xuân, còn những chàng trai cô gái tới hội để tìm bạn, giao duyên và hẹn hò.
Đến với hội Lim, du khách không chỉ có cơ hội được tham gia nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: vật truyền thống, đu tiên, đập niêu, chọi gà, kéo co, bịt mắt bắt dê, tổ tôm điếm… mà còn được lắng nghe những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, đậm đà nghĩa tình của các liền anh, liền chị là các nghệ nhân dân gian hay thành viên câu lạc bộ của các làng quan họ gốc. Đây cũng là hoạt động đặc sắc và đáng mong chờ nhất ở hội Lim.
Ở Bắc Ninh có tới 49 làng hát quan họ thuộc 4 huyện thị nằm ở phía nam của tỉnh, sở hữu 200 làn điệu âm nhạc đặc sắc. Nhưng nhắc đến quan họ, người ta thường nghĩ về hội Lim: lễ hội của những câu ca, làn điệu ngọt ngào, dễ thấm và dễ say.
Chính hội quan họ hội Lim là vào ngày 13 tháng Giêng. Hát quan họ thường được tổ chức ở các lán quan họ tại khu vực trung tâm đồi Lim, trên những chiếc thuyền rồng nhỏ xinh nơi bến nước hay tại cái ao nho nhỏ, hoặc sân khấu chính là gia đình của các nghệ nhân.
Hát quan họ là hình thức hát đối đáp. Ảnh: panoramio.com |
Không cần phải là nhà nghiên cứu chuyên sâu về dân ca quan họ Bắc Ninh mới thuộc những câu hát quan họ. Hầu hết lời ca câu hát của những bài như “Người ở đừng về”, “Bèo dạt mây trôi”, “Còn duyên”, “Mười nhớ”, “Ngồi tựa song đào”, “Cây trúc xinh”…đều được nhiều người biết đến. Dường như chính cái chất đơn sơ, mộc mạc và gần gũi khiến những câu hát vấn vương da diết ấy dễ thấm sâu vào lòng người và trở nên quen thuộc tự lúc nào. Qua từng làn điệu dân ca mượt mà, trong sáng, người nghe có thể cảm nhận được tấm chân tình hồn hậu, mến khách, đức tính từ tốn, khiêm nhường cũng như tình yêu lứa đôi da diết của người dân vùng quan họ Bắc Ninh.
Hình thức hát dân ca quan họ là hát đối đáp nam, nữ; hát đôi đồng giọng: có người hát dẫn, người hát luồn hòa giọng với nhau, quyến luyến như một cặp tình nhân và cùng hợp thành một giọng. Thường vào những dịp lễ tết, khi có bạn bè đến chơi nhà, hay đám hỏi, đám ăn khao… người ta sẽ tổ chức hát quan họ.
Bốn kỹ thuật đặc trưng trong hát quan họ là “rền, vang, nền, nảy” nếu được vận dụng một cách khéo léo sẽ tạo ra âm thanh đặc trưng của bài quan họ. Hát quan họ theo lối cổ là hát mộc, nghĩa là không có nhạc đệm, nhạc beat kèm theo như bây giờ.
Điểm độc đáo nữa của hát quan họ Bắc Ninh là sự “kết chạ” (kết bạn) của người nữ làng này với người nam làng khác. Họ có thể “yêu” nhau trong lời ca, câu hát, trong tâm tưởng nhưng không thể đến được với nhau ngoài đời thực bởi “lời nguyền quan họ không lấy nhau”.
Phải chăng vì thế mà mỗi lần đến hội Lim là mỗi lần các cặp đôi lại quay về tìm nhau, cùng hò hẹn, cất tiếng hát tha thiết cho thỏa nỗi lòng, để được gặp mặt người tri âm, tri kỷ. Hội Lim như “chợ tình của miền xuôi”, nơi những yêu thương phải chờ đợi hàng năm trời chỉ để được hội ngộ, gặp gỡ.
Giữ hồn xưa cho quan họ
Nhiều năm gần đây, hội Lim không còn nhiều sức hút với du khách vì tình trạng nhốn nháo, xô bồ khiến không gian lễ hội bị loãng và không còn “chất xưa”. Tiếng nhạc điện tử, những dòng nhạc khác (nhạc trẻ, hát văn nhảy đồng…) phát ra từ nhiều loa đài công suất lớn “đánh nhau chan chát” khiến lễ hội Lim – ngày hội của những làn điệu quan họ kém thuần chất.
Bên cạnh đó, những hiện tượng gây phản cảm như: quan họ ngả nón xin tiền, sự lấn át của các trò chơi điện tử, bạo lực so với những trò chơi dân gian truyền thống đã khiến hội Lim đánh mất cảm tình trong mắt du khách. Do đó, năm 2016, Ban tổ chức hội Lim đã kiên quyết loại bỏ những hình ảnh nhốn nháo này để trả hội Lim về với nguyên bản.
Cùng với những câu quan họ ngọt ngào, da diết, khi ghé thăm các lán quan họ, du khách sẽ được mời cơi trầu têm cánh phượng đẹp mắt. Đây cũng là một trong những nét văn hóa đặc sắc khác của ngày hội Lim. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” và cũng khéo léo khoe ra tài năng, sự duyên dáng của những người con gái miền quan họ.
Thanh Thúy